Gia đình của một công dân Nam Phi bị Việt Nam tuyên án tử hình vì buôn lậu cocaine vào nước này đang phát động một chiến dịch kêu gọi cộng đồng trợ giúp để tìm một luật sư tốt hơn bào chữa cho ông, theo trang web TimesLIVE của Nam Phi.
Truyền thông Việt Nam nói rằng Tòa án Nhân dân TP HCM hôm 28/8 xử sơ thẩm và tuyên phạt Tyron Lee Coetzee, 34 tuổi, tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trên một trang Facebook ủng hộ các gia đình có người thân bị kết án trong các vụ buôn bán ma túy, chị gái của ông Tyron – Chantal – nói rằng họ hầu như không có được chút thông tin nào về tình trạng của ông ở Việt Nam.
“Chúng tôi không có nhiều thông tin cập nhật từ Việt Nam hay từ Đại sứ quán Nam Phi nhưng chúng tôi được biết rằng chúng tôi cần có một luật sư giỏi hơn để bào chữa cho Tyron trong phiên tòa tiếp theo. Chúng tôi đang hy vọng rằng những thông tin và bằng chứng mới trong đó cho thấy (Tyron) là một nạn nhân của hoạt động buôn lậu người, sẽ giúp giảm tội cho cậu ấy,” chị gái của Tyron viết.
TimesLIVE, trang web phổ biến của Nam Phi, trích dẫn lời kêu gọi của bà Chantal cho biết rằng gia đình đang vận động gây quỹ để trang trải chi phí pháp lý và kêu gọi mọi người ủng hộ.
Theo trang gây quỹ trên BackABuddy, gia đình bà Chantal cần có khoảng 150.000 rand (1.060 USD) cho chi phí pháp lý. Cho tới sáng ngày 16/10, họ đã có được 5.226 rand (442US) do mọi người đóng góp.
Tháng trước, gia đình ông Coetzee đã lên án chính phủ Nam Phi đã không hỗ trợ cho ông.
Truyền thông Việt Nam cho biết tại cơ quan điều tra, ông Coetzee khai nhận mình vận chuyển thuê 1,46kg ma túy từ Brazil đến TP HCM cho một đối tượng người Nigeria. Người này trả thù lao 3.500 USD và dặn ông Coetzee chờ người ra lấy hàng, đưa tiền công và hướng dẫn tìm khách sạn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Coetzee bị bắt tại sân bay này vào tháng 6/2016.
Phiên tòa xử của ông Coetzee bắt đầu vào tháng 5/2017 nhưng bị tạm hoãn sau khi người đàn ông này cho biết ông bị tâm thần phân liệt.
Theo bà Chatal, 42 tuổi, ông Coetzee được cho là sẽ bay từ Johannesburg tới Port Elizabeth để thăm bà. Nhưng thay vào đó, ông lại bay tới Brazil và từ đó tới TP HCM.
Vẫn theo người chị gái của ông Coetzee, ông là “ứng cử viên hoàn hảo” cho việc bị cưỡng bức bởi một nhóm buôn lậu.
“(Tyron) học hành dang dở, thường xuyên thất nghiệp,” bà Chantal cho biết và nói thêm rằng gia đình đã tìm cách đưa Coetzee đi khám bệnh tâm thân trước khi ông bị bắt ở Việt Nam. Tuy nhiên ông Coetzee đã bỏ dở kế hoạch này.
“Tôi tin rằng đây là buôn lậu và cậu ấy bị cưỡng ép làm,” bà Chantal nói.
Chị gái của ông Coetzee nói bà thất vọng và tức giận vì chính phủ Nam Phi đã không hành động. Bà nói, các giới chức không những một tháng trời sau mới báo cho gia đình về việc ông Coetzee bị bắt, mà họ còn không hành động gì và không cho gia đình biết thông tin cập nhật về các thủ tục xử án tại tòa.
Bộ trưởng Ngoại giao Lindiwe Sisuhu, trong một thông cáo được Times trích dẫn, nói rằng: “Gia đình của người đàn ông này đã được thông báo về những tiến triển mới nhất và bộ đang tiến hành trợ giúp lãnh sự. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và sẽ chủ động giúp công dân kháng án.”