Ngày 17/6, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm nói với Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko rằng Việt Nam từ trước đến nay vẫn hết sức coi trọng Nga với tư cách là “đối tác tin cậy”.
“Việt Nam luôn coi Nga là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình, luôn theo dõi sát tình hình và ủng hộ Nga phát triển ổn định”, trang Thanh Niên dẫn lời ông Tô Lâm nói.
Chủ tịch nước Việt Nam phát biểu như trên hôm 17/6, giữa lúc giới lãnh đạo Việt Nam chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm từ ngày 19 đến 20/6.
Tại buổi tiếp ông Bezdetko, ông Tô Lâm cho rằng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Putin “sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước”, thông tấn xã TASS của Nga đưa tin.
Hai bên đã nhất trí rằng “các cơ quan hai nước sẽ phối hợp hành động chặt chẽ để dọn đường cho chuyến thăm, góp phần làm sâu sắc thêm tình đoàn kết, tình hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”, vẫn theo TASS.
Theo Đại sứ Nga, Moscow kỳ vọng chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin “sẽ tạo thêm động lực đáng kể cho sự phát triển hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, đồng thời giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt, tình hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước”.
Về hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, ông Tô Lâm “hoan nghênh sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới”, trang Thanh Niên đưa tin.
Hôm 16/6, ông Tô Lâm và ông Putin trao đổi thư mừng nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trong thư, lãnh đạo hai bên khẳng định hiệp ước trên “là văn kiện lịch sử, có ý nghĩa lớn lao và là biểu tượng khởi đầu cho một giai đoạn mới trong phát triển hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, tạo ra tiền đề cho việc đưa quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện”, theo Tuổi Trẻ Online.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/6 cho biết, nhà lãnh đạo Nga sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến nước này từ ngày 19-20/6 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cùng ngày, Điện Kremlin của Nga cho hay tại Hà Nội, ông Putin sẽ có cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Các cuộc gặp này sẽ tập trung vào hiện trạng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ và nhân đạo cũng như triển vọng phát triển của mối quan hệ này. Hai bên cũng sẽ trao đổi ý kiến về các vấn đề thời sự trong chương trình nghị sự quốc tế và khu vực, vẫn theo Điện Kremlin.
Phía Nga nói rằng sau các cuộc gặp, hai bên sẽ thông qua tuyên bố chung và ký kết một số văn kiện song phương. Truyền thông hai nước chưa tiết lộ chi tiết về các văn kiện này.
Hiện nay, Việt Nam, có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 7 quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc (kể từ năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023), Nhật Bản (2023) và Australia (2024).
Trong số này, mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam được Hà Nội xem mối quan hệ “hữu nghị truyền thống”, được “vun đắp” sau gần 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao .
Tuy nhiên, Hà Nội, với chính sách ngoại giao “cây tre”, đang cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ của mình bằng cách thúc đẩy mối quan hệ phi truyền thống với các nước phương Tây giữa lúc nước Nga do ông Putin lãnh đạo đang bị phương Tây cô lập do cuộc xâm lược của Nga vào nước láng giềng Ukraine.
“Chính sách ngoại giao ‘cây tre’ nghĩa là gió mạnh chiều nào thì ngã theo chiều đó mà không trốc gốc. Trong chuyến thăm này, tôi nghĩ Việt Nam cũng chẳng đặng đừng, là phải tiếp ông Putin”, ông Lê Minh Nguyên ở bang California, Mỹ, một nhà quan sát quan hệ đối ngoại của Việt Nam, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA.
“Chuyện ông Putin thăm Việt Nam thì thế giới Tây phương cũng thừa hiểu là Việt Nam ở thế miễn cưỡng, chứ hai bên cũng sẽ không có những cam kết và những hành động cụ thể nào mà đi ngược lại quyền lợi của phương Tây”, ông Lê Minh Nguyên đưa ra dự báo.
Hôm 17/6, chính phủ Hoa Kỳ phản ứng gay gắt về chuyến thăm cấp nhà nước sắp diễn ra của Tổng thống Putin đến Việt Nam, Reuters đưa tin.
“Không nước nào nên cho ông Putin lập diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của họ và mặt khác cho phép ông ta biến sự tàn bạo của mình trở thành bình thường,” phát ngôn nhân của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói với Reuters khi được hỏi về tác động của chuyến thăm trong quan hệ với Mỹ.
Trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân hôm 18/6, ông Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Putin là “hoạt động đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”.
Tổng thống Nga đã tới Việt Nam 4 lần. Chuyến thăm đầu tiên của ông là vào tháng 2/2001, sau đó đến thăm Việt Nam vào tháng 11/2006. Năm 2017, ông tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do Việt Nam đăng cai. Chuyến thăm chính thức gần nhất của ông đến Việt Nam là vào năm 2013.