Trong suốt 100 ngày qua, Bắc Kinh không có tuyết mà cũng chẳng có giọt mưa nào, và hôm nay, chính phủ ở đây cảnh báo rằng nạn hạn hán có thể sẽ còn kéo dài khá lâu.
Tuy nhiên, thành phố thủ đô này không khổ sở bằng những khu vực khác đang trải qua cơn khô hạn nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm.
Sơn Đông là một trong tỉnh sản xuất ngũ cốc quan trọng của Trung Quốc và nằm ở trung tâm vựa lúa mì ở miền đông, nơi sản xuất khoảng 80% số lúa mì trong nước.
Chính phủ nói rằng nông dân ở tỉnh này đang khốn đốn vì nạn hạn hán dữ dội nhất trong vòng 300 năm.
Cơ quan phòng chống hạn Trung Quốc nói rằng hơn 5 triệu héc ta hoa màu bị hư hại.
Hàng triệu người ở miền đông đang thiếu nước uống nghiêm trọng. Bộ Tài nguyên Nước cho hay có đến 2/3 các thành phố trên cả nước đang bị thiếu nước.
Ông Jonathan Watts, tác giả của rất nhiều bài viết về tác động môi trường của quá trình hiện đại hóa ở Trung Quốc, cho biết rằng hạn hán không phải là khó khăn duy nhất của các vấn đề về nguồn nước ở Trung Quốc.
Ông Watts cho biết: "Chính phủ đã loan báo rằng một trong các ưu tiên của họ là tăng gấp đôi khoản chi tiêu cho công tác bảo vệ nguồn nước và chúng ta sẽ nhận thấy có sự cải thiện trong vòng 10 năm nữa. Vấn đề ở đây không phải chỉ là tìm kiếm những cách thức mới để gia tăng lượng cung ứng nước, mà thật ra, vấn đề là làm thế nào để giảm thiểu sự phí phạm và thậm chí còn phải tìm cách giảm thiểu nhu cầu và phải sử dụng nước có hiệu quả hơn. Đây chính là cách thức đúng đắn để giải quyết vấn đề và dường như Trung Quốc đang sẵn sàng để làm như vậy."
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thực thi một kế hoạch ứng phó khẩn cấp, trong đó có việc triển khai một hệ thống báo động hạn hán, cung cấp hỗ trợ và phái chuyên gia đến giúp nông dân, và ra lệnh cho chính quyền địa phương nộp báo cáo hàng ngày về mức thiệt hại.
Tình hình khô hạn đã khiến Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên hiệp quốc hôm qua cảnh báo rằng vụ thu hoạch lúa mì Trung Quốc năm nay đang bị đe dọa.
Các chuyên gia nông nghiệp nói rằng đây không những là tin xấu cho Trung Quốc mà còn là tin xấu cho thế giới.
Sản lượng sút giảm sẽ buộc Trung Quốc phải nhập khẩu thêm ngũ cốc, làm cho giá cả trên thị trường thế giới gia tăng và khiến cho tình trạng giá lương thực leo thang ở nhiều nơi trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn.
Chính phủ Trung Quốc đang chi tiêu hàng trăm triệu đô la cho công tác giúp đỡ nạn nhân hạn hán trong năm nay. Họ cũng đang tiến hành dự án được gọi là “Nam Thủy Bắc Điều” để đưa nước ở miền nam lên miền bắc.
Hôm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Đập Tam Hiệp đã xả hàng triệu lít nước để giúp giảm bớt tình trạng thiếu nước tại những vùng đất ở hạ nguồn.
Nạn hạn hán kéo dài ở Trung Quốc đang đe dọa tới sản lượng lúa mì của nước này và có thể sẽ ảnh hưởng tới giá lương thực toàn cầu. Từ Bắc Kinh, một trong các khu vực bị khô hạn nặng nhất, thông tín viên Peter Simpson của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.