Chia rẽ ở Ai Cập khích động nhóm ủng hộ, chống đối ông Morsi

Những người biểu tình chống Tổng thống Morsi tại Quảng trường Tahrir, giơ cao các tấm bảng với nội dung yêu cầu ông từ chức, 2/7/13

Đông đảo người Ai Cập đang xuống đường ở Cairo vào lúc tổng thống Ai Cập tìm cách ngăn chặn chính phủ dân cử của nước này sụp đổ.

Hàng ngàn người chống đối Tổng thống Mohamed Morsi đang tụ tập ở quảng trường Tahrir, lập lại lời kêu gọi ông Morsi từ chức – trong khi những người ủng hộ tổng thống lại tụ tập ở Thành phố Nasr ở Cairo để bầy tỏ hậu thuẫn.

Những người ủng hộ ông Morsi cầm gậy, khiên, và nón bảo hộ trong cuộc luyện tập tại một đền thờ gần dinh tổng thống ở Cairo, Ai Cập, 2/7/13


Quân đội Ai Cập đã định kỳ hạn cho ông Morsi đến ngày thứ tư để giải quyết các bất đồng với các nhóm đối lập trong nước, và cảnh báo rằng nếu ông không đáp đúng kỳ hạn thì quân đội sẽ trình bầy lộ đồ riêng của mình cho tương lai của Ai Cập.

Một kỳ hạn khác của phe đối lập đòi ông Morsi phải từ chức đã trôi qua.

Tổng thống Morsi đã gặp giới chức cấp cao nhất của quân đội lần thư nhì trong 2 ngày hôm thứ ba, mặc dầu trước đó ông đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội.

Các thành viên trong tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo của ông Morsi đã nói với các cơ quan truyền thông rằng họ sẵn sàng đứng trước các xe tăng và hy sinh thân mình để ngăn chặn một cuộc đảo chính.

Ông Essam el-Erian của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo hôm thứ ba đã chỉ trích đường lối của quân đội.

Ông nói: “Có những sai lầm trong phát biểu mới nhất của quân đội. Họ muốn xoa dịu tình hình và ngăn chặn các diễn biến nguy hiểm, vì thế quân đội có lý trong một số lãnh vực nhưng đã phạm một lỗi rất lớn trong phát biểu khi không chịu đề cập đến từ “hiến pháp” hay “luật pháp” trong luật lệ của họ, gây cảm tưởng là quân đội đứng trên hiến pháp và pháp luật, nhưng quân đội Ai Cập tiếp tục biểu quyết về từng điều khoản một trong hiến pháp suốt đêm.”

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã điện thoại cho ông Morsi hôm thứ hai, hối thúc ông chứng tỏ sự đáp ứng với các mối quan ngại của những nguời biểu tình đối lập. Ông cũng hối thúc các nhà lãnh đạo đối lập vận động cho sự thay đổi trong suốt các tiến trình dân chủ của Ai Cập.

Bạo động đã bùng ra ở một số khu vực, khiến ít nhất 16 người chết trong tuần vừa qua.

Văn phòng ông Morsi đã nói sẽ theo đúng kế hoạch hòa giải dân tộc, bất kể “những phát biểu đã đào sâu hố ngăn cách giữa các công dân.”

Cựu giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ari Ratner nói với đài truyền hình Alhurra rằng ông Morsi đang chấp nhận một rủi ro lớn.

Ông Ratner nói: “Thật là rõ ràng Tổng thống Morsi đã đánh giá thấp mức độ chống đối mà ông vấp phải bên trong Ai Cập. Chỉ riêng tầm vóc của các cuộc biểu tình này, cho dù người biểu tình có đại diện cho đa số người Ai Cập hay không, chỉ riêng tầm vóc của việc đưa khối lượng người như thế xuống đường cũng chứng tỏ rất rõ ràng rằng sự bất mãn to lớn cả với tình hình chung ở Ai Cập, lẫn với sự lãnh đạo của chính Tổng thống Morsi. Rõ ràng nêu muốn sống sót, là điều có thể hay không có thể xảy ra vào lúc này, nhưng cho dù ai trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp ở Ai Cập, họ cũng sẽ phải cai trị với rất nhiều quyết tâm trong việc ứng phó với các vấn đề cốt lõi mà người Ai Cập tiếp tục đương đầu.”

Nhiều bộ trưởng trong Nội các và các phát ngôn viên chính phủ đã đệ trình đơn xin từ chức vào lúc áp lực đè nặng thêm lên tổng thống.

Hàng triệu nguời đã xuống đường hôm chủ nhật trong các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ khi cuộc cách mạng năm 2011 lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.

Tại Geneva hôm thứ ba, Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, ông Rupert Colville, cảnh báo rằng nền dân chủ của Ai Cập có thể đang lung lay.

Ông Colville nói: “Điều hết sức quan trọng là chính phủ và phe đối lập phải họp lại và thảo luận cách thức tiến tới. Nền dân chủ Ai Cập rõ ràng là rất mong manh và không ai muốn thấy nó sụp đổ hay tan rã một cách nào đó.”