Mỹ đã công bố chiến lược đầu tiên về quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương hôm 29/9, ngày thứ hai của một hội nghị thượng đỉnh lịch sử với các lãnh đạo trong khu vực, cam kết giúp họ chống biến đổi khí hậu và bác bỏ ‘sự cưỡng ép kinh tế’ của Trung Quốc.
Khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị gặp gỡ hơn một chục nhà lãnh đạo và đại diện từ các đảo quốc Thái Bình Dương ở Washington, tài liệu chiến lược cho biết chính quyền của ông đang can dự sâu hơn với các đảo quốc này như là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
“Sự thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ phụ thuộc vào khu vực Thái Bình Dương duy trì trạng thái mở và tự do,” tài liệu cho biết, lưu ý rằng các đảo quốc Thái Bình Dương đối mặt với những thách thức khẩn cấp, đáng chú ý nhất là khủng hoảng khí hậu, nhưng cũng có căng thẳng địa chính trị gia tăng.
“Càng ngày, những tác động đó bao gồm áp lực và sự cưỡng ép kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, có nguy cơ làm phá hoại hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực, và rộng ra là của Hoa Kỳ,” tài liệu ghi rõ.
Các lãnh đạo và đại diện từ 14 đảo quốc Thái Bình Dương đang tham gia hội nghị thượng đỉnh. Họ đang được đón tiếp trọng thể ở Washington và vào ngày 29/9, lịch trình của họ sẽ bao gồm ăn trưa tại Quốc hội Mỹ, một cuộc gặp buổi chiều với Tổng thống Biden và bữa tối tại Nhà Trắng.
Chính quyền của ông Biden đã cam kết hỗ trợ lớn cho các đảo quốc để giải quyết các vấn đề khí hậu, y tế và an ninh hàng hải - chẳng hạn như đánh bắt bất hợp pháp - và củng cố liên kết liên lạc với các đối tác của Mỹ như Nhật, Úc và Ấn Độ.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết trong số kết quả quan trọng của hội nghị thượng đỉnh có việc Mỹ sẽ đầu tư hơn 810 triệu đô la vào các chương trình mở rộng để hỗ trợ các hòn đảo ngoài số hơn 1,5 tỷ đô la đã được giải ngân trong thập kỷ qua.
Quan chức này cũng cho biết ông Biden sẽ chỉ định nhà ngoại giao chuyên nghiệp Frankie Reed làm đặc phái viên đầu tiên của Mỹ tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.
Trước đó, tờ Washington Post đưa tin rằng tất cả các nhà lãnh đạo đến Mỹ đã tán thành tuyên bố 11 điểm về tầm nhìn cam kết thực hiện các nỗ lực chung, và một quan chức Mỹ xác nhận với Reuters rằng điều đó là chính xác.
Một dự thảo tuyên bố chưa được ký kết được Reuters nhìn thấy ghi rằng các nhà lãnh đạo quyết tâm tăng cường mối quan hệ đối tác và chia sẻ tầm nhìn về khu vực với ‘nền dân chủ sẽ có thể thăng hoa’.
Hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ tiếp đón nhiều lãnh đạo của khu vực mà họ coi là sân sau của họ trên biển kể từ Đệ nhị Thế chiến, nhưng Trung Quốc đã đạt có những bước tiến chắc chắn.
Một số đảo quốc đã phàn nàn về việc họ bị kẹt trong cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa các siêu cường.
Tài liệu chiến lược của Mỹ cho biết nước này sẽ hợp tác với các đảo quốc Thái Bình Dương để giúp họ thích nghi và xử lý khủng hoảng khí hậu, ‘mối đe dọa sống còn’ đối với cuộc sống, sức khỏe và sinh kế của họ.
Nằm trong kế hoạch, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ngoại giao và quốc phòng trong khu vực, tìm cách giúp đối phó ô nhiễm biển, đánh bắt bất hợp pháp, buôn bán ma túy và an ninh cảng biển, hợp tác với các đối tác về nâng cấp cáp ngầm và thúc đẩy quan hệ đối tác viễn thông ‘an toàn và đáng tin cậy’.
Hoa Kỳ cũng cam kết tăng cường thương mại và đầu tư với các đảo quốc Thái Bình Dương, và cho biết họ sẽ hỗ trợ dân chủ, nhân quyền và quản trị tốt, bao gồm bằng xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân, truyền thông, học viện và xã hội dân sự.
Cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể trong năm nay sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh với Solomon, dẫn đến cảnh báo về quân sự hóa khu vực.