43 năm trước (1975-2018), vì không nắm được ý đồ chiến lược của Mỹ, Cộng sản (CS) Hà Nội đã hăm hở bước vào giai đọan cuối cùng của cuộc chiến tranh Quốc-Cộng tại Việt Nam. Trong giai đọan này, nếu chỉ nhìn qua hiện tượng, người ta thấy như có sự ăn ý giữa Hoa Kỳ và Cộng sản Bắc Việt (CSBV), kẻ tung, người hứng để cùng cưỡng tử chế độ VNCH một cách ngọan mục.
I.- KHỞI ÐI TỪ SỰ KIỆN PHƯỚC LONG BỊ CỘNG QUÂN ĐÁNH CHIẾM.
Ngày 7-1-1975, bộ đội CSBV đã mở cuộc tiến công và đã chiếm đóng được tỉnh lỵ Phước Long như một thử nghiệm đầu tiên ý chí của Hoa Kỳ, thăm dò xem phản ứng đến mức độ nào. Hoa Kỳ đã lập tức lên tiếng tố cáo mạnh mẽ hành động vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam ngày 27-1-1973 của CSBV, kèm theo lời đe dọa sẽ trừng phạt nghiêm khắc nếu CS không ngưng ngay những hành động lấn chiếm tương tự.
Sau sự lên án tố cáo có tính chiếu lệ với kẻ thù, Mỹ đã không có hành động nào khác hơn thể hiện ý chí và quyết tâm giúp “bạn” bảo vệ chế độ VNCH. Không những thế, dường như ai đó đã vô tình hay cố ý giúp thực hiện đúng ý định của Hoa Kỳ, khi khuyên Tổng thống Thiệu không nên đánh chiếm lại Phước Long làm gì cho hao binh tổn tướng, mà hãy dùng sự kiện Phước Long như là bằng chứng tố cáo trước công luận thế giới về hành động phá hoại Hiệp định Paris của CSBV. Bởi vì giải pháp cho Việt Nam bây giờ là giải pháp chính trị chứ không phải quân sự. Có lẽ vì nghe theo lời “cố vấn” này, nên Tổng thống Thiệu đã không tìm cách lấy lại Phước Long mà chỉ ra lệnh đẩy mạnh tuyên truyền, tố cáo CSBV vi phạm Hiệp Ðịnh, đẩy mạnh chiến dịch vẽ cờ, lấn đất giành dân, chuẩn bị chiếm ưu thế về lãnh thổ trong một giải pháp chính trị tương lai? Mặc dầu “đầu tháng 1 năm 1975, Tổng thống Thiệu đã ra lệnh tập trung lực lượng không quân gồm 116 oanh tạc cơ, 160 phi cơ trực thăng, dội bom và đánh phá trọn một tuần lễ xuống Phước Long, nhưng vẫn không đẩy lùi nổi 3 sư đòan chính quy Bắc Việt đang chiếm lấy thị trấn này…” (17)
Trong khi đó, từ sự kiện Phước Long, dư luận lúc đó ở Sài gòn lan truyền khắp Miền Nam, nói nhiều đến một chính phủ liên hiệp ba thành phần, nói nhiều đến giải pháp trung lập. Dường như trong tâm lý quần chúng cũng như quân đội VNCH lúc ấy đều bị hoang mang giao động, tinh thần chủ hòa đang có chiều hướng lấn ép chủ chiến. Tình cảnh này đã có ảnh hưởng rất lớn vào tinh thần chiến đấu của binh sĩ quân lực VNCH. Quân dân Miền Nam như cùng hướng lòng về một giải pháp chính trị, với tâm trạng chờ đợi, mất cảnh giác chiến đấu và suy giảm nghiêm trọng ý chí chống cộng.
Trong khi đó, Mỹ đã không có hành động trừng phạt cương quyết nào với đối phương, mà lại gia tăng áp lực đối với chính phủ VNCH, thúc đẩy và nuôi dưỡng tình hình bất ổn, xáo trộn nội bộ, đẩy chế độ vào thế tam, tứ đầu thọ địch. Áp lực mạnh nhất đánh vào cân não quân đội và dân chúng VNCH là quyết định cắt giảm quan trọng viện trợ kinh tế, quân sự cho VNCH giữa lúc chế độ đang trong điều kiện thử thách sống còn. Như vậy là Mỹ đã không giữ lời cam kết khi “Việt Nam hóa chiến tranh” (Tăng cường viện trợ quân sự để trang bị đầy đủ cho QLVNCH đủ sức làm công việc tự bảo vệ); không giữ những lời hứa công khai cũng như riêng tư với Tổng thống Thiệu của Tổng thống Hoa Kỳ Nixon (viện trợ kinh tế, quân sự dồi dào cho VNCH để giúp thành tựu Hiệp định Paris theo ý muốn của Mỹ). Hậu quả tất nhiên của đòn cân não này là tinh thần chiến đấu của tướng sĩ Quân lực VNCH suy yếu và tiềm năng chống cộng của cả chế độ VNCH phải sút giảm nghiêm trọng. Chúng ta hãy nghe sau này ông Thiệu kể lại:
“… vào năm 1975, tiềm lực chiến đấu của chúng tôi giảm 60%, trong khi đó tiềm lực chiến tranh của Hà Nội gia tăng ghê gớm. Tôi có thể nói trong hai năm sau khi ký kết Hiệp định Paris, chiến tranh đã dữ dội hơn trước. Tuần nào tôi cũng cử phái viên tới Washington để giải thích. Tôi đã gửi thư cho tổng thống Mỹ, tôi phân bầy nỗi nguy hiểm với Ðại sứ Mỹ ở Sàigòn, song không có chuyển biến gì cả...” (18)
Chuyển biến gì được nữa, khi ý định của Mỹ lúc này là đang muốn trói chặt VNCH về chính trị, kinh tế, quân sự, để chờ cho CSBV đến ban cho một phát súng ân huệ. Mỹ đã trói chặt VNCH về chính trị trong một giải pháp liên hiệp với CS, với chiêu bài “hòa giải, hòa hợp dân tộc” để ru ngủ và làm tê liệt ý chí chống cộng của quân dân miền Nam Việt Nam. Mỹ đã trói chặt về kinh tế khi cắt giảm tối đa về mọi mặt, là cắt nguồn máu nuôi sống chế độ. Mỹ đã chặt tay chặt chân về quân sự, khi không thực hiện trang bị, cung cấp vũ khí đạn dược đủ để cho trụ cột chủ yếu chống cộng đủ sức làm công việc tự bảo vệ. Việc Quốc hội Hoa Kỳ chỉ thông qua một ngân khoản viện trợ hàng trăm triệu (700 triệu) so với nhu cầu thực tế hàng tỉ, trong lúc tình hình chiến sự nguy ngập, thử hỏi Quân lực VNCH còn đâu tinh thần và sức mạnh chiến đấu để mà làm công việc tự bảo vệ?
Mặt khác, đúng lúc này, không biết ai xui khiến cho Tổng thống Thiệu ra lệnh giải giới các lực lượng bán quân sự như Nhân dân Tự vệ và các giáo phái có trang bị vũ khí, gọi là để tập trung lực lượng và sức mạnh chiến đấu của Quân lực VNCH. Ðiển hình là vụ giải giới lực lượng bán quân sự của Phật giáo Hòa Hảo khỏang 10.000 người, bắt giam ông Hai Tập, Tổng Chỉ huy Lực lượng Bảo an Hòa Hảo.
“. . . Cuối tháng 1/1975, ông Hai Tập, ông Lương Trọng Tường thành lập một sư đoàn Bảo an Hòa Hảo với mục đích tiếp tục chiến đấu kháng cộng, nếu VNCH sụp đổ. Ông Thiệu lập tức giải tán và bắt giam ông Hai Tập vì sợ lực lượng Hòa Hảo lật đổ ông...” (19)
Việc làm này của ông Thiệu như là hành động tự chặt tay mình về mặt quân sự. Ai đã cố vấn cho ông Thiệu làm việc này, hay do sáng kiến cá nhân, điều này chỉ có ông biết. Người bàng quang chỉ có thể suy đoán, có thể là sáng kiến cá nhân vì mối lo sợ riêng, song cũng có thể là sự gợi ý của các “cố vấn” người Mỹ, hoặc là người của Việt cộng “nằm vùng” bên cạnh ông. Vì rằng vào thời điểm này, tuy khác ý đồ, nhưng Mỹ và Việt cộng dường như đã gặp nhau ở mục tiêu chung: Triệt tiêu chế độ VNCH càng sớm càng tốt.
Nhớ lại phản ứng của Mỹ lúc ấy là ngoài những lời lên án, tố cáo, đe dọa “Sẽ trả đũa”, Mỹ chỉ tăng cường các chuyến bay do thám, mà theo nhận xét của ông Thiệu “Việc ấy chẳng khác gì dùng bồ câu thay thế B-52…”. Ðồng thời, Tổng thống Gerald Ford, người kế vị Tổng thống Nixon bị mất chức giữa nhiệm kỳ vì vụ Watergate, cũng cố làm ra vẻ hết lòng xin Quốc hội Mỹ viện trợ bổ sung 300 triệu Mỹ kim cho VNCH.
Thế nhưng theo lời Ðại sứ Martin “… Nam Việt Nam không nhận được viện trợ bổ sung mà còn không nhận được chút viện trợ nào trong năm tài chánh sắp tới, bắt đầu từ Tháng 6-75… Nói khác đi, nội trong 3 tháng nữa ông Thiệu sẽ đứng trước sự kiện bị cúp viện trợ…” (20). Ông Martin kết luận: “Cố gắng bơm thêm sức mạnh cho ai đó bằng những bảo đảm mà chính mình không tin thì sẽ chẳng đi đến đâu hết…” (21)
Ðến đây, trước phản ứng yếu ớt của Mỹ với thù (CSBV), sự gia tăng áp lực chính trị, kinh tế của Mỹ với bạn (VNCH), các lãnh tụ CS ở Hà Nội càng tin tưởng chắc chắn Mỹ sẽ không can thiệp trực tiếp trở lại, dù họ có gia tăng áp lực quân sự đến đâu. Họ bắt đầu lên kế họach thôn tính miền Nam VN với dự liệu ít nhất 2 năm nữa mới “giải phóng” được miền Nam. Hà nội vẫn thực sự chưa biết ý đồ này của Mỹ: Không phải chỉ không can thiệp trở lại mà còn muốn khai tử chế độ VNCH càng sớm càng tốt. Nghĩa là Mỹ đã có ý định xóa bàn cờ cũ chơi bàn cờ mới. Trong khi đó ông Thiệu và tập đoàn lãnh đạo VNCH thì vẫn nghĩ Mỹ sẽ không bao giờ “dám” bỏ rơi miền Nam, mọi áp lực chẳng qua chỉ để buộc cá nhân ông Thiệu và phe cánh của ông phải từ bỏ quyền hành, trao lại cho ê-kíp khác, nên nội bộ đã rơi vào sự xâu xé tranh giành quyền lợi cá nhân, phe đảng, quên cả mục tiêu sống còn là ngăn chặn CSBV xâm lăng. Một cách vô tình “phe quốc gia” đã như tự đào hố chôn mình. Mặc dầu ai cũng đồng ý với nhận định của ông Thiệu lúc ấy “Chế độ VNCH còn là còn tất cả, nếu mất vào tay CS là mất tất cả”. Nhưng tất cả trên thực tế đã có những hành động góp phần làm tiêu vong chế độ.
Sau này chính ông Thiệu kể: “… Mỹ để lại 300.000 quân tại Châu Âu sau khi Thế Chiến II đã chấm dứt 30 năm; để lại 50.000 quân ở Nam Hàn sau khi chấm dứt 20 năm. Lúc chúng tôi để Mỹ rút quân, chúng tôi chỉ yêu cầu được giúp đỡ để tiếp tục chiến đấu, không còn phải duy trì nửa triệu quân ở Việt Nam, Mỹ chỉ phải chi tiêu 1 phần 20 so với trước kia. Vậy họ còn đòi hỏi gì hơn ở chúng tôi?...” (22)
Nhận định này của ông Thiệu chứng tỏ quan điểm lãnh đạo lỗi thời do không nhìn thấy đã có sự đổi thay chiến lược của Mỹ. Theo đó, Mỹ không phải chỉ muốn cá nhân ông Thiệu mà muốn cả cái chế độ mà ông cầm đầu bấy lâu nay phải biến đi càng nhanh càng tốt. Bởi vì đã qua rồi những cơ hội tốt để tồn tại vững vàng như Nam Hàn, để không bị hủy diệt vào những lúc Hoa Kỳ có nhu cầu phải thay đổi chiến lược như thế này.
II/- ÐẾN SỰ KIỆN BUÔN MÊ THUỘT THẤT THỦ – THỬ THÁCH CUỐI CÙNG CHO TRỤ CỘT CUỐI CÙNG CỦA CHẾ ÐỘ VNCH.
Ðến đây các bước người ta chuẩn bị cho một chế độ sụp đổ như đã hoàn bị. Tình hình nội bộ chế độ VNCH hoàn toàn rối ren, tê liệt. Quân lực VNCH, cây trụ cột cuối cùng chống đỡ cho sự tồn tại thêm thời gian của chế độ thì ra sao?
Theo tài liệu đọc được sau này thì, sau Hiệp Ðịnh Paris năm 1973 về VN, Quân lực VNCH thực sự chỉ còn sáu đến bẩy trăm ngàn quân chiến đấu. Về trang bị đạn dược và các phương tiện chiến tranh hiện còn có thể giúp Quân lực VNCH tiếp tục chiến đấu ít nhất 2 năm. Tương quan lực lượng giữa quân lực VNCH và bộ đội CSBV theo tỉ lệ 4-1. Ðến tháng 1-1975 tỉ lệ này chỉ còn 2-1. Bởi vì sau 2 năm ngưng ném bom, một phần đường mòn HCM đã được CSBV sửa chữa và đặt ống dẫn dầu dọc theo đường mòn này. Trong một thời gian ngắn, 150.000 quân CSBV đã xâm nhập thêm vào chiến trường miền Nam. Sau khi chiếm được Phước Long, Hà Nội đã có thể chuẩn bị cho một lực lượng 300.000 quân bám sát đường mòn HCM tiến vào miền Nam. Tất cả những họat động này, người Mỹ biết rất rõ, song đã không có hành động gì. Vì sao?
Chúng ta hãy nghe một chuyên viên phân tích tình báo Mỹ kể lại: “Khởi đầu cuộc tấn công cuối cùng của CS… lúc đó chúng tôi đã biết rằng CSBV đưa vào miền Nam VN một lực lượng to lớn hơn nhiều so với lực lượng chúng tôi biết đang có ở đây. Họ đã tập trung số quân này phía Tây Cao Nguyên. Bấy giờ Buôn Mê Thuột xét về mặt lịch sử, luôn luôn là điểm tựa phòng thủ của chính quyền trên cao nguyên. Buôn Mê Thuột mất thì sự phòng thủ có thể bị đánh ngang sườn. CSBV rất khôn ngoan, họ chuyển quân mà không sử dụng liên lạc vô tuyến điện. Họ đưa vào vùng Buôn Mê Thuột ba sư đòan mà chúng tôi không hề hay biết…” (23).
Có thực là người Mỹ không hay biết hay là họ biết mà đã cố tình không cho chính quyền VNCH biết, lại còn tìm cách đánh lạc hướng dùm cho đối phương? Vì chẳng lẽ tình báo Hoa Kỳ chỉ dựa trên sự theo dõi liên lạc vô tuyến của VC để nắm bắt tình hình? Vậy thì chỉ có thể do bị che mắt của “Bạn” và thế nghi binh của “Thù”, mà các nhà quân sự VNCH đã đoán sai ý đồ của VC. Đoán sai nên đã cho rằng cộng quân có thể lập lại cuộc tấn công Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972, vượt qua khu phi quân sự. Vì vậy họ đã tập trung quân ở phía Bắc Ðà Nẵng để đối phó? Trong khi đó, Buôn Mê Thuột vốn là một vị trí chiến lược trọng yếu thì quân đội Sài Gòn đã không chuẩn bị phòng thủ tương xứng, chỉ triển khai 40.000 quân ở đó. Họ đâu ngờ rằng lúc ấy, 300.000 quân CSBV đã ẩn nấp bao vây, chờ giờ hành động. Ðể đánh lạc hướng, bộ đội CSBV đã cho truyền đi các bức điện giả làm như mục tiêu tiến công của họ là Pleiku, nơi đặt bản doanh của Quân Ðoàn II quân lực VNCH.
Quân cộng sản đã thành công trong ý đồ này, vì các nhà quân sự VNCH bao lâu nay quen dựa vào chiến lược, chiến thuật đánh CS do người Mỹ họach định sẵn, nên đã có thói quen ỷ lại, lười “động não” để sáng tạo nên đã dễ dàng bị đánh lừa của cả bạn lẫn thù. Sự thể là đúng 2 giờ sáng ngày 10-3-1975, bộ đội CSBV đã mở cuộc tấn công Buôn Mê Thuột. Vì quá bất ngờ, không kịp tăng viện và không có quân yểm trợ nên sau 30 giờ bị vây hãm, phản công yếu ớt, Buôn Mê Thuột đã thất thủ. Rồi cũng như Phước Long, Buôn Mê Thuột thất thủ, Mỹ vẫn không có hành động gì để trừng phạt, ngăn chặn bước xâm lăng của CSBV.
Dư luận thắc mắc, phải chăng ai đó lại “Cố vấn” cho Tổng thống Thiệu với cùng luận điệu, rằng không nên đánh chiếm lại Buôn Mê Thuột làm gì cho hao binh tổn tướng, lại vẫn nên dùng sự kiện Buôn Mê Thuột để đẩy mạnh tuyên truyền tố cáo CSBV trắng trợn vi phạm Hiệp định Paris trước thế giới. Rằng lý do không cần đánh chiếm lại đất đai còn là vì giải pháp cho vấn đề Việt Nam bây giờ là giải pháp chính trị chứ không phải quân sự. Vậy thì chỉ nên “co cụm lại” để tập trung lực lượng bảo vệ các thành phố chiến lược quan trọng, để chờ giải pháp chính trị… Sau này tài liệu cho biết, một trong những cố vấn đã ảnh hưởng đến quyết định “rút lui chiến thuật” của Tổng thống Thiệu là Vũ Ngọc Nhạ, tình báo chiến lược của CSBV, như đã trích dẫn ở phần trên.
Sau này ông Thiệu đã biện bạch rằng: “Chúng tôi phải rút quân về bảo vệ các vùng quan trọng, vì chúng tôi đánh giá là Mỹ sẽ không giúp nữa. Nếu họ giúp thì đã giúp rồi. Chúng tôi không thể chờ đợi đến khi quá chậm. Phải chấp nhận nỗi hiểm nghèo có tính tóan. Biết rằng rút lui mà không có khả năng cơ động và hỏa lực mạnh thì sẽ nguy hiểm. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm.” (25)
Tại sao ông Thiệu dám chọn giải pháp này dù biết rằng nguy hiểm như vậy? Vì ông ta muốn tạo áp lực để phút chót thấy tình hình nguy ngập Mỹ có thể can thiệp chăng? Vì một lời khuyên trực tiếp hay chỉ là sự gợi ý gián tiếp song có hiệu quả của quan chức Mỹ ở Sài gòn? Có thể cả hai. Vì ngài Ðại sứ Martin quả đã có sự gợi ý này: “Chỉ còn một con đường khôn ngoan duy nhất là cắt bớt các tuyến quân sự và chỉ giữ lại một phần đất mạnh về kinh tế là vùng châu thổ phía Nam”(26). Như vậy là sự gợi ý của ngài Ðại sứ Mỹ cuối cùng ở Sàigòn cộng với lời khuyên của các “cố vấn” đã được ông Thiệu cảm nhận và thực hiện như một sáng kiến táo bạo. Có điều kết quả thu lượm được thuộc về phía Hoa Kỳ và Việt Cộng, còn hậu quả được dành cho nhân dân Miền Nam yêu chuộng tự do, những người đã nằm xuống trong cuộc chiến và những kẻ sống sót sau cuộc chiến!
Thực vậy, giải pháp trên đã được thực hiện bằng một cuộc “di tản chiến thuật” mà thực tế đã biến thành một cuộc “tháo chạy tán lọan” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử các cuộc chiến tranh cục bộ. Các chiến lược gia đã phải gọi đó la “Một cuộc rút lui được vạch ra tồi nhất và thi hành tệ hại nhất trong lịch sử quân sự”. Một cuộc di tản chiến thuật gọi là co cụm lại để bảo toàn lực lượng và để đủ sức bảo vệ các vùng chiến thuật trọng yếu, rốt cuộc đã chẳng bảo vệ được gì khác hơn là góp phần làm cho quá trình sụp đổ của một chế độ nhanh chóng hơn. Vì cuộc rút quân tàn tệ này nó đã phá hủy mau chóng quân phong quân kỷ và tinh thần chiến đấu của quân sĩ Quân Lực VNCH. Một quân đội mà trước đó đã bị hoang mang giao động bởi những đòn cân não của cả bạn lẫn thù. Hậu quả tất nhiên là quân sĩ sẽ không còn muốn chiến đấu mà chỉ muốn tháo chạy sao cho an toàn bản thân và lo cho gia đình, để có cơ may tồn tại trong một giải pháp chính trị tương lai đã được định đoạt. Hầu như binh lính VNCH đều có tâm trạng không muốn là người phải hy sinh cuối cùng của cuộc chiến.
Thiện Ý
*Ghi chú: Trích “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới” của Thiện Ý, ấn hành lần đầu Tháng 4 năm 1995 và tái bản Tháng 4 năm 2005 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ.
- (17, (19), (24):Gián Điệp Nhị Trùng, Trần Trung Quân, nhà xuất bản Nam Á, Paris 1990 (trang 335, 337, 338)
- (18), (20) đến (23, (25)và (26): Theo “The Ten Thousand days War” của Michael Maclear, nhà báo Mỹ được giải thưởng Pulitzer nhờ những bài viết về chiến tranh Việt Nam.
- Xin vào: luatkhoavietnam.com , mục “Diễn Đàn”, tiểu mục “Tác giả & Tác phẩm” để đọc thêm trong tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”, tiểu mục “Phỏng vấn & Hội luận” để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả Thiện Ý năm 1995 về tác phẩm này.