Chính phủ Nam Phi: Đừng hoảng sợ về nguy cơ khủng bố

Nhân viên an ninh đứng gác tại khu vực nhà hàng và trung tâm mua sắm ở Cape Town, Nam Phi, ngày 7/6/2016.

Anh và Úc đã cùng Mỹ lên tiếng cảnh báo về một vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra ở Nam Phi. Chính phủ Nam Phi đang kêu gọi người dân Nam Phi đừng hoảng sợ, và một nhà phân tích khủng bố hàng đầu đồng ý, nhưng cũng nói rằng Nam Phi không nên quá lơ là. Từ Johannesburg, Thông tín viên Anita Powell của VOA gửi về bài tường thuật.

Cho tới nay, mối đe dọa khủng bố được cho là nhắm vào Nam Phi mới chỉ gây ra sự bối rối.

Đại sứ quán Mỹ hôm 4/6 báo động bằng lời cảnh báo rằng các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo có thể nhắm mục tiêu vào các thương xá của Nam Phi. Anh và Úc cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự hôm 6/6.

Không chính phủ nước ngoài nào cho biết rõ mối đe dọa đến từ đâu, mặc dù Đại sứ quán Mỹ mô tả mối đe dọa là "cụ thể và khả tín."

Mỹ cũng đưa ra một cảnh báo tương tự vào tháng 9 năm ngoái.

Quốc gia dường như không đặc biệt lo ngại về mối đe dọa có thể xảy ra này là Nam Phi. Bộ An ninh của nước này chờ hai ngày sau lời cảnh báo của Mỹ mới ra một thông cáo ngắn gọn cơ bản nói rằng, chớ nên hoảng sợ.

Bộ trưởng An ninh Nhà nước David Mahlobo nói: "Chúng tôi vẫn là một quốc gia dân chủ mạnh và ổn định và không có mối nguy hiểm cấp thời nào do lời cảnh báo này đề ra."

Chuyên gia khủng bố, bà Jasmine Opperman đồng ý rằng Nam Phi không phải là mục tiêu hàng đầu.

Bà Opperman nói: "Không có bằng chứng cho thấy Nhà nước Hồi giáo hay bất kỳ nhóm cực đoan nào khác ở Nam Phi đang hoạch định bất kỳ vụ tấn công cụ thể nào nhắm vào những khu vực công cộng, những khu du lịch nơi mọi người tụ tập. Do đó, rủi ro vẫn ở mức thấp."

Những chi nhánh của al-Qaeda đã nhắm mục tiêu vào thường dân ở những nước châu Phi chống đối họ, như Bờ Biển Ngà, Kenya và Uganda. Và nhóm Boko Haram ở Nigeria, tự xưng có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo, đã thực hiện những vụ tấn công ở những nước láng giềng.

Nhưng phát ngôn viên Bộ An ninh Nhà nước Brian Dube nói Nam Phi cách xa những chiến trường này, và cũng không phải là một nước tham gia trong cuộc chiến của quốc tế chống lại các phần tử chủ chiến Hồi giáo.

Ông Dube cho biết: "Chúng tôi tin rằng Nam Phi, về chính sách đối ngoại của chúng tôi, vẫn luôn ủng hộ những cuộc đàm phán hòa bình và những giải pháp hòa bình cho những cuộc xung đột trên thế giới. Và chúng tôi tin rằng về lập trường này của chúng tôi, Nam Phi không phải là mục tiêu của một số những tổ chức cực đoan này."

Binh lính Cameroon đứng gác gần làng Fotokol để chống lại nhóm Boko Haram, 25/2/2015.

Nhưng, bà Opperman, giám đốc về các Hoạt động Nam Châu Phi của Tổ hợp Khủng bố, Nghiên cứu và Phân tích, nói điều đó không có nghĩa là Nam Phi không có vấn đề.

Bà cho biết những người mà bà liên lạc ước tính rằng khoảng từ 20 đến 80 người Nam Phi đã gia nhập Nhà nước Hồi giáo, đa số gia nhập với tư cách là những nhà giáo dục và những nhà quản trị, chứ không phải là những chiến binh. Bà nói những người mà bà liên lạc không có dấu hiệu nào cho thấy những ổ khủng bố đang được thành lập hoặc những vụ tấn công đã được hoạch định ở Nam Phi.

Tuy nhiên, bà nói điều đó có thể thay đổi, nhất là khi nhóm chủ chiến này nhận thấy mình bị những siêu cường của thế giới dồn vào góc tường: "Điều trớ trêu là đây sẽ là vấn đề kế tiếp mà Nam Phi phải đối mặt khi nói đến chủ nghĩa khủng bố. Khi sức ép gia tăng đối với Nhà nước Hồi giáo, có rất nhiều phần chắc người ta muốn quay trở về một nơi an toàn hơn, và đó sẽ là Nam Phi. Và làm thế nào chúng ta đối phó với họ đây? Đó sẽ là một giai đoạn mới hoàn toàn khác, và tôi hy vọng là chính phủ Nam Phi đã chuẩn bị cho giai đoạn đó."

Ông Dube cho biết những quan chức an ninh thường xuyên liên lạc với những cơ quan chia sẻ tình báo và giám sát chặt chẽ những mối đe dọa.

Vào lúc này, không nước nào trong ba nước Mỹ, Anh và Úc khuyến cáo người dân ngừng du hành tới Nam Phi.