Chẳng phải ngẫu nhiên mà vào thời gian này bỗng dưng rộ lên dư luận trên mạng xã hội về chiếc đồng hồ đeo tay có giá trị đến nửa tỷ đồng của nhân vật quyền lực thấp nhất trong ‘tam trụ’ đảng CSVN - Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn cách đây không lâu quan chức này đã bị dư luận ‘tính sổ’ có đến ít nhất 300 bộ áo dài với giá trị ít nhất 30 tỷ đồng…
Quan chức nào dính ‘chưởng’?
Cũng không thể ngẫu nhiên khi vào thời gian này, một trong những ứng cử viên của cái ghế tổng bí thư, hoặc ghế đúp tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, là Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc bị dư luận mổ xẻ về căn bệnh ‘giả số liệu’ của ông ta - liên quan đến những thành tích tăng trưởng GDP rất ấn tượng, luôn trên 7% bất chấp nền kinh tế Việt Nam đã sa chân vào tình trạng suy thoái trong 11 năm lên tiếp kể từ năm 2008, nhưng lại chẳng trưng ra được cơ sở thuyết phục nào cho cách tính ấn tượng đó. Hầu như đồng thời nổ ra vụ cái chết của một cháu bé tại trường mẫu giáo quốc tế Gateway - nơi được cho là có cổ phần chi phối của cô con gái của Thủ tướng Phúc…
Hoặc lần đầu tiên Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng - dù không nằm trong ‘tam trụ’ nhưng về thực chất lại là nhân vật quyền lực số 2 trong đảng cầm quyền, đã công khai ra đòn “Đi cơ sở mà tổ chức đoàn xe dài dằng dặc là rất phản cảm”. Cách nói vừa trống không vừa tràn ngập tính ẩn dụ này đã khiến dư luận liên tưởng ngay vụ đoàn xe sang ‘dài dằng dặc’ của tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về Hội An - một thành phố miền Trung - để ‘vinh quy bái tổ’ vào năm 2016 và đã bị mạng xã hội lấy đó làm đề tài châm biếm thượng thặng cùng chỉ trích dữ dội.
Khoảng thời gian này cũng là lần đầu tiên ứng cứ viên số một và là ‘truyền nhân’ đầu bảng của Nguyễn Phú Trọng là Trần Quốc Vượng bị đơn thư tố cáo tung lên mạng xã hội. Đơn thư này không đề cập đến hiện tượng ‘Hai Đê’ (đất và đô) của quan chức thường trực ban bí thư, mà chỉ trích ông ta có thói ‘ẩn mặt’ - điều giống hệt Nguyễn Phú Trọng.
Trong khi đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện loạt bài viết ‘Hướng đến đại hội 13’ của tác giả ký tên Hoàng Việt, với rất nhiều chi tiết ruột rà trong nội bộ đảng lẫn nội bộ ngành công an mà khiến người đọc phải hình dung ngay tác giả là người ‘tay trong’ thì mới có được những thông tin như thế. Những bài viết này chĩa mũi dùi vào một số quan chức bộ chính trị còn muốn đi tiếp và ‘vươn lên một tầm cao mới’ như Bộ trưởng công an Tô Lâm, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình và những quan chức cấp ‘trung ủy’ như Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án tối cao…
Tựu trung các yếu tố đấu đá trên là rất gần với không khí ‘toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13’.
Nhưng ngay trước mắt là một ‘đại hội’ rất quan trọng: Hội nghị trung ương 11 sẽ diễn ra vào cuối năm 2019.
Thế trận nào trước đại hội 13?
Nếu Hội nghị trung ương 10 vào tháng 5 năm 2019 chủ yếu ‘sắp ghế’ cho 200 ủy viên trung ương, thì Hội nghị trung ương 11 thậm chí còn có tầm đại hội đảng với nhiệm vụ chốt danh sách sơ bộ các gương mặt ủy viên bộ chính trị cho khóa 13. Nếu Hội nghị trung ương 10 chỉ là cuộc đấu giữa những ‘cá bé’, thì Hội nghị trung ương 11 mới thật sự là cuộc sát phạt của ‘cá mập’ với nhau.
Vào cuối năm 2018, Hội nghị trung ương 9 đã lấy phiếu thăm dò tín nhiệm của các ủy viên trung ương đối với Bộ Chính trị. Tuy nhiên điều lạ lùng là mặc dù mục tiêu lấy phiếu thăm dò tín nhiệm được đảng cầm quyền cho báo chí công bố từ khá sớm, nhưng sau khi hội nghị này kết thúc và mãi cho đến nay vẫn không thấy đảng công bố kết quả phiếu thăm dò tín nhiệm của từng ủy viên bộ chính trị, đặc biệt là với ‘trường hợp đặc biệt’ Nguyễn Phú Trọng. Một số đánh giá cho rằng sở dĩ kết quả phiếu thăm dò tín nhiệm không được công bố, hoặc bị giấu biến đi như thế có thể là do kết quả đó không thật thuận lợi, hoặc khá bất lợi đối với một số ủy viên bộ chính trị đầu não, nhất là ông Trọng.
Ngay từ bây giờ, bầu không khí sát phạt đã trở về thời tiền đại hội 12, vào năm 2015. Khi đó, cuộc chiến không khoan nhượng ‘Trọng - Dũng’ đã kéo theo những chiến dịch vừa PR vừa đánh đấm tưng bừng diễn ra trên một số trang mạng xã hội - nơi duy nhất được lợi dụng để tung tóe những màn thanh trừng chính trị.
Vào tháng Giêng năm 2015, một cuộc bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm dành cho Bộ Chính trị đã diễn ra tại Hội nghị trung ương 10. Nhưng cũng như Hội nghị 9 vào cuối năm 2018, kết quả thăm dò phiếu tín nhiệm tại Hội nghị 10 thời tiền đại hội 12 đã không bao giờ được công bố. Tuy nhiên theo rất nhiều thông tin công bố trên mạng xã hội mà cho tới nay vẫn không hề bị phản bác bởi các cơ quan của đảng và của chính phủ, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ leo lên đầu bảng tín nhiệm tại Hội nghị trung ương 10 thì tổng bí thư khi đó là Nguyễn Phú Trọng chỉ xếp thứ 8.
Kết quả ‘không không thấy’ về thăm dò tín nhiệm bộ chính trị tại Hội nghị trung ương 9 cuối năm 2018 cho thấy ngay cả Nguyễn Phú Trọng - dù khi đó đã trở thành ‘tổng tịch’ vì soán được cái ghế của kẻ chẳng may qua đời là Trần Đại Quang, cùng quyền lực đã trở nên thượng đẳng tập quyền đến mức chưa từng có, cũng không thể tự bảo đảm cho ông ta suất chủ tịch nước hoặc tổng bí thư, hoặc cả hai tại đại hội 13 do phải đối phó với quá nhiều ‘thù trong giặc ngoài’.
3 năm sau đại hội 12, một số nhóm quyền lực - lợi ích cũ đã tạm lui vào hậu trường, nhường chỗ cho những nhóm quyền lực - lợi ích mới. Cuộc sát phạt này cũng hứa hẹn kịch tính và máu lửa không kém thua trận chiến ‘hai cọp’ trước đại hội 12.
Chỉ có điều, đặc thù của thời đại mới đã được tô thắm bới tính chất đa phe phái, đa trung tâm quyền lực hơn và do đó cũng kéo theo nhiều nhóm lợi ích hơn.
Nếu cuộc chiến trước đại hội 12 chủ yếu xoay quanh trục Trọng - Dũng, thì thế trận trước đại hội 13 phong phú hơn khá nhiều: các phe phái - chủ yếu là ‘phe chính phủ’ và ‘phe đảng’ tranh giành quyền lực, còn Nguyễn Phú Trọng phải đối mặt với một nhóm đối thủ mà có thể bao gồm phe chính phủ lẫn bên đảng muốn triệt tiêu ‘sự nghiệp cách mạng’ của ông ta.
Vượng, Phúc và còn hơn thế nữa…
Dù Trần Quốc Vượng ngày càng củng cố tư thế ứng cử viên số một thay cho Nguyễn Phú Trọng, nếu ông Trọng không còn đủ sức khỏe để ‘cống hiến lâu dài cho đất nước và nhân dân’, bản thân Vượng lại phải đối phó với những nhóm quyền lực kiêm tài phiệt hung dữ mà có thể hất đổ ông ta vào bất cứ lúc nào.
Ứng cử viên số 2 - Nguyễn Xuân Phúc - là quan chức được xem là hội tụ đầy đủ tư cách ‘mạnh vì gạo bạo vì tiền’, cho dù ông ta có vẻ không được sủng ái bởi Nguyễn Phú Trọng do cố tật nói quá nhiều, khoe khoang không kém của Phúc và lúc nào cũng kè kè các đại gia bên Phúc.
Nhưng không chỉ có thế. Sau Vượng và Phúc còn cả một lô quan chức khác như Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính, Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình, Tô Lâm, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thiện Nhân…, mà bất kỳ ai trong số đó cũng đều sẵn sàng và nhăm nhe trám vào vị trí của một kẻ bại trận bị văng ra từ võ đài nảy lửa.
Cái cảnh hỗn chiến nhộn nhạo như thể ‘đạp lên đầu giặc mà tiến’ ấy cứ thế diễn ra trong bối cảnh kẻ thù phương Bắc đang cho tàu quần thảo ở bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, con dân đất Việt một lần nữa rơi vào họa mất nước, còn toàn bộ lực lượng hải quân Việt Nam vẫn như thể kiên định… bám bờ.