Một trong những cuộc tranh chấp quốc tế nan giải nhất lại còn trở nên phức tạp hơn nữa, sau khi có tin tiết lộ rằng Tập đoàn Dầu khí do nhà nước Ấn Ðộ sỡ hữu ONGC đã thảo luận với chính phủ Việt Nam về quyền thăm dò dầu khí trong vùng Biển Đông.
Tạp chí Time đăng một bài viết của nhà báo Ishaan Tharoor, nói rằng cuộc thảo luận giữa hai nước lẽ ra là chuyện thường tình trong việc phát triển quan hệ song phương ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thế nhưng tại vùng Biển Đông, nơi đang có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo từ nhiều quốc gia giữa lúc Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu hết vùng biển tranh chấp, thì lại là chuyện khác.
Tác giả bài báo đặt nghi vấn rằng liệu đây có phải là cách mà các cuộc chiến tranh khởi sự hay không.
Trong khi đó, tin từ New Delhi hôm nay khẳng định rằng bất chấp sự chống đối mạnh mẽ của Bắc Kinh, chính phủ Ấn Ðộ đã ra dấu hiệu sẽ không chùn bước.
Các nguồn tin do Zee News trích dẫn hôm nay nói rằng chính phủ Ấn Ðộ sẽ không đình chỉ chương trình dò tìm dầu khí tại các lô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở vùng Biển Đông. Nhưng New Delhi tuyên bố cũng không muốn thổi phồng vấn đề quá mức so với tình hình trên thực tế.
Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc gay gắt chỉ trích các hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc chủ quyền “không thể tranh cãi” của họ ở Biển Ðông, viện dẫn những lý do lịch sử và quyền tài phán của mình trong vùng biển này.
Ông Hồng Lỗi nói rằng “bất cứ nước nào tham gia thăm dò dầu khí trong vùng mà không có sự chấp thuận của chính phủ tại Bắc Kinh, là “xâm phạm chủ quyền và quyền lợi quốc gia của Trung Quốc.”
New Dehli tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải trong Biển Đông và hy vọng tất cả các bên sẽ tuân thủ Tuyên bố về cách hành xử ở Biển Ðông.
Đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, là Nhật Bản, đã lên tiếng hậu thuẫn Ấn Ðộ trong các nỗ lực dò tìm dầu hỏa của nước này, và tuyên bố sẽ ủng hộ việc thắt chặt các quan hệ giữa các lực lượng hải quân Ấn Ðộ và Nhật Bản.
Tạp chí chuyên về chính sách đối ngoại Foreign Policy, số ra ngày hôm qua, nói rằng Trung Quốc không cần một lực lượng hải quân thật hùng hậu để xác quyết quyền khai thác dầu khí của mình.
Bài báo của Foreign Policy nói rằng Biển Ðông là một trong các điểm nóng trên thế giới hiện nay, tuy nhiên, thực chất cuộc tranh chấp này là về ai, nước nào, có quyền thăm dò và khai thác các trữ lượng dầu khí được tin là rất phong phú trong vùng biển này.
Ký giả Bob Kaplan của tạp chí Foreign Policy nhận dịnh rằng trên thực tế, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đang lèo lái chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của nước này, vì Trung Quốc cần tiếp cận một nguồn năng lượng không bị gián đoạn để duy trì đà phát triển kinh tế đáng kể hiện nay. Ấn Ðộ cũng có nhu cầu tương tự.
Một phúc trình do Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ hôm thứ Hai cũng xác định rằng nhu cầu năng lượng của cả Trung Quốc lẫn Ấn Ðộ đang tăng vọt, tới năm 2035, hai nước này sẽ chiếm tới 31% tổng số năng lượng tiêu thụ trên thế giới, so với 21% vào năm 2008.
Tạp chí Foreign Policy nói rằng tại thời điểm này, hải quân Trung Quốc chưa phải là đối thủ của hải quân Hoa Kỳ. Trung Quốc không phủ nhận điều đó, nhưng Bắc Kinh muốn đánh đi một thông điệp trong nội bộ khu vực, rằng họ không muốn Hoa Kỳ can thiệp để giúp Đài Loan, và cùng lúc, muốn khẳng định sự nghiêm túc của Trung Quốc trong các đòi hỏi chủ quyền. Các thế lực khu vực, kể cả Philippines và Việt Nam, cực lực chống đối các đòi hỏi chủ quyền đó, Và đến bây giờ cả Ấn Ðộ cũng nhập cuộc.
Đã có nhiều người lên tiếng kêu gọi khu vực nên dập tắt cuộc tranh chấp ngay bây giờ. Nhà báo Mohan Malik của tờ Wall St. Journal đề nghị nên triệu tập các lực lượng hải quân khu vực để vạch ra các quy định để sử dụng vùng biển đang tranh chấp.
Nhật Bản hối thúc việc thành lập một Bộ Luật quy định việc sử dụng tuyến hàng hải này.
Nguồn: Time, Foreign Policy, Zeenews.com
http://www.youtube.com/embed/8pA5mheXU54 http://www.youtube.com/embed/HKlns9natqA