Trong vài tháng tới đây, hãng sản xuất hàng thời trang nổi tiếng Burberry của Anh sẽ mở rộng khu vực bán lẻ ở Trung Quốc để tận dụng nhu cầu cao về hàng xa xỉ của người tiêu thụ Trung Quốc. Doanh số tại Trung Quốc vốn đã chiếm 4 phần trăm trong khối lượng tăng 20 phần trăm của công ty về số bán lẻ toàn cầu từ tháng 3 đến tháng 9.
Công ty đã mua lại các đối tác Trung Quốc vào tháng 7 nên hiện đang trực tiếp điều hành 50 cửa hàng Burberry ở đó.
Bà Stacey Cartwright, trưởng ban tài chính của công ty, cho hay số bán tại Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng.
Bà Cartwright nói: “Năm ngoái, con số đó nằm trong khoảng trên dưới 5 phần trăm trong tổng số bán toàn cầu. Rõ ràng khi chuyển từ bán sỉ qua bán lẻ, ta có thể tăng con số đó một cách đáng kể và chúng tôi cũng dự kiến mức tăng trưởng cơ hữu ở Trung Quốc sẽ cao hơn so với mọi nơi khác trên thế giới. Đó sẽ là một tỷ lệ đáng kể khi nhìn suốt tới năm 2012.”
Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong 2 thập niên vừa qua đã khiến nhiều cư dân ở thành thị trở nên giàu có, mặc dầu phần còn lại trong nước đa số vẫn còn nghèo.
Một cái áo choàng bằng len của đàn ông hiệu Burberry có thể trị giá khoảng 1.400 đôla, trong khi mức lương tối thiểu ở Thượng Hải – là khu vực có mức lương cao nhất ở Trung Quốc – chỉ vào khoảng 168 đôla một tháng.
Nhưng ngân hàng đầu tư Credit Suisse nói rằng tổng số tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc có thể tăng hơn gấp đôi lên tới 35 ngàn tỷ đôla vào năm 2015. Hơn nữa, đồng nguyên mạnh đang thúc đẩy mãi lực của Trung Quốc, bởi vì nó làm cho hàng nhập rẻ hơn.
Tại Paris, công ty LVMH, là công ty sỡ hữu các mặt hàng cao cấp như Louis Vuitton và Hennessy, cho hay doanh số toàn cầu trong quý ba đã tăng vọt 24 phần trăm, một phần nhờ sự bành trướng ở Trung Quốc. Công ty thời trang Hugo Boss của Đức chứng kiến mức thu nhập tăng 19 phần trăm, một phần cũng nhờ số bán ở Trung Quốc. Công ty này dự định mở thêm tới 20 cửa hàng trong năm nay ở Trung Quốc.
Một cuộc khảo cứu mới của công ty tham vấn McKinsey của Hoa Kỳ nói rằng gần như tất cả các phụ nữ có thu nhập cao đuợc thăm dò tại Trung Quốc đều tăng mức chi về quần áo cao hơn so với người tiêu thụ bình thường ở Trung Quốc; 81 phần trăm tiêu nhiều tiền hơn để mua giầy dép. 45 phần trăm người tiêu thụ Trung Quốc cho biết đi mua bán là thú tiêu khiển được họ ưa chuộng nhất, so với tỷ lệ 25 phần trăm ở Hoa Kỳ và 17 phần trăm ở Pháp.
Tại Hong Kong, các nhà bán lẻ chứng kiến sự gia tăng 30 phần trăm số bán trong dịp Tuần lễ Vàng của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1 tháng 10, là lúc hơn 600 ngàn du khách ở Hoa lục đổ vào Hong Kong. Nhiều người đổ xô mua ví, đồng hồ, quần áo và các món hàng xa xỉ không bị đánh thuế.
Lợi dụng xu hướng này, cửa hàng bách hóa cao cấp Harvey Nichols của Anh sẽ mở gian hàng thứ nhì tại Hong Kong vào năm tới, trong khi có tin hiệu Prada của Italia sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Các hãng sản xuất hàng “hiệu” sang trọng nổi tiếng nhất thế giới đang nhắm vào người tiêu thụ Trung Quốc, một sách lược thu về nhiều lợi nhuận. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Heda Bayron gửi về bài tường thuật sau đây.