Trong một bài viết trước (đăng ngày 28 tháng 8, 2011 trên VOA), tôi có nhận định rằng để thực hiện mục tiêu hạ lãi suất, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình thực ra không có nhiều lựa chọn. Tôi cho rằng có nhiều khả năng ông sẽ phải dựa vào việc ép các ngân hàng thương mại (NHTM) hạ lãi suất huy động tiền gửi làm giải pháp chính để thực hiện mục tiêu của mình.
Nhận định này hóa ra lại sớm trở thành hiện thực. Chưa đầy 10 ngày sau, vào ngày 7/9/20011, Thống đốc NHNN đã ra Chỉ thị 02/CT-NHNN về việc chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và bằng đôla Mỹ của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện đúng mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và bằng đô la Mỹ theo quy định của NHNN. Theo quy định hiện nay của NHNN, mức lãi suất huy động tiền đồng là 14% và USD là 2%.
Theo chỉ thị này, các TCTD vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn sẽ bị đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của TCTD; người quản lý, người điều hành của TCTD bị đình chỉ, miễn nhiệm không được đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tài chính TCTD đó trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bị đình chỉ, miễn nhiệm; hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của TCTD trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bị xử lý; và hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc TCTD đó.
Chỉ thị 02/CT-NHNN cũng tạo cơ chế cho các TCTD có điều kiện “tố” lẫn nhau. Chỉ thị này yêu cầu các đơn vị TCTD và ngân hàng chủ động phát hiện và báo cáo về NHNN những TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh vi phạm mức lãi suất huy động đồng Việt Nam và đô la Mỹ theo qui định của NHNN. NHNN cũng yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cần tổ chức và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ các tổ chức và cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất huy động vốn theo quy định của NHNN.
Đây là một biện pháp hành chính rất mạnh tay của tân thống đốc nhằm hiện thực hóa cam kết giảm lãi suất cho vay xuống còn 17% đến 19% (đối với các lĩnh vực được coi là sản xuất). Sau khi NHNN phát đi chỉ thị này, đã có nhiều ngân hàng thương mại hưởng ứng. Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, đến ngày 8/9/2011, đã có 34/42 NHTM ban hành văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống về việc chấp hành đúng quy định của NHNN về mức lãi suất huy động bằng VND và USD.
Đến ngày 8/9/2011, 6 NHTM (VietinBank, Vietcombank, MHB, MB, LienVietPostBank, Maritime Bank) đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND đối với sản xuất kinh doanh xuống mức 17 - 19%/năm. Ngân hàng Tiên Phong tuyên bố cho vay 1000 tỷ đồng với lãi suất 17% đến 19%. Ngân hàng SacomBank mạnh tay hơn khi tuyên bố cho vay tới 2000 tỷ đồng với lãi suất 17% đến 19%, nhưng vẫn không bằng VP Bank. Từ ngày 6/9, ngân hàng này sẽ thực hiện các chương trình cho vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi từ 17% đến 19% cho một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản và một số ngành khác với tổng hạn mức lên tới 3000 tỷ đồng. Ngân hàng Maritime cũng tuyên bố mức lãi suất VND ngắn hạn mà ngân hàng này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất tối thiểu là 17,5%/năm, tối đa là 19%/năm và lãi suất đối với các khoản vay trung - dài hạn là 18,5%/năm tới 20%/năm tùy trường hợp.
Có vẻ như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đạt được thành công bước đầu trong việc hạ lãi suất. Mặc dù phải viện tới biện pháp hành chính rất mạnh tay và bị không ít các chuyên gia trong và ngoài ngành ngân hàng nghi ngại về tính “phi thị trường” trong quyết định của ông, Thống đốc Bình đang làm được hai việc hết sức quan trọng là (i) cứu hệ thống doanh nghiệp khỏi nguy cơ đổ vỡ hàng loạt do mất thanh khoản và (ii) tạo ra một kỳ vọng mới về mặt bằng lãi suất và (hi vọng là) về mặt bằng lạm phát thấp hơn so với giai đoạn trước khi ông nhậm chức.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.