Vào đêm cuối cùng mỗi năm, đã thành thông lệ, cực kỳ đông người tụ tập ở Quảng trường Thời đại (Times Square), của thành phố New York, Mỹ, để đón chào năm mới.
Lúc 11 giờ 59 phút đêm, một quả cầu tỏa sáng đẹp đẽ được hạ thấp dần trên một chiếc cột, cùng lúc, những người có mặt ở quảng trường và hàng triệu người khác xem qua TV đếm ngược 60 giây.
Đúng thời điểm nửa đêm, tiếng hò reo của đám đông vang dội khắp quảng trường và những ai có người thân yêu đi cùng thường hôn nhau.
Nhưng vào đêm giao thừa giữa hai năm 2020 và 2021 này, quả cầu tại Quảng trường Thời đại sẽ hạ xuống trong khung cảnh phố xá vắng vẻ, CNN và New York Times cho biết.
Do đại dịch virus corona vẫn đang diễn ra, chỉ có ít người được mời đến quảng trường, nhưng sẽ có một buổi lễ ảo dành cho những người muốn xem ở nhà, vẫn theo CNN và New York Times.
Vào đêm giao thừa năm ngoái, có tới 1 triệu người đổ về khu vực trung tâm quận Manhattan. Nhưng đêm 31/12 năm nay, sẽ chỉ có vài trăm người tụ tập ở quảng trường, New York Times đưa tin.
Tất cả những người đó đều nhận giấy mời đặc biệt và trong số họ là vài chục nhân viên các dịch vụ khẩn cấp, làm việc ở tuyến đầu. Họ sẽ được kiểm tra thân nhiệt và đeo khẩu trang, theo tin của New York Times.
Tờ báo cho biết một phần buổi lễ giao thừa sẽ có tiết mục những khách mời đại diện cho quốc gia, cầm một chiếc gương và đưa nó chạm vào đôi môi của năm 2020, đánh dấu việc năm cũ đã chấm dứt.
Stephen Huges, một trợ lý cảnh sát trưởng tại Sở Cảnh sát New York, nói: “Tôi mong chôn vùi năm 2020 hơn là đón chào 2021. Tôi sốt ruột chỉ muốn năm 2020 qua đi cho nhanh”. Viên cảnh sát này sẽ tham gia bảo vệ cho đêm giao thừa.
Juanita Erb, một y tá làm nghiên cứu lâm sàng được mời đến buổi lễ ở Quảng trường Thời đại năm nay, cũng đồng ý, và nói thêm: “Kim đồng hồ chỉ sang năm 2021 không làm mọi thứ biến mất”.
Những hiện thực làm cho năm 2020 trở thành năm cực kỳ tệ hại trong lịch sử nước Mỹ sẽ không biến mất khi buổi bình minh đầu tiên của năm 2021 chiếu sáng, New York Times viết.
Đó là bất bình đẳng chủng tộc vẫn tiếp tục. Tương tự là tình trạng thất nghiệp và doanh nghiệp thất bát. Bên cạnh đó là sự chia rẽ chính trị và văn hóa nổi lên từ cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020.
Nhưng vấn đề lớn nhất định hình về cả năm chính là đại dịch, với hơn 340.000 người chết liên quan đến dịch ở Mỹ, trung bình 930 ca tử vong mỗi ngày, 39 ca mỗi giờ.
Dù việc nghiên cứu, chế tạo vắc xin diễn ra nhanh như tên lửa, song sẽ phải mất đến vài tháng trong năm 2021, hầu hết người Mỹ mới được tiêm chủng, nên dịch bệnh chết chóc sẽ còn tiếp tục trong một thời gian.
Mặc dù vậy, những nghi thức đón năm mới sẽ vẫn diễn ra, phục vụ cho nhu cầu tinh thần của số đông. Trong đó có việc hạ quả cầu gắn các tấm pha lê nặng tổng cộng 6 tấn trên nóc một tòa nhà 25 tầng ở Quảng trường Thời đại để đánh dấu sự chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới.
Chỉ có điều, không khí năm nay sẽ thiếu vắng hàng trăm ngàn người. Một tuyên bố của Sở Cảnh sát New York viết bằng chữ đậm rằng: “Đêm giao thừa đón năm 2021 sẽ không mở cửa với công chúng và sẽ không có khu vực công cộng cho khán giả”.
Thông thường, vài ngàn nhân viên cảnh sát làm việc trong đêm giao thừa, nhưng năm nay, con số đó giảm 80%, chỉ còn vài trăm người, New York Times tường thuật.
Theo CNN, đây là năm đầu tiên kể từ 1904 mọi người bị cấm đổ về tụ tập ở Quảng trường Thời đại.
Về lịch sử của quả cầu, CNN cho biết trong 100 năm qua, biểu tượng đón năm mới của New York đã biến đổi từ một khung sắt và gỗ gắn các bóng đèn thành một vật thể gắn các tấm pha lê và các công nghệ phát sáng đẹp đẽ.
CNN cho rằng công tạo ra quả cầu thuộc về một thợ sắt là di dân Ukraine có tên là Jacob Starr và một cựu nhà phát hành của New York Times có tên là Adolph Ochs.
Trong vài năm, ông Ochs tổ chức các lễ bắn pháo hoa đón chào năm mới rất thành công, thu hút nhiều người đến quanh tòa nhà của New York Times ở Quảng trường Thời đại. Nhưng về sau các quan chức thành phố cấm sử dụng chất cháy nổ. Vào năm 1907, ông Ochs thuê ông Starr tạo ra một màn trình diễn thị giác mới.
Khái niệm quả cầu đón năm mới được dựa trên các quả cầu báo giờ trong ngành hàng hải, đã trở nên phổ biến trong thế kỷ 19. Hàng ngày, các hải cảng và đài quan sát sẽ nâng và hạ một quả cầu kim loại cùng một lúc để các thủy thủ đồng bộ hóa các thiết bị của họ, theo bài viết của CNN.
Vẫn theo CNN, tòa nhà Western Union ở trung tâm New York thả xuống một quả cầu vào buổi trưa hàng ngày, và việc này đã truyền cảm hứng cho ông Ochs và tổ trưởng tổ điện của New York Times khi đó.
Tama, một người cháu của ông Starr nói với CNN rằng bà tin rằng ông của mình là người đã có ý tưởng hạ quả cầu xuống, tắt đèn của quả cầu, rồi bật sáng các chữ số của năm mới.
Bà Tama cho biết rằng trong nhiều năm, việc hạ quả cầu được làm thủ công ở thời điểm còn 1 phút nữa là đến giao thừa. “Đây là chuyện điều chỉnh một dụng cụ kiểu cũ và có ích. Ngay lập tức, mọi người yêu thích việc này”, bà Tama nói với CNN.
Quả cầu Quảng trường Thời đại đã có 7 phiên bản khác nhau kể từ quả cầu đầu tiên, từ một khung sắt khoảng 300 kilogam gắn các bóng đèn 25 watt, đến khung nhôm nhẹ hơn sau Thế chiến II, rồi đến “Trái táo lớn” thời cựu Thị trưởng Ed Koch.
Năm 1995, quả cầu dùng các đèn công nghệ mới và điều khiển bằng máy tính. Quả cầu ngày nay là sản phẩm hợp tác của Waterford Crystal và Philips Lighting, sử dụng 32.256 đi-ốt phát quang (LED) có thể được lập trình để tạo ra hàng triệu màu sắc và hoa văn trên bề mặt.