Trân Văn
Ngày 14 tháng 2 vừa qua là thời điểm tròn 42 năm Trung Quốc xua quân sang dạy cho Việt Nam một bài học và đó là lý do, tuần này, “hèn”… trở thành từ phổ biến trên mạng xã hội…
Thậm chí có những người như ông Trần Đức Anh Sơn – từng dạy đại học, từng là giám đốc một bảo tàng ở Huế, từng là một trong những lãnh đạo của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế, xã hội Đà Nẵng – giận dữ tới mức không ngần ngãi bày tỏ sự… căm phẫn và kinh tởm (1)!
Ông Sơn kể rằng ông đã bỏ qua những kênh truyền hình quốc tế mà ông yêu thích để chú mục vào Chương trình thời sự lúc 7 giờ của VTV1 tối 17/2/2021 để xem thử VTV1 có nhắc đến sự kiện Trung cộng xâm lược Việt Nam vào ngày này cách đây 42 năm hay không?
Tuy cuối chương trình có một phóng sự nhắc lại sự kiện nhà báo Nhật Bản Takano lên Lạng Sơn tường thuật về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung cộng vào đầu tháng 3/1979 và đã chết vì trúng đạn của quân Trung cộng nhưng VTV1 không hề nhắc tới cái tên Trung Quốc lần nào mà chỉ gọi là “sự kiện ngày 17/2”. Thậm chí tuy VTV1 đề cập việc “Takano lên Lạng Sơn ngay sau khi có lệnh rút quân” nhưng không dám nói ai ra lệnh rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Cảm giác căm phẫn của Trần Đức Anh Sơn không phải là cá biệt. Hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội đã bày tỏ cảm xúc như ông.
Bất kể “sự kiện 17/2” đã xảy ra cách nay hơn bốn thập niên, bất chấp thực trạng biển Đông chỉ ra dã tâm, sự nham hiểm của Trung Quốc đã rõ như ban ngày và ngay cả những… “anh em xa” ở khắp nơi trên trái đất này cũng không thể lầm lẫn, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì cam kết “khép lại quá khứ” đối với… “láng giềng gần”. Giống như Trần Đức Anh Sơn, Lê Kế Sơn cũng nhẫn nại chờ để xem hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hành xử thế nào vào thời điểm tròn 42 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam và phát giác: Điểm sáu tờ báo thường được quan tâm là báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh niên, Vietnamnet, Vnexpress thì chỉ có báo Thanh Niên đưa một bài viết về “sự kiện 17/2”.
Đó cũng là lý do Lê Kế Sơn và nhiều thân hữu ngậm ngùi: Xin thắp một nén hương tưởng nhớ và xin lỗi hàng chục ngàn bà con và chiến sĩ đã ngã xuống trong những ngày này ở các tỉnh phía Bắc.
Nhắc lại sự kiện này là vì người đã mất, thân nhân của họ, vì người còn sống hôm nay và vì con cháu mai sau.
Nhắc lại không phải để gợi lại hay để kích động sự căm thù mà để đừng quên một bài học chua xót về sự cả tin, mất cảnh giác.
Nhắc lại để không lặp lại những ngày như thế ở quy mô lớn hơn, tệ hại hơn.
Nhắc lại để đừng ngộ nhận rằng sự nhường nhịn, sự quy phục đối với kẻ cướp chỉ chuốc lấy sự thảm hại hơn.
Nhắc lại, để hiểu rằng, trong lịch sử, chiến thắng xâm lược chỉ có thể có khi đoàn kết dân tộc, đồng lòng và trong thời đại mới, sự liên minh với các lực lượng tiến bộ mới là sức mạnh thực sự chống lại những kẻ âm mưu phục hồi đế chế phát xít.
Hèn không phải là một kiểu ẩn nấp khôn ngoan.
Hèn là tự giết mình thêm một lần nữa (2)!
***
Tuần này đã có hàng triệu người ngậm ngùi tưởng niệm những người lính đã ngã xuống khi tham gia cuộc chiến vệ quốc khởi đầu từ trung tuần tháng 2 năm 1979 và kéo dài cho đến cuối thập niên 1980, những đồng bào thuộc đủ mọi giới, mọi lứa tuổi đã bị Trung Quốc giết như dùng… học cụ để dạy Việt Nam một bài học, trong dòng chảy mà cảm xúc căm phẫn và kinh tởm là chủ yếu ấy, Chánh Tâm đề nghị nhìn xa hơn…
Tháng Hai nếu chỉ tưởng nhớ, sì sụp khói nhang thì rồi cuộc chiến ấy có vĩ đại đến mấy sẽ được chép vào một bộ nhớ khác.
Những xao động với những biểu hiện bôi xoá, di dời, cấm đoán ký ức về cuộc chiến chống Trung Quốc từ 1979 làm chúng ta phải giật mình, trong cả mười năm tại sao có thể đồng thuận để hoang tàn một ký ức lịch sử như vậy?
Đó là vấn đề thuộc về chủ quyền nhân dân. Nhân dân thì đợi được cho phép. Nhất định thực tế này nhân dân cần phán định.
Với những vấn đề hệ trọng nhạy cảm như mối quan hệ với Trung Quốc đảng phải tuyệt đối chấp hành chủ quyền của nhân dân, phải coi đó là lòng trung thành tuyệt đối của đảng với tổ quốc.
Tháng Hai nhắc nhở nghiêm khắc trách nhiệm của nhân dân để truyền thuyết về niềm tin cố chấp, mù quáng Trọng Thuỷ Mỵ Châu thành thế cuộc mất nước.
Thần Kim Qui nhân dân phải thực hành nghiêm túc vai trò giám sát với mọi quyết định đối ngoại của quốc gia.
Tháng Hai cũng nhắc nhở chúng ta tình đồng chí, anh em ấy còn phải bước qua cách trở Hoàng Sa, Gạc Ma (4).
Cũng với suy nghĩ đó, Quốc Ấn Mai xem việc đài nhà nước không gọi đích danh kẻ thù tấn công Việt Nam vào 17/2/1979, đài nhà nước sợ việc định danh một cuộc chiến chống xâm lược đúng nghĩa của nước mình chưa phải điều đáng sợ nhất!
Ấn nhắc mọi người nên lưu tâm đến việc đang bị đầu độc bằng bụi mịn theo hướng gió Đông Bắc bởi “bạn vàng” và có thể vừa cảm nhận, vừa kiểm chứng dọc dải đồng bằng từ miền Bắc tới miền Trung. Ấn dự đoán, từ 2030, Việt Nam sẽ thấy hậu quả do công nghệ lò đốt nhập khẩu Từ Trung Quốc cộng hưởng với việc “bạn vàng” xả thải theo gió Đông Bắc. Bụi mịn PM2.5 bay hơn 400 cây số để “giúp” người Việt cảm nhận tường tận thế nào là sống chung với bụi mịn - sống chung với bệnh tật.
Nhắc lại cảnh báo của Trương Giang Long – tướng công an Việt Nam về những kẻ thù giấu mặt “leo cao, trèo sâu vào bộ máy”, Ấn than: Đâu chỉ cấm báo đài định danh một cuộc chiến, chúng có thể ra gò Đống Đa ngăn người yêu nước tưởng niệm chiến công năm nào. Chúng gọi những chiến thắng lịch sử như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,... là “giỗ trận”. Chúng cẩu lư hương của Đức Trần Hưng Đạo... Chúng là Hán nô kéo công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm để đầu độc dân tộc này, làm thoái hoá giống nòi này (5)...
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=10216093311200138&id=1670718810
(2) https://www.facebook.com/EboiClub/posts/10221866006017946
(3) https://www.facebook.com/EboiClub/posts/10221866006017946
(4) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=3341962745909969&id=100002888294656
(5) https://www.facebook.com/quocan.mai/posts/10217725647885464