Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/11 chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vì đã tiết lộ chi tiết của một cuộc họp trước đó mà qua đó ông Trudeau bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề nội địa của Canada.
Cả hai có cuộc gặp gỡ chớp nhoáng tại một sự kiện ở Indonesia mà các hãng tin ghi lại được. Một máy quay truyền hình ở phía sau một thông dịch viên tiếng Trung Quốc có thể nhìn thấy rõ ràng khi hai người nói chuyện.
“Mọi thứ chúng ta thảo luận đã bị rò rỉ ra mặt báo; điều đó là không phù hợp”, ông Tập nói với ông Trudeau thông qua phiên dịch viên. “Và đó không phải là… cách cuộc trò chuyện được tiến hành, nếu có sự chân thành từ phía ông,” ông Tập nói. Ngay lúc đó ông Trudeau ngắt lời và tiến gần hơn về phía ông Tập.
“Ở Canada, chúng tôi tin tưởng vào đối thoại tự do, cởi mở và thẳng thắn và đó là điều chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì,” ông Trudeau nói. “Chúng ta sẽ tiếp tục tìm cách làm việc cùng nhau một cách xây dựng, nhưng sẽ có những điều chúng ta không đồng ý.”
Ông Tập nhìn quanh khi ông Trudeau đáp trả.
“Hãy tạo điều kiện trước đã,” ông Tập trả lời thông qua phiên dịch viên.
Cả hai bắt tay nhau sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi.
Ông Trudeau lần đầu tiên nói chuyện với ông Tập tại thượng đỉnh G-20 vào thứ Ba tuần trước (8/11). Một quan chức cấp cao của chính phủ Canada cho biết hai người đã nói về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, vấn đề Triều Tiên và biến đổi khí hậu, và rằng Thủ tướng Trudeau cũng nêu ra “mối quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi về các hoạt động can thiệp ở Canada.” Quan chức này nói với điều kiện giấu tên vì không được phép nói công khai về vấn đề này.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo sau đó về cuộc đối đầu với ông Tập, Thủ tướng Trudeau nói “không phải mọi cuộc trò chuyện đều diễn ra dễ dàng, nhưng điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi phải tiếp tục bảo vệ những điều quan trọng đối với người dân Canada.”
Ngoại trưởng Canada, Mélanie Joly, cũng cho biết bà đã thảo luận về sự can thiệp của Trung Quốc với người đồng cấp Trung Quốc tại G-20.
Bà Joly tuần trước phát biểu rằng Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu ngày càng gây rối và cảnh báo các doanh nghiệp chớ dấn sâu vào các mối quan hệ với Trung Quốc, nói rằng có “rủi ro địa chính trị”.
Cảnh sát Canada đã buộc tội một nhân viên của Hydro-Québec hôm 14/11 tội gián điệp với cáo buộc gửi bí mật thương mại cho Trung Quốc. Và mối quan hệ của Bắc Kinh với Ottawa đã sụp đổ sau khi chính quyền Canada bắt giữ một giám đốc điều hành hàng đầu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, người đã bị Hoa Kỳ buộc tội gian lận.
Trung Quốc đã bỏ tù hai người Canada ngay sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei và là con gái của người sáng lập công ty. Họ đã được gửi trở lại Canada vào năm ngoái, cùng ngày bà Mạnh trở lại Trung Quốc sau khi đạt được thỏa thuận với chính quyền Hoa Kỳ trong trường hợp của bà.
Nhiều quốc gia gọi hành động của Trung Quốc là “chính trị con tin”, trong khi Trung Quốc mô tả các cáo buộc chống lại Huawei và bà Mạnh là một nỗ lực có động cơ chính trị nhằm kìm hãm sự phát triển kinh tế và công nghệ của Trung Quốc.
Canada đã cấm các công ty điện thoại không dây dùng thiết bị Huawei trong mạng 5G tốc độ cao, hòa cùng với các đồng minh xa lánh công ty có liên kết chặt chẽ với đảng Cộng sản cầm quyền và cánh quân sự của họ là Quân đội Giải phóng Nhân dân.