Dân một số làng ở TQ bị lò sưởi than gây ô nhiễm và bệnh tật

  • Art Chimes

Giáo sư Gardella giải thích rằng những triệu chứng rất nhiều, từ răng bị đen đến xương bị xốp, rất dễ gãy, xương bị biến dạng

Một loại bệnh làm hỏng răng và xương đã bộc phát ở một số làng mạc tại Trung Quốc trong tỉnh Quế Châu. Giờ đây các nhà nghiên cứu của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tìm ra rằng than dùng để đốt lò sưởi trong nhà sinh ô nhiễm đã là nguyên nhân của tình trạng này.

Với một lượng thật nhỏ, fluoride có thể ngăn ngừa chứng sâu răng; nhưng quá nhiều fluoride có thể đưa tới một lô những triệu chứng, và đó chính là điều mà các bác sỹ tại Trung Quốc đang quan sát thấy. Giáo sư hóa học Joseph Gardella của Ðại học New York tại thành phố Buffalo giải thích :

“Những triệu chứng này rất nhiều, từ răng bị đen đến xương bị xốp, rất dễ gãy, xương bị biến dạng, khiến dần dần dưa đến tình trạng tàn phế. Và mức độ xương của cư dân bị hư hoại vì quá nhiều fluoride tại một số làng tại Trung Quốc cao đến 30%, mặc dù không phải tất cả những người có các triệu chứng như vậy ngã bệnh đến nỗi trở nên quá tàn phế.”

Nguyên nhân thông thường nhất gây ra bệnh fluorosis (do quá nhiều fluoride) là nước bị ô nhiễm. Nhưng các thử nghiệm về nguồn nước trong các làng mạc này không cho thấy nước bị ô nhiễm vì fluoride, vì thế các nhà khoa học bắt đầu tìm kiếm nguồn fluoride khác trong môi trường.

Các khoa học gia nghi rằng than, được cư dân dùng để nấu ăn và đốt lò sưởi, có thể là một nguyên nhân khác gây chứng bệnh fluorisis làm hư hoại xương và răng. Nhưng than tự nó không gây ô nhiễm fluoride. Tuy nhiên dựa trên những kỹ thuật hình ảnh tân tiến, người ta tìm ra được thủ phạm là một chất liệu khác đốt chung với than. Giáo sư Grdella cho biết tiếp:

“Đây là những dân làng vẫn thu nhặt than vụn, trộn với đất xét để làm than nắm, hay than quả bàng, do đó chúng tôi mới biết được rằng chất florine dưới dạng fluoride, do thành phần đất xét trong than nắm, than quả bàng, mà ra.”

Giáo sư Gardella cho biết cho đến lúc đó người ta cũng chưa rõ làm sao mà dân làng lại bị nhiễm độc fluoride. Có thể do họ hít phải hóa chất dưới dạng fluorine, hoặc có thể là do các hạt bụi li ti phủ trên đồ ăn. Ông giải thích:

“Chúng tôi đã thu được những quả ớt khô và các hạt bắp khô trong những làng này để đem về xét nghiệm và thấy rằng lớp bụi li ti phủ ngoài vỏ ớt thực sự chứa một lượng fluorine rất cao.”

Giáo sư hóa học Gardella tại đại học Nerw York ở Buffalo cho biết, chính phủ Trung Quốc đã phát động một chương trình đặt ống khói trong nhà của dân làng để cho chất fluoride thoát ra ngoài.

Kết quả của cuộc nghiên cứu đã được trình bày tại Diễn Đàn Quốc Tế của hội khoa học AVS, trước đây có tên là American Vacuum Society.