Công ty Stora Enso có trụ sở ở Thụy Điển và Phần Lan vẫn được tiếng là một công ty sản xuất giấy có trách nhiệm về bảo vệ môi trường.
Từ năm 2002, công ty đã có được 120.000 hecta đất để trồng cây bạch đàn trong tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Khi hoàn tất, số cây này sẽ cung cấp nguyên liệu cho một nhà máy giấy gần đó.
Andy White là phối hợp viên của Rights and Resources Initiative, RRI, một liên nhóm chú ý đến phát triển rừng và nhân quyền. Ông nói:
“Các dự án kiểu này giúp tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống ở những vùng nghèo. Địa điểm của công ty này thuộc vùng nghèo, chính quyền địa phương nóng lòng thu hút đầu tư.”
Chính quyền Quảng Tây lập ra một doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch giữa các nông dân và Stora Enso. Bắt đầu từ đó mới phát sinh vấn đề. Ông White cho biết:
“Trong nhiều trường hợp, cách thức mà doanh nghiệp của chính quyền lập ra để thu mua đất đi ngược với luật đất đai của Trung Quốc.”
Chính phủ trung ương đã trả lại cho nông dân đất đai trước đây do chính quyền cộng sản đưa vào tập thể. Như vậy, mỗi hộ có quyền sử dụng đất như thế nào tùy ý.
Nhưng doanh nghiệp trung gian của chính quyền Quảng Tây thường điều đình thông qua người đứng đầu tập thể, thay vì từng hộ, và như vậy là bất hợp pháp.
RRI có bằng chứng cho thấy nông dân nào không đồng ý đã bị hù dọa và đánh đập.
“Nhóm RRI của chúng tôi đã báo cho Stora Enso chuyện này, họ nói rằng họ không được biết trước, và sẽ xem lại vấn đề.”
Nhưng dường như chuyện đó không có. Các nông dân bị dính vào những thỏa thuận mà họ không được góp ý, hậu quả là đất của họ đã được cho mướn với giá thấp.
Sự bực bội biến thành những cuộc biểu tình vào năm 2009, có người bị thương tích.
Lauri Peltola, Phát ngôn viên của Stora Enso cho biết công ty đang duyệt lại từng hợp đồng trong số gần 2.300 hợp đồng đã ký với nông dân tỉnh Quảng Tây:
“Lẽ ra công ty chúng tôi phải làm tốt hơn, và đây là một kinh nghiệm cần học.”
Ông White của RRI nói rằng trường hợp của RRI không phải là trường hợp đơn lẻ, và không phải chỉ Trung Quốc mới có.
Ông nêu trường hợp của Madagascar, chính phủ nước này cách nay hơn một năm đã bị lật đổ một phần vì sự chống đối của nhân dân trước quyết định của chính phủ nhường đất cho một công ty Nam Triều Tiên.
Vì thế giới cần thêm thực phẩm, nhiên liệu sinh học, gỗ và các sản phẩm tự nhiên khác, ngày càng có nhiều quốc gia và công ty quay sang các nước nghèo để có đất sản xuất các sản phẩm đó. Không biết đây là điều lợi hay hại cho các nước nghèo. Sau đây là câu chuyện đáng suy nghĩ về một công ty giấy của Bắc Âu và một vùng đất của Trung Quốc.