Nhiều kêu gọi Mỹ-Trung thảo luận nghiêm túc về nhân quyền

  • Stephanie Ho

Vợ của luật sư Cao Trí Thịnh trước cuộc họp báo với dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith tại Ðiện Capitol ở thủ đô Washington, ngày 18/1/2011

Giới tranh đấu cho nhân quyền ở Trung Quốc đang hối thúc Tổng thống Obama hãy thảo luận về thành tích nhân quyền của Bắc Kinh một cách công khai và có thực chất trong các cuộc đàm đạo với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Điện thọai của nhân vật bất đồng chính kiến lão thành Bào Đồng đã bị cắt hồi tháng 10, ngay sau khi ủy ban Giải Nobel hòa bình chọn nhà văn Lưu Hiểu Ba đang bị cầm tù làm khôi nguyên giải. Dịch vụ điện thoại của ông Bào chỉ được nối lại mới đây.

Ông Bào là nhân vật cấp cao nhất đã bị cầm tù vì ủng hộ các sinh viên biểu tình tại Bắc Kinh vào năm 1989. Ông nói ông hy vọng các nhà lãnh đạo Barack Obama và Hồ Cẩm Đào sẽ mở các cuộc hội đàm tốt đẹp về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc.

Ông Bào Đồng nói nhân quyền là một vấn đề quan trọng đến độ hai nhà lãnh đạo không thể không đề cập đến. Ông cho rằng các cuộc thảo luận không nên chỉ mang vỏ bề ngoài mà phải đào sâu vào nội dung và phải mang lại các kết quả.

Ông Hồ Cẩm Đào đang có mặt tại Washington thực hiện chuyến công du, bao gồm những cuộc hội đàm về nhiều vấn đề với Tổng thống Obama, những cuộc họp với giới lãnh đạo Quốc hội và một chuyến thăm thành phố Chicago.

Một nhà hoạt động khác là bà Đinh Tử Lâm, một trong các nhân vật chính trong ban tổ chức của một nhóm có tên là Các bà mẹ Thiên An Môn, gồm những người có thân nhân thiệt mạng khi quân đội Trung Quốc trấn át các cuộc biểu tình vào năm 1989. Con trai của bà Đinh Tử Lâm đã thiệt mạng.

Bà Đinh Tử Lâm nói bà nghĩ rằng các bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về nhân quyền đã bị che mờ bởi các tranh chấp kinh tế và các vấn đề an ninh. Vì thế, bà nói bà muốn thấy ông Obama và ông Hồ Cẩm Đào bàn đến nhân quyền.

Bà Đinh Tử Lâm nói bà không muốn các cuộc đàm phán giống y như trước đây, mà theo ý bà, nói về nhân quyền chỉ cho có lệ.

Bà đặc biệt căm phẫn về phản ứng của chính phủ Trung Quốc trước việc ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel. Phản ứng này gồm cả việc đặt vợ của ông Lưu, bà Lưu Hà trong tình trạng quản thúc tại gia, và cắt đứt liên lạc của bà với thế giới bên ngoài, cho dù bà không phạm một tội ác nào.

Bà Đinh Tử Lâm nằm trong số hàng chục nhà hoạt động tại Trung Quốc bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia sau khi ông Lưu Biểu Ba được trao giải. Cũng như ông Bào Đồng, điện thoại của bà vừa mới được nối lại.

Giới hữu trách cũng gây khó dễ cho các luật sư của Trung Quốc tích cực bênh vực trong các vụ án về dân sự.

Ông Martin Flaherty là giáo sư luật tại trường Đại học Fordham. Ông làm việc với Uûy ban Hỗ trợ các Luật gia Trung Quốc, với thành phần là các luật sư bên ngoài Trung Quốc tìm cách quảng bá cho sự độc lập của giới luật gia Trung Quốc.

Ông Flahert nói: “Quý vị biết bối cảnh rộng lớn hơn, và tôi chắc chắn quý vị biết rằng trong hai năm vừa qua, có thể là hai năm rưỡi, đã có tình trạng dường như là một cuộc trấn áp có tổ chức nhắm vào một số ít các luật sư về dân quyền và nhân quyền ở Trung Quốc. Quý vị biết đó, ta đã thấy một vài vụ nổi bật.”

Một thí dụ điển hình là vụ trấn áp nhắm vào ông Cao Trí Thịnh, một luật sư về nhân quyền đã biến mất vì bị công an bắt giữ vào năm 2009. Hồi tháng 4 vừa qua người ta thấy ông trở lại nhưng rồi lại bặt tăm.

Ông Cao bị tù về tội âm mưu lật đổ chính quyền vào năm 2006, nhưng ông được hưởng án treo và được tha sớm. Ông đã được mô tả là sức mạnh kích thích phong trào nhân quyền của Trung Quốc, và đã tranh luận trong các vụ bênh vực quyền tư hữu cũng như các vụ bất đồng về chính trị và tôn giáo.

Vợ của ông Cao, bà Cảnh Hòa, người đã trốn qua Hoa Kỳ, kêu gọi Tổng thống Obama nêu trường hợp chồng bà với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Những người chỉ trích thành tích nhân quyền của Trung Quốc ở Quốc hội Hoa Kỳ hối thúc Tổng thống Obama hãy kêu gọi chính phủ Trung Quốc phóng thích khôi nguyên giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba.

Trung Quốc phủ nhận việc vi phạm nhân quyền và nói ông Lưu Hiểu Ba là một tội phạm đã bị kết án. Trung Quốc cũng nêu ra mức tăng trưởng kinh tế của họ, đã đưa hàng trăm triệu người ra khỏi tình trạng nghèo khó cùng cực, làm bằng chứng rằng họ quan tâm đến nhân quyền.

Mặc dầu Trung Quốc vẫn xác định rõ rằng họ không dung dưỡng nhiều bất đồng, trong 30 năm vừa qua, công dân Trung Quốc ngày càng được tự do đi lại trong nước cũng như xuất ngoại, trong khi dân chúng được tiếp cận nhiều hơn với sách báo nhiều loại và chương trình truyền hình so với vài thập niên trước.