Châu Âu đang đối mặt đợt hạn hán tệ hại nhất trong vòng ít nhất là 500 năm qua, với 2/3 lục địa trong tình trạng báo động hoặc cảnh báo, làm giảm vận chuyển nội địa, giảm sản xuất điện và giảm sản lượng một số loại cây trồng, một cơ quan Liên hiệp Châu Âu cho biết ngày 23/8.
Phúc trình tháng 8 của Đài quan sát Hạn hán châu Âu (EDO), nằm dưới sự giám sát của Ủy ban châu Âu, cho biết 47% châu Âu đang trong tình trạng cảnh báo, với độ ẩm của đất bị thâm hụt rõ rệt, và 17% trong tình trạng báo động, thảm thực vật bị ảnh hưởng.
Phúc trình nói: “Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm nay đã tiếp tục mở rộng và trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu tháng 8”, đồng thời cho biết thêm rằng khu vực Tây Âu-Địa Trung Hải có thể sẽ trải qua thời tiết ấm hơn và khô hơn so với điều kiện bình thường cho đến tháng 11.
Trong mùa hè này, phần lớn châu Âu đã phải đối mặt với nhiệt độ nung đốt hàng tuần, khiến hạn hán trở nên tồi tệ hơn, gây ra cháy rừng, đặt ra các cảnh báo về sức khỏe và thúc đẩy các lời kêu gọi hành động nhiều hơn để chặn đứng biến đổi khí hậu.
Vụ hè bị ảnh hưởng, với năng suất ngô năm 2022 thấp hơn 16% so với mức trung bình của 5 năm trước và sản lượng đậu tương và hoa hướng dương giảm lần lượt là 15% và 12%.
Việc sản xuất thủy điện đã bị ảnh hưởng, càng tác động thêm đến các nhà sản xuất điện khác do thiếu nước cung cấp cho các hệ thống làm mát.
Mực nước thấp đã cản trở vận chuyển nội địa, chẳng hạn như dọc sông Rhine, với tải trọng hàng hóa giảm ảnh hưởng đến việc vận chuyển than và dầu.
EDO cho biết lượng mưa vào giữa tháng 8 có thể làm giảm bớt các điều kiện khắc nghiệt nhưng trong một số trường hợp, có kèm theo giông bão gây ra thiệt hại thêm.
Chỉ số hạn hán của đài quan sát được lấy từ các phép đo lượng mưa, độ ẩm của đất và phần bức xạ mặt trời được thực vật hấp thụ để quang hợp.
Cơ quan giám sát của EU cũng cắt giảm triển vọng năng suất vụ hè.