Liên hiệp châu Âu (EU) hôm qua đã cho thấy quan điểm ngả về phía Mỹ trong vụ điều tàu chiến tới gần đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa, dẫn tới phản ứng đầy tức tối của chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới.
Động thái này có thể ảnh hưởng tới cuộc thảo luận giữa Brussel với Bắc Kinh tại cuộc họp của các ngoại trưởng Á – Âu (ASEM) vào tuần tới.
“Phía Mỹ chỉ thực thi quyền tự do hàng hải”, một quan chức cấp cao của EU nói tại một buổi họp báo, trùng với quan điểm bấy lâu nay của Washington.
Một phát ngôn viên của hải quân Mỹ trước đó nói rằng việc tuần tra của tàu khu trục USS Lassen ở biển Đông là một phần của hoạt động nhằm thực thi quyền tự do hàng hải với mục đích “bảo vệ các quyền tự do và việc sử dụng đúng luật không phận và vùng biển của các nước theo luật quốc tế”.
Liên hiệp châu Âu quan ngại về kế hoạch xây đảo nhân tạo mới của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp, quan chức EU nói.
Tuyên bố đó có thể được các quốc gia châu Á phản đối việc Trung Quốc giành chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông hoan nghênh.
Trật tự hàng hải
“Trong khi không thể hiện quan điểm về các tuyên bố chủ quyền, EU cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS)”, một phát ngôn viên của Liên hiệp châu Âu nói trong thông cáo.
EU đang tìm cách củng cố quan hệ với Bắc Kinh nhằm thu hút đầu tư Trung Quốc vào nền kinh tế có tốc độ phát triển chậm chạp của khối.
Liên hiệp này cũng đang thương thảo thỏa thuận kinh tế và thương mại song phương với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Bất chấp Washington, các chính phủ của một số nước EU cũng đã quyết định gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á do Trung Quốc lãnh đạo.
Các ngoại trưởng EU và châu Á sẽ nhóm họp ở Luxembourg vào tuần tới để dự hội nghị thường niên ASEM vơi sự tham gia của tất cả 28 nước EU và 21 quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Theo Reuters
Your browser doesn’t support HTML5