Miến Điện đang thay đổi và vì vậy quan hệ của quốc gia Đông Nam Á này với phương Tây cũng đang thay đổi.
Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi giờ đây là thành viên quốc hội và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton là một vị khách quý của Miến Điện. Các nhà lãnh đạo Tây phương tuyên bố cải cách chính trị nên được đáp lại bằng sự cải thiện quan hệ một cách tuần tự.
Tại cuộc họp thượng đỉnh G-8 mới đây ở ngoại ô Washington, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu như sau:
Nhiều nước trong chúng ta đã có những hành động để xúc tiến công cuộc mậu dịch và đầu tư với Miến Điện lần đầu tiên trong vòng nhiều năm, và chúng tôi đã có những cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Miến Điện. Hy vọng của chúng tôi là tiến trình này sẽ tiếp tục và chúng tôi sẽ làm tất cả mọi việc có thể để khuyến khích tiến trình đó.
Có một câu hỏi mà một số người hồi gần đây đã nêu lên là việc nới lỏng các biện pháp chế tài Miến Điện của Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với những mối liên hệ thương mại chặt chẽ giữa Miến Điện với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin cho rằng việc này sẽ không làm cho đầu tư của Trung Quốc bị sút giảm:
Chúng tôi có sự hợp tác rất tốt đẹp với Trung Quốc. Vì vậy tôi nghĩ rằng điều này sẽ không phương hại gì tới quan hệ với Trung Quốc trong tương lai.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng Hoa Kỳ thừa nhận những mối liên hệ giữa Miến Điện với Trung Quốc. Bà nói thêm như sau khi loan báo việc tạm ngưng chế tài Miến Điện:
"Vì thế điều này không liên can tới bất kỳ quốc gia nào khác. Đây là một sự việc giữa hai nước chúng ta và phát xuất từ những sự thay đổi mà chúng tôi đã nhìn thấy và từ mong muốn của chúng tôi là hỗ trợ để những thay đổi đó được tiếp tục.
Ông Doug Bandow, một nhà nghiên cứu của Viện Cato ở Washington, cho rằng cả Miến Điện lẫn Trung Quốc đều đang thay đổi:
"Tôi nghĩ rằng họ đang nhìn thấy xu hướng xích lại với phương Tây của Miến Điện. Xu hướng này, theo tôi, một phần là do sự lo ngại về mối quan hệ quá gần gũi với Bắc Kinh. Cho nên tôi nghĩ rằng Trung Quốc hiểu rõ là họ sẽ phải tìm cách ứng phó trong lãnh vực ngoại giao."
Ông Bandow tin rằng những sự cải cách ở Miến Điện phát xuất một phần từ việc nước này không muốn lâm vào tình cảnh của Bắc Triều Tiên -- một quốc gia nghèo khó, bị các nước trên thế giới xa lánh và phải lệ thuộc vào Trung Quốc.
Không lâu trước khi các biện pháp chế tài được thu hồi, Miến Điện đã quyết định ngưng tiến hành một dự án của Trung Quốc để xây một đập thủy điện có kinh phí 3 tỉ đô la sau khi gặp sự chống đối của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.
Ông Lex Rieffel của Viện Brookings ở Washington cho rằng quyết định đó có thể giúp cho quan hệ Miến-Trung trở nên tốt đẹp hơn, chứ không làm giảm đi những hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Miến Điện:
"Trong giới hoạch định chính sách của Trung Quốc có một số người vốn đã không hài lòng đối với dự án xây đập thủy điện ngay từ lúc đầu. Bây giờ những người này không hề cảm thấy phật lòng vì dự án bị đình chỉ và họ tin rằng mối quan hệ dài hạn rất quan trọng giữa Trung Quốc với Miến Điện sẽ được cải thiện sau khi chướng ngại này được loại bỏ."
Các giới chức Miến Điện nói rằng những hoạt động đầu tư mới sẽ góp phần hỗ trợ cho cải cách chính trị. Nhưng các giới chức Hoa Kỳ có thể siết chặt các biện pháp chế tài một lần nữa nếu những sự cải cách đó không tiếp tục.
http://www.youtube.com/embed/2IgJfW42Xvc
http://www.youtube.com/embed/FhkJsyfgDGI