Chị Vỹ

Hồng Kông năm 1993.

Tôi gặp chị lần đầu tiên trong trại cấm Hei Ling Chau ở Hồng Kông vào cuối năm 1992. Lúc ấy gia đình chị đang bị giam trong trại chờ ngày thanh lọc. Còn tôi thì nhân dịp nghỉ hè ở Úc sang đó làm thiện nguyện cho văn phòng của bà luật sư Pam Baker. Ngày thường thì tôi ở văn phòng giúp Pam làm giấy tờ. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng bắt phà vào trại để thông dịch cho Pam. Gia đình chị lúc ấy đang nhờ Pam giúp đỡ làm hồ sơ. Thế là tôi quen chị.
Chị người Đà Nẵng nên nói giọng có hơi khác với tôi. Một số từ chị dùng cũng khác. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên vào trại thăm gia đình anh chị, ở lại dùng cơm, sau đó trước khi ra về chị muốn chụp hình. Thế mà tôi vẫn không hiểu chị muốn gì. Vì cứ lâu lâu chị lại hỏi tôi:

Mình chớp bóng được không em?

Trong đầu tôi lúc ấy cứ nghĩ:

Lạ thiệt. cái chị này ở trong trại mà cứ hỏi mình có chiếu phim được hay không là sao?

Thế là tôi cứ ậm ừ cho qua chuyện. Không “yes” mà cũng chẳng “no”. Làm chị cũng chẳng hiểu tôi muốn gì. Mãi cho đến khi tôi vỡ lẽ ra. À, thì ra “chớp bóng” là “chụp hình”. Chứ không phải là cái rạp chiếu bóng như tôi vẫn thường hiểu.

Đó là lần đầu tiên tôi có dịp sống xa nhà, lần đầu tiên có dịp tiếp xúc thường xuyên với người Trung và người Bắc nên tôi thấy cái chi cũng mới, cũng lạ. Đặc biệt là cách họ sử dụng một số từ ngữ. Và cả tính chất của họ.

Người Bắc thường ăn nói lưu loát hơn. Còn người Trung thì lại rất trọng tình, trọng nghĩa. Lòng tự trọng của họ cũng rất cao. Không như người Nam dễ dãi, thiệt thà. Thấy cần là mở miệng nhờ ngay. Trong khi đó, ngay cả lúc thiếu thốn, những người Trung mà tôi quen biết vào thời điểm đó cũng ít khi nhờ vả. Nhất là gia đình chị.

Bị giam trong các trại cấm chật hẹp ở Hồng Kông lúc ấy hầu như ai cũng thiếu thốn. Thiếu từ không gian sinh hoạt cho đến quần áo, miếng ăn, đường, dầu gió xanh. Đặc biệt là dầu gió xanh. Vì sang đến tháng 12 là Hồng Kông đã bắt đầu se lạnh, trời trở gió. Những trại cấm như Hei Ling Chau lại nằm trơ trọi trên đỉnh đồi hoang, quanh năm chỉ có gió biển thổi lồng lộng vào nên càng làm cho mọi người dễ bị bệnh.

Vì vậy đối với những thiện nguyện viên như chúng tôi được ra vô trại mỗi ngày, điều mà những người tỵ nạn cần nhất là mua dùm họ dầu gió xanh. Để dùng. Để mua đi, bán lại. Thế vậy mà chị chẳng bao giờ nhờ tôi mua giùm. Và ngay cả khi tôi mua vào để tặng, chị cũng ngại. Năn nỉ lắm mới chịu nhận. Về sau để dễ dàng hơn tôi phải nói là mua cho hai thằng con của chị. Lúc ấy chị mới nhận.

Kể từ lúc đó tôi quen thân với gia đình anh chị: Anh tên Thu. Chị tên Vỹ. Có hai thằng con: Vũ và Tuấn lúc ấy chỉ mới lên 9, lên 10.

Từ đó, cứ mỗi năm sang Hồng Kông làm việc trong 3 tháng hè cho Pam tôi lại vào thăm gia đình anh chị. Ở Hei Ling Chau. Hay trại Man Yin. Để dùm cơm, cùng chia sẻ những vui buồn sau gần 1 năm xa cách. Nếu xin được, tôi lại dắt một số học sinh cùng chị là giáo viên trong trường ra bãi biển gần đó để các em có dịp vui chơi thỏa thích. Trước khi mọi người phải quay trở về trại với thực tế là hàng hàng lớp lớp những hàng rào kẽm gai. Bao quanh bốn bức tường vô cảm, bất động.

Chị đã chia sẻ với tôi rất nhiều những khi chúng tôi có dịp ra khỏi trại. Chị bảo chị chỉ có một ước mơ đó là trong tương lai gia đình chị sẽ may mắn đậu thanh lọc và được cho đi định cư ở một nước thứ ba. Để hai con của chị có cơ hội trưởng thành trong một xã hội tự do, có cơ hội phát triển và trở thành những người hữu dụng trong xã hội.

Thế vậy mà.

Ngày gia đình chị bị “đá”, bị rớt thanh lọc, chị đã khóc và viết thư báo cho tôi biết. Lúc ấy tôi chỉ mới vừa nhập học năm thứ ba trường Luật nên đã cảm thấy hoàn toàn bất lực. Vô dụng vì cuối cùng mình chẳng giúp được gì cho người mình thương mến.

Nhưng.

Pam vẫn còn đó. Và cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ pháp lý tận tình và hoàn toàn miễn phí của Pam, gia đình chị đã được tái cứu xét và đậu kháng cáo.

Sau đó ít lâu, cả gia đình chị đã được nhận đi Mỹ.

Ngày tôi gặp lại chị ở Minnesota cũng là lần đầu tiên chúng tôi có dịp cùng nhau sinh hoạt trong tự do, không còn bị bốn bức tường của trại giam chia cách. Thấy hai thằng con anh chị nay đã cao lớn, được đi học, anh chị ai cũng có công ăn, việc làm vững chắc, da mặt hồng hào, trông còn trẻ hơn thời ở trại cấm, tôi thật đã mừng và chúc phúc cho chị. Thế là cuối cùng ước mơ của chị đã trở thành sự thật. Chị cũng bảo thế là chị đã toại nguyện rồi đấy: “Bây chừ chị chỉ cần Vũ và Tuấn nó học ra trường, nên người thôi”.

Lần ấy tôi đã ở lại vài ngày với gia đình anh chị. Nhưng sau này chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Vì tôi thì bận đi tứ xứ. Còn chị thì ở tít tận bên tiểu bang Minnesota, cứ đông đến thì nhiệt độ tụt xuống âm 20, 30 độ là chuyện thường.

Thế vậy mà chị vẫn ở được, vẫn vui vẻ làm việc vì biết rằng hai đứa con chị đã sắp sửa ra trường, đã nên người như điều mà chị hằng mong ước.

Và thật cũng đúng như ước nguyện của chị, ít lâu sau Vũ đã học ra trường và tìm được việc làm đúng theo sở thích và ngành mà Vũ học. Ngay tại khu Little Saigon ở Cali.

Ngày chị sang thăm Vũ tôi gặp lại và cũng mừng cho chị.
“Bây chừ chị hết phải lo rồi đó nha. Phải biết hưởng thụ đi là vừa”. Tôi cười trêu chị bằng chính giọng nói “Đè nẽng” của chị.

Thế vậy mà.

Hôm qua tôi đến chùa Bát Nhã với Vũ để thắp hương cho chị. Chị đã đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh ung thư mà mới đây thôi tôi cứ tưởng là chị sẽ vượt qua khỏi. Mới đây thôi tôi đã gặp lại chị và thấy chị vẫn cười nói bình thường. Mặc dù ai cũng biết, bác sĩ cũng biết là chị khó mà vượt qua được.

Trên đường về, tôi ghé vào công viên gần nhà để nghe lại nhạc phẩm “One day I'll fly away” do Nicole Kidman trình bày trong bộ phim nổi tiếng “Moulin Rouge”. Lời của bài hát được bắt đầu như thế này:

I follow the night. Can't stand the light.
When will I begin to live again?
One day I'll fly away
Leave all this to yesterday
What more could your love do for me?
When will love be through with me?
Why live life from dream to dream?
And dread the day?
When dream will end?

Chẳng hiểu sao tôi cứ muốn nghe đi nghe lại mãi 3 câu hỏi cuối trong bài hát này mỗi khi tôi có người thân mất:

Why live life from dream to dream?
And dread the day?
When dream will end?

Tại sao phải sống chỉ ước mơ?
Và ngại là ngày ấy sẽ đến?
Khi giấc mơ rồi cũng sẽ tan?

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.