Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đang tìm cách mở rộng danh sách các quốc gia, công ty và thậm chí cả các tổ chức phi chính phủ mà họ hợp tác để lấy — và chia sẻ — thông tin về các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và các đồng minh.
Sự thay đổi này là một phần của việc “suy nghĩ lại” được đặt ra trong Chiến lược Tình báo Quốc gia mới của Mỹ, công bố hôm 10/8, nhằm mục đích chuẩn bị tốt hơn cho Hoa Kỳ trước một loạt các mối đe dọa không còn giới hạn ở các đối thủ cạnh tranh quốc gia truyền thống như Trung Quốc và Nga hoặc các nhóm khủng bố như al-Qaida và nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, viện dẫn một loạt thách thức, từ các cường quốc toàn cầu như Trung Quốc và Nga cho đến biến đổi khí hậu và đại dịch COVID, nói: “Mỹ phải đối mặt với một môi trường đe dọa ngày càng phức tạp và có mối liên kết với nhau”.
“Các chủ thể địa phương và phi nhà nước - từ các tập đoàn đa quốc gia đến các phong trào xã hội xuyên quốc gia - ngày càng có khả năng tạo ra ảnh hưởng, cạnh tranh thông tin và bảo đảm hoặc phủ nhận các kết quả chính trị và an ninh, mang lại cơ hội cho các mối quan hệ đối tác mới cũng như những thách thức mới đối với lợi ích của Hoa Kỳ,” bà viết trong chiến lược năm 2023.
Thách thức toàn cầu, tiến bộ đột phá
“Thêm vào đó, những thách thức toàn cầu chung, bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh con người và sức khỏe, cũng như những tiến bộ công nghệ mới nổi và đột phá, đang hội tụ theo những cách tạo ra những hậu quả nghiêm trọng thường khó đoán,” bà Haines nói.
Những hạt giống cho chiến lược mới, và việc chú trọng tìm kiếm các đối tác mới như đối tác trong khu vực tư nhân, đã được thực hiện trong nhiều tháng.
Kể từ trước khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Hoa Kỳ đã giải mật có chọn lọc thông tin tình báo để chia sẻ thông tin tốt hơn với các đồng minh và đối tác.
Nỗ lực này- được ghi nhận là giúp xây dựng sự ủng hộ cho Ukraine trong khi khiến Nga mất cảnh giác- đã trở thành một phần trong kế hoạch chính thức của Hoa Kỳ nhằm chống lại các mối đe dọa.
Bà Haines đã công khai kêu gọi tiếp cận nhiều hơn với khu vực tư nhân và các công ty công nghệ, gần đây nhất là vào tháng 4, trong một lần xuất hiện tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Washington.
Bản đánh giá mối đe dọa hàng năm của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, được công bố vào tháng 2 năm nay, cũng cảnh báo về “một loạt các chủ thể phi nhà nước đang phát triển”, các trường hợp khẩn cấp toàn cầu như biến đổi khí hậu và các công nghệ mới nổi “có khả năng phá vỡ hoạt động kinh doanh và xã hội truyền thống theo cả kết quả tích cực và tiêu cực.”
Chiến lược mới tìm cách chống lại những xu hướng đó bằng cách tăng cường quan hệ đối tác tình báo hiện có, bao gồm cả thỏa thuận “Ngũ Nhãn” với Anh, Canada, Úc và New Zealand, và bằng cách tạo ra những mối quan hệ mới.
Cụ thể, chiến lược hình dung các cơ quan tình báo Hoa Kỳ trao đổi thông tin với các công ty tư nhân và “các chủ thể phi quốc gia và địa phương”.
Điều đó bao gồm các mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và các thực thể khác có thể giúp cung cấp cho tình báo Hoa Kỳ kiến thức chuyên môn địa phương hoặc tại chỗ.
Chiến lược này cũng có khả năng bao gồm kiểu hợp tác tăng cường và chia sẻ thông tin vốn là một phần của cái gọi là các hoạt động mạng “săn lùng” của Hoa Kỳ ở các quốc gia như Latvia và Albania, hoặc thậm chí tiếp cận nhiều hơn nữa theo những gì đã được thực hiện với chính quyền tiểu bang và địa phương ở Hoa Kỳ để giúp đảm bảo các cuộc bầu cử.
Quan hệ đối tác ‘thiết yếu’
Một số cựu quan chức tình báo gọi việc tiếp cận như vậy là cần thiết.
Ông Paul Pillar, cựu quan chức cấp cao của CIA hiện đang giảng dạy tại Đại học Georgetown, nói: “Một thực tế đơn giản về cách thức hoạt động của cơ sở hạ tầng truyền thông và bầu cử là các công ty công nghệ trong khu vực tư nhân có vị trí tốt nhất để nhận thức được nhiều mối đe dọa như vậy trước tiên và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với họ là điều cần thiết”.
Chiến lược tình báo mới của Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh sự hiểu biết tốt hơn về các công nghệ mới và chuỗi cung ứng để đảm bảo các quốc gia như Trung Quốc “không thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh và an ninh quốc gia của chúng ta”.
Chiến lược này nhằm hướng dẫn tất cả 18 cơ quan tình báo Hoa Kỳ, bao gồm Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, Cơ quan Tình báo Trung ương, Cơ quan An ninh Quốc gia, Cơ quan Tình báo Quốc phòng và Cục Điều tra Liên bang.
Nó thay thế chiến lược trước đó được ban hành vào năm 2019, vốn tập trung vào việc “nói lên sự thật”.
“Chúng ta cần trấn an các nhà hoạch định chính sách và người dân Mỹ rằng chúng ta có thể tin tưởng được... bất chấp những căng thẳng dai dẳng trong môi trường hiện tại,” ông Dan Coats, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia, nói.
Một số nhà lập pháp quan trọng của Hoa Kỳ hoan nghênh chiến lược tình báo được cập nhật.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner nói: “Chiến lược Tình báo Quốc gia tổ chức Cộng đồng Tình báo một cách phù hợp xung quanh các thách thức chính: một Trung Quốc đang trỗi dậy, cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine và các cơ hội cũng như sự phức tạp do các công nghệ mới nổi như AI [trí tuệ nhân tạo] mang lại”.
“Lực lượng chuyên môn, quan hệ đối tác mạnh mẽ và khả năng bền bỉ sẽ là trọng tâm của nỗ lực này,” ông Warner lưu ý.