Các nỗ lực tăng cường các phương tiện truyền thông đối ngoại của Trung Quốc bao gồm cả một đài phát thanh nhỏ, nằm ở ngoại ô Washington.
Đài này nằm trong mảnh đất rộng hơn 36 ngàn mét vuông của thành phố Falls Church, bang Virginia, trước đây là một trại nuôi bò sữa.
Chủ đài WUST-AM là ông Alan Pendleton, trước đây cũng giống như mọi đài phát thanh bình thường trên nước Mỹ. Nhưng kể từ năm 1993, ông Pendleton đã ký hợp đồng với chính phủ Trung Quốc để chuyển đài của mình thành đài phát các chương trình bằng tiếng Anh do Trung Quốc cung cấp.
Ông cho biết lý do tại sao Trung Quốc muốn phát triển ngành truyền thông ra bên ngoài:
“Tôi nghĩ Trung Quốc muốn trình bày một bộ mặt nhân bản về đất nước của họ và cách họ tự cảm nhận như thế nào. Họ cũng muốn trình bày quan điểm và cách diễn đạt của họ trước những sự kiện quan trọng của thế giới.”
Ông Pendleton và một người nữa, Miles Mead, phụ trách phần kỹ thuật cho các chương trình phát thanh tiếng Anh của đài Trung Quốc. Cứ đến giờ hẹn, họ chỉ cần làm vài thao tác là phát được chương trình tiếng Anh được tiếp vận từ Bắc Kinh.
Một trong những người chủ lực trong kế hoạch truyền thông của Trung Quốc ra nước ngoài là bà Susan Osman, một phát thanh viên nhiều kinh nghiệm, trước đây làm cho BBC. Kể từ năm ngoái, bà đã được Trung Quốc chọn để làm người chủ trì chương trình Beijing Hour, Giờ Của Bắc Kinh, một trong những chương trình tiếng Anh được Trung Quốc quảng cáo rất mạnh. Bà nói:
“Trung Quốc là nền kinh tế đang trỗi dậy và ngày càng đóng nhiều vai chính trên sân khấu thế giới. Tôi đã từng ở trong ngành báo chí được 30 năm, cho nên tôi nghĩ nếu mình không nhận thức được triển vọng của Trung Quốc là gì thì thật là điều thiếu khôn ngoan.
Bà Osman là một trong số các nhà báo người Anh và Mỹ đầu quân làm việc cho các đài truyền hình và đài phát thanh Trung Quốc. Chương trình Beijing Hour mà bà Osman phụ trách chỉ là một mảng nhỏ trong toàn bộ chiến lược phát triển truyền thông đi khắp thế giới của Trung Quốc.
Trong khuôn khổ của chiến lược này, Trung Quốc lập thêm nhiều hệ thống truyền hình, mở thêm các ban tin tức bằng tiếng Anh, thuê mướn các đài phát thanh ở khắp mọi nơi, từ châu Mỹ Latinh đến châu Phi.
Chương trình Beijing Hour cũng không có gì đặc biệt. Vào lúc Thông tín viên đài VOA xem chương trình này, các tin tức đều rõ ràng và trung thực, trong đó tin về tình hình kinh tế dao động tại châu Âu, bên cạnh tin núi lửa Iceland gây trở ngại cho các chuyến bay. Ngoài ra còn tin công ty Coca-Cola có kế hoạch phát triển thêm ở Trung Quốc.
Ông Pendleton, chủ đài WUST-AM đã được Trung Quốc thuê mướn nói:
“Sử dụng các mánh khóe tuyên truyền ở Mỹ sẽ không thành công bởi vì cử tọa tại thị trường Mỹ có trình độ hơn các cử tọa vùng quê Trung Quốc. Chỉ cần hé một chút tuyên truyền là ở đây người ta thấy ngay và chương trình sẽ bị đánh giá thấp.”
Bà Châu Thiếu Phổ, giáo sư môn báo chí tại trường đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết:
“Các cơ quan truyền thông của Trung Quốc có mặt ở nước ngoài là điều tốt cho thế giới. Chúng tôi đóng góp thêm một tiếng nói cho thế giới. Có được các đài này là một bước khởi đầu tốt. Ai ai cũng chống đối chuyện thông tin một chiều, nhất là người Mỹ, cho rằng một chiều là nguy hiểm. Nếu có nhiều quan điểm thì vẫn tốt hơn.”
Những người trong nghề nói rằng Trung Quốc dự định tung 6,6 tỷ đôla cho chiến dịch phát triển truyền thông đi khắp thế giới, dựa trên quan niệm là quốc gia nào có năng lực truyền thông mạnh chừng nào, thì có ảnh hưởng đối với quốc tế nhiều chừng nấy.
Vào lúc các cơ quan truyền thông của phương Tây cắt giảm nhân viên, Trung Quốc lại chi thêm tiền vào lãnh vực này để tạo ảnh hưởng ra bên ngoài.