Khi Miến Điện là một trong vài nước khép kín và cô lập trên thế giới, thì Trung Quốc lại là một trong những nước ủng hộ quyết liệt nhất trên toàn cầu.
Nay vào lúc Ngoại trưởng Hillary Clinton chuẩn bị cho một cuộc họp lịch sử với các nhà lãnh đạo ở Miến Điện, giới truyền thông Trung Quốc mô tả động thái này nằm trong các nỗ lực của Washington nhằm “cô lập và bao vây Trung Quốc.”
Trong một bài xã luận đăng trên báo Global Times hôm nay, giáo sư về truyền thông của trường Đại học Thanh Hoa Lý Hy Quang nói rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton sẽ làm cho Trung Quốc “mất tinh thần.”
Ông Lý nêu thắc mắc về điều ông gọi là một “chính sách mới về châu Á của Hoa Kỳ” mà ông cho là nhắm chống lại Trung Quốc. Ông cho rằng cuộc họp của Ngoại trưởng Clinton là một thí dụ điển hình cho sách lược mới này. Ông cũng lập lại những cáo buộc của giới truyền thông Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đứng sau quyết định hồi tháng 9 của chính phủ Miến Điện đình chỉ công trình xây dựng một đập thủy điện mà một công ty của Trung Quốc đã góp phần đầu tư nhiều tỷ đôla.
Bất kể luận điệu gay gắt của giới truyền thông Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh không lo lắng mấy.
Ông Hồng nói Trung Quốc tin là Miến Điện và cái mà ông gọi là “các nước Tây phương liên hệ” nên tăng cường tiếp xúc và cải thiện quan hệ. Ông nói thêm rằng ông hy vọng cuộc họp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự ổn định và phát triển cho Miến Điện.
Trước đó trong tuần, lãnh đạo quân đội cấp cao nhất của Miến Điện đã đi thăm Bắc Kinh và họp với các giới chức quân đội Trung Quốc. Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tư lệnh quân lực Miến Điện đã tán dương tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước và cam kết củng cố hợp tác quân sự.
Trong một cuộc họp thường lệ với các phóng viên hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được hỏi về các bản tin nói rằng các đại diện của chính phủ Miến Điện và các thủ lãnh người Kachin nổi loạn đã họp vào hôm thứ Ba ở tỉnh Vân Nam miền tây nam Trung Quốc.
Ông Hồng đáp rằng Trung Quốc hy vọng các bên liên hệ bên trong Miến Điện có thể giải quyết các bất đồng qua những cuộc thương lượng hòa bình.
Trong mấy tuần vừa qua, giới lãnh đạo Miến Điện đã công bố chi tiết của một thỏa thuận hòa bình nhắm mục đích chấm dứt nhiều thập niên xung đột giữa chính phủ và các nhóm sắc tộc nổi loạn lâu nay vẫn tranh đấu đòi quyền tự trị. Thỏa thuận hòa bình này cũng là một đòi hỏi chính của các quốc gia Tây phương, kể cả Hoa Kỳ.
Chính phủ Trung Quốc cho thấy họ không lo ngại về một cuộc gặp gỡ lịch sử sắp diễn ra giữa các giới chức Miến Điện và Hoa Kỳ, mặc dù các bản tin của giới truyền thông Trung Quốc lên án Washington là dùng Miến Điện trong khuôn khổ một sách lược để kiềm chế Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.