Chế tài lên các ngân hàng chỉ làm trầy bề mặt Pháo đài Nga

Tổng thống Vladimir Putin tham dự phiên họp của Nội các Nga tại dinh Novo-Ogaryovo bên ngoài Moscow.

Liên hiệp châu Âu và Anh ngày 22/2 loan báo những chế tài mới nhắm vào Nga sau khi Moscow công nhận hai vùng ly khai tại Ukraine là những thực thể độc lập.

Đứng đầu trong số các mục tiêu chế tài là các ngân hàng Nga và khả năng hoạt động quốc tế của các ngân hàng này.

Tuy nhiên ảnh hưởng của những chế tài mới có thể là tối thiểu. Các chính phủ phương Tây hiện giờ muốn để dành các gói chế tài đã dự trù lớn hơn cho tình huống cuộc khủng hoảng leo thang.

Điều này có nghĩa là các chủ ngân hàng Nga và những đối tác phương Tây có quan hệ với Nga sẽ ‘không bị mất ngủ’ nhiều.

Những chế tài đã loan báo

Các ngọai trưởng châu Âu đồng ý chế tài 27 cá nhân và thực thể, bao gồm các ngân hàng tài trợ cho các nhà quyết định chính sách Nga và hoạt động trong các lãnh thổ đòi ly khai.

Gói chế tài cũng bao gồm tất cả thành viên của Hạ viện Nga, những người đã bỏ phiếu chấp thuận việc công nhận những vùng đòi ly khai.

Anh áp đặt chế tài lên ông Gennady Timchenko và hai tỉ phú khác có quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Vladimir Putin cùng 5 ngân hàng: Rossiya, IS Bank, GenBank, Promsvyazbank và Black Sea Bank.

Các ngân hàng này tương đối nhỏ, chỉ có ngân hàng Promsvyazbank là định chế tín dụng quan trọng được liệt kê trong danh sách của ngân hàng trung ương Nga.

Ngân hàng Rossiya đã bị Mỹ chế tài từ năm 2014 vì có liên hệ chặt chẽ với các quan chức Điện Kremlin.

Các chuyên gia cho rằng các biện pháp này khiêm nhường.

Ảnh hưởng thế nào?

Cho tới nay-chỉ tối thiểu.

Các ngân hàng lớn của Nga hội nhập sâu rộng vào hệ thống tài chánh toàn cầu, có nghĩa là chế tài lên các định chế lớn nhất có thể được cảm nhận vượt xa biên giới.

Tuy nhiên những chế tài mới lại chú trọng đến các ngân hàng nhỏ hơn.

Những biện pháp nhắm vào các ngân hàng vừa kể chưa mạnh mẽ như những biện pháp được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 mà phần nhiều các trừng phạt ấy vẫn còn nguyên. Sau đó, phương Tây đã đưa vào danh sách đen những cá nhân cụ thể, tìm cách hạn chế việc tiếp cận thị trường vốn của các định chế quốc doanh Nga, nhắm vào những ngân hàng lớn hơn và áp đặt những hạn chế rộng lớn đối với việc mua bán công nghệ.


Các biện pháp mới của Anh không áp đặt những hạn chế lên các ngân hàng nhà nước lớn nhất, không cắt giảm vốn của các công ty Nga, cũng không loại bỏ giới giàu có Nga ra khỏi Anh.

Cổ phần của các ngân hàng lớn nhất Nga như Sberbank và VTB tăng mạnh sau khi nhóm ngân hàng nhà nước này thoát khỏi chế tài.

Các nhà phân tích nói các định chế Nga có thể đối phó các chế tài lần này tốt hơn cách đây 8 năm, và các ngân hàng nhà nước Nga đã giảm bớt sự tiếp cận với các thị trường phương Tây.

Nga kể từ năm 2014 đã đa dạng hoá ra khỏi vòng ảnh hưởng của Bộ Ngân khố Mỹ và đồng đô la Mỹ. Đồng euro và vàng chiếm tỉ lệ lớn trong dự trữ của Nga hơn là đô la, theo phúc trình hàng năm của Viện Tài chánh Quốc tế.

Nga cũng có những phòng vệ kinh tế vĩ mô, bao gồm dự trữ tiền tệ dồi dào 635 tỉ đô la, giá dầu gần 100 đô la một thùng và tỉ lệ nợ/GDP thấp, ở mức 18%, vào năm 2021.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Các giới chức nói các biện pháp ngày 22/2 chỉ là vòng chế tài đầu tiên.

Hiện giờ vẫn chưa rõ khi nào hay liệu có chuyện EU sẽ nhắm vào các ngân hàng lớn nhất hay không.

Washington đã chuẩn bị một loạt các chế tài bao gồm cấm các định chế tài chánh Mỹ xử lý các chuyển khoản cho các ngân hàng lớn của Nga, các nguồn tin nói với Reuters vào tuần trước.

Mỹ cũng có thể dùng công cụ chế tài mạnh mẽ nhất chống một vài cá nhân và công ty Nga bằng cách đưa vào danh sách Chỉ định Đặc biệt (SDN), loại ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ.

Điều gì ảnh hưởng nặng nhất?

Điều mà các ngân hàng khu vực và các chủ tín dụng phương Tây sợ nhất là Nga bị cấm sử dụng hệ thống chi trả toàn cầu, SWIFT, vốn được hơn 11.000 định chế tài chánh của trên 200 nước sử dụng.

Cấm Nga sử dụng SWIFT sẽ làm cho các chủ nợ châu Âu khó thu nợ, mà Nga cũng đã xây dựng một hệ thống thay thế SWIFT.

Các ngân hàng châu Âu, đặc biệt tại Áo, Ý và Pháp là những ngân hàng tiếp cận với Nga nhiều nhất, và hiện đang báo động cao nếu các chính phủ áp đặt những biện pháp chế tài mới.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nước ngoài đã giảm đáng kể sự tiếp cận của họ với Nga từ năm 2014, nên một số ngân hàng không mấy quan ngại về đe doạ chế tài.