Lãnh đạo Trung Quốc thảo luận các kế hoạch kinh tế và chính trị

  • Stephanie Ho

Cuộc họp thường niên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được canh gác cẩn mật.

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc nhóm họp ở Bắc Kinh để thảo luận về định hướng kinh tế tương lai của nước này cũng như chuẩn bị nhân sự lãnh đạo sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.

Cuộc họp thường niên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, khai mạc hôm nay tại một khách sạn ở Bắc Kinh được canh gác cẩn mật.

Hàng trăm các giới chức cấp tỉnh và trung ương dự kiến sẽ thảo luận các phần chính của kế hoạch phát triển năm năm sắp tới, bắt đầu vào năm 2011.

Ông Cheng Li là một nhà khảo cứu tại Viện Brookings ở Washington. Ông nhận định rằng vấn đề chủ đạo của hội nghị sẽ là khai triển một kế hoạch kinh tế nhằm cải thiện đời sống của người dân cũng như gia tăng mức tiêu thụ nội địa.

“Nghị trình trọng tâm sẽ là bàn về kế hoạch ngũ niên thứ 12, đặc biệt nhấn mạnh tới các vấn đề xã hội cũng như tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội và tái phân bổ tài sản của Trung Quốc.”

Những người tham gia cuộc họp kéo dài bốn ngày dự kiến sẽ thông qua các vụ thăng chức trong thành phần lãnh đạo để kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Các nhà phân tích chính trị Trung Quốc sẽ theo dõi sát xem liệu Phó Chủ tịch Tập Cận Bình có được đề bạt vào chức Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương hay không. Điều này sẽ báo hiệu ông là nhân vật được ủng hộ để kế nhiệm Chủ tịch Hồ, người sẽ rời chức vụ vào đầu năm 2013.

Ông Li nói rằng có thể có hai lý do khiến ông Tập Cận Bình, người được coi là thế hệ lãnh đạo Trung Quốc thứ năm, không được đề bạt vào vị trí trong Quân ủy Trung ương. Theo ông, lý do đầu tiên là khả năng đấu đá phe phái nội bộ.

“Một cách giải thích thứ hai là việc kế nhiệm trong tương lai vào năm 2012 chắc hẳn sẽ mở ra để cạnh tranh, chứ không theo mô hình cũ, giống như điều từng làm đối với thế hệ lãnh đạo thứ ba, thứ tư. Vì thế, chúng ta có thể sẽ thấy cơ chế mở rộng hơn đối với việc bầu cử trong nội bộ đảng. Nếu đúng như vậy, thì đó có thể là một cách giải thích, một cách giải thích hợp lý.”

Những lời kêu gọi cải tổ chính trị gần đây đã bao trùm hội nghị, mặc dù người ta không trông đợi vấn đề này sẽ được bàn thảo một cách công khai.

Việc thúc đẩy cải tổ đã nổi bật hơn gần đây sau khi nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù của Trung Quốc là Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa Bình năm nay. Ông Lưu là một trong những người sáng lập Hiến chương 08, kêu gọi cải tổ chính trị.

Vài ngày sau khi giải thưởng được công bố, một nhóm cựu đảng viên cấp cao hồi hưu đã viết một lá thư ngỏ, kêu gọi chấm dứt kiểm duyệt nhà nước.

Một trong những người ký vào bức thư, chủ bút Thiết Lưu, nói rằng ông tin là dân thường nên được cho phép tự do phát biểu, nếu không Đảng Cộng sản có thể sẽ tàn lụi.

Ông Thiết Lưu nói rằng những giới chức tuyên truyền đã yêu cầu rút bức thư khỏi mạng Internet để ngăn chặn việc thảo luận các lời kêu gọi tự do ngôn luận là những kẻ tội phạm xấu xa.

Ông nói rằng những người như ông thuộc tầng lớp lớn tuổi ở Trung Quốc và đã làm việc hết sức để xây dựng Trung Quốc. Ông nói rằng ông nêu lên các vấn đề như tự do ngôn luận không phải vì ông muốn gây rối loạn, mà vì ông muốn giúp Đảng Cộng sản.

Hội nghị đảng dự kiến sẽ kết thúc vào ngày thứ Hai, và sau đó thông tin về các quyết định mới được phổ biến.