Chấn thương và khả năng hồi phục

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, trong một buổi hội thoại được điều khiển bởi Leigh Sales, 29 tháng Giêng, 2013. (Hình: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ)

Leigh Sales là ngôi sao truyền thông của Úc, người hướng dẫn chương trình “Tường trình giờ 7:30” (7:30 Report), kể từ năm 2011. Đây là chương trình tin tức và thời sự có uy tín và giá trị nhất của Úc mỗi đêm từ thứ Hai đến thứ Năm trong tuần. Những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất, quan trọng nhất, ảnh hưởng đến các chính sách hàng đầu của nước Úc hoặc thế giới, được trình bày ở đây. Người hướng dẫn chương trình trực tiếp, và cũng có lúc gián tiếp qua các nhân sự khác, thực hiện phỏng vấn thủ tướng, bộ trưởng cho đến những nhân vật trách nhiệm hàng đầu liên quan đến các vấn đề thời sự này.

Trước tuổi 40, Sales tự nhận rằng cô có một cuộc đời cực kỳ may mắn [1]. Một mái ấm gia đình, một tuổi thơ truyệt vời, những bạn bè lý tưởng, một hôn nhân hạnh phúc, một công việc tốt nhất, một ngôi nhà xinh xắn, một bé trai mạnh khoẻ, và hiếm khi nào trong cuộc đời mình mà Sales gặp phải một ngày với sức khoẻ hiểm nghèo. Nói chung Sales có một cuộc đời suông sẻ, không hề có bi kịch hay chấn thương.

Ở tuổi 40, Sales đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý nhất về truyền thông tại Úc. Theo gót chân người tiền nhiệm Kerry O’Brien hướng dẫn chương trình 7:30 Report, Sales vẫn tiếp tục giành được sự tín nhiệm của không chỉ khán thính giả, mà còn là các lãnh đạo chính trị của mọi xu hướng, và cả tầm quốc tế. Vào đầu năm 2013, Sales đã thực hiện cuộc hội thoại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trước khi chấm dứt vai trò này, kết hợp giữa hội luận kiểu tòa thị chính có truyền thống lâu đời, nhưng được phổ biến toàn cầu và do đó khán thính giả khắp nơi có thể cùng tham dự và đặt câu hỏi [2].

Tài nghệ của Sales, của O’Brien, cũng như của các nhà truyền thông tạo thế đứng vững vàng cho mình một cách chuyên nghiệp, thành thạo, và sắc bén, là khả năng đặt câu hỏi. Cái gì cũng đặt vấn đề, cũng đặt câu hỏi, bởi triết lý đơn giản là rằng sau mỗi câu trả lời, dù hoàn hảo mấy, vẫn là những gì chưa hoàn thiện, là dang dở. Vì thế cho nên mọi vấn đề cần được đào sâu và mở rộng như không có phạm vi giới hạn. Tập từ nhỏ, nó là lối suy nghĩ, dần dần trở thành thói quen, như một phần của bản chất, đi sâu vào tiềm thức của họ, như thức ăn, hơi thở. Thoạt đầu, khả năng còn thô sơ nên chắc chắn lúc còn trẻ Sales và O’Brien đều làm cho những người chung quanh khó chịu và kể cả bực mình. Nhưng miễn sao người cha, hoặc mẹ, hoặc cả hai, đều hiểu những mầm tài năng hiếm có này để nuôi dưỡng, khuyến khích và nâng đỡ, thì đó là nguồn lực tinh thần cần thiết nhất để bảo bọc sự phát triển toàn diện của những thiên tài xuất chúng trong mọi lĩnh vực.

Sales có những đức tính, và đặc tính, khác thường. Một, làm việc chăm chỉ, cố gắng hết sức, và không chấp nhận đứng hạng hai. Hai, trước mỗi cuộc phỏng vấn, cô chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, lường trước được tình huống và người được phỏng vấn sẽ diễn biến ra sao, và câu hỏi kế tiếp nên là gì, chuẩn bị trước rất lâu và ngay cả khi chỉ còn nửa tiếng trước phỏng vấn, cô vẫn rà lại dữ kiện và các vấn đề liên hệ để sự chuẩn bị được hoàn hảo như ý muốn. Ba, cô có một bộ óc rất kỹ luật và tổ chức, chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể có, giống như phong cách tổ chức của quân đội. Lý do là vì ảnh hưởng của bố, ông Dale Sales, một viên chức cao cấp trong quân đội Úc (có lẽ là cấp bậc Thượng Tá - regimental sergeant major), người đã tác động mạnh mẽ lên tinh thần quyết tâm và cạnh tranh của Sales ngay từ nhỏ.

Đối với Sales, những trãi nghiệm thành công, suông sẻ và mọi sự như nằm trong tầm tay của mình làm cho cô hoàn toàn tự tin, mạnh mẽ và lạc quan. Nhưng đùng một cái, bao nhiêu biến cố đau thương dồn dập xảy ra cho Sales vào năm 2014, lúc cô tròn 40 tuổi, đã thay đổi hẳn quan niệm sống của cô.

Biến cố đầu tiên xảy ra vào tháng Hai năm 2014. Nó đã chấm dứt thời kỳ vàng son, may mắn của cuộc đời của cô. Một đêm vào tháng Hai, không có bằng chứng cụ thể nào mà chỉ là cảm nhận một cách huyền bí, cô nói chồng mình lúc đó là Phil Willis chở cô đến bệnh viện, và gọi người bạn là Sharon đến chăm nôm dùm cho đứa con trai đầu Daniel của Sales lúc đó chỉ hai tuổi. Ban đầu nồng độ đau chỉ có ba trên mười, nhưng rồi bất thình lình gia tăng lên 10. Nhịp tim của em bé trong bụng Sales ngừng đập. Bác sĩ gây mê liền có mặt và bác sĩ phẫu thuật liền thực hiện ca mổ để cứu em bé. Lúc đó nỗi đau quá sức chịu đựng nên Sales không cần biết sống hay chết, miễn sao chấm dứt cơn đau là được rồi.

May mắn thay Sales và người con trai James sống sốt, mặc dầu trường hợp y khoa của Sales rất hiểm nghèo: vỡ tử cung, phần trên bên trái, được giới y khoa nhìn nhận là “thảm họa” có thể tướt đi mạng sống. Sales không thể tưởng tượng nỗi sau cuộc giải phẫu này cuộc đời của mình sẽ ra sao. Bé James của cô có hề gì không? Bé trai hai tuổi Daniel ai sẽ trông lo nếu có mệnh hệ gì với cô? Bao nhiêu câu hỏi chạy trong đầu cô và một bộ óc tổ chức sẵn có như trước giờ đây tìm cách đối phó với sự mất dần kiểm soát của cuộc đời.

Sau đó, Sales khám phá rằng hai con trai của mình đều có căn bệnh hiểm nghèo cần nhập viện thường xuyên. James bị viêm màng não, trong khi Daniel bị rung rẩy chân tay mà vẫn cần tiếp tục chữa trị. Trong lúc các vấn đề này xảy ra thì cuộc hôn nhân của Sales với Phil Willis, một thầy giáo môn Toán, đổ vỡ. Gần 20 năm sống đa số hạnh phúc với nhau, năm 2016 họ đã ly thân. Trong vòng hai năm, Sales đã phải trãi qua những biến cố gây chấn thương như thế, trong khi mỗi ngày cô phải đè nén mọi cảm xúc của mình có để thực hiện các chương trình thời sự giá trị mà khán thính giả và mọi giới kỳ vọng ở cô. Nó đã ám ảnh Sales đến độ cô cảm thấy như gặp phải tin xấu hàng ngày, như các chương trình cô thực hiện cho 7:30 Report. Cô chia sẻ rằng cô cảm thấy như bị tông bởi xe bus, bị kéo lê lết, để sau đó bị tông bởi xe bus khác, rồi xe khác. Từ đó cô cảm thấy như không còn gì là an toàn nữa. Mọi sự, mọi trật tự trước đây trong cuộc sống của cô, như bị đảo lộn. Cô cứ hỏi chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp, điều gì sai trái sẽ xảy ra nữa, mà có thể còn tồi tệ hơn nữa!

Thắc mắc này đã làm cho Sales bắt đầu muốn tìm hiểu về chấn thương (trauma). Cô phỏng vấn các chuyên gia về chấn thương trong cuộc sống. Cô đọc các tài liệu nghiên cứu, phân tích dữ kiện và tìm hiểu xem xác suất một trong một triệu cơ hội chấn thương sẽ xảy ra cho một người ra sao. Không có nhiều kinh nghiệm, cô chỉ có hộp đồ nghề truyền thông của mình. Đối với cô, công việc chuyên môn thì dễ, trong khi đời sống thì khó khăn.

Sau các trãi nghiệm đau thương trên và tự đi tìm hiểu về cách đối phó với chấn thương của những người khác, Sales đã phỏng vấn nhiều người và đã viết thành tác phẩm “Bất Kỳ Ngày Thường” (Any Ordinary Day). Thoạt đầu Sales chỉ muốn tìm hiểu và không có ý định viết thành sách. Sales muốn nhìn thẳng vào vấn đề và tìm hiểu xem cô có thể học được gì từ những người đã trãi qua bi kịch trong cuộc sống, điều gì giúp họ vực dậy, và giới chuyên môn nhận định ra sao về điều này [3]. Từ những cảm nhận và lo lắng qua kinh nghiệm của mình, cô muốn đi tìm hiểu có phải một số niềm tin như “những điều tốt sẽ xảy ra với những người tốt”, hay “những điều tồi tệ đã đến với tôi rồi, bây giờ phải là lúc những điều tốt sẽ diễn ra”, hay “mọi thứ bây giờ chỉ có thể trở nên tốt hơn” v.v… có phải như thế không! Theo Sales thì không hẳn như thế, và đó là sự thật mà nhiều người cảm thấy khó chấp nhận.

Trước khi thực hiện, Sales không hề nghĩ đến một hiện tượng gọi là “sự phát triển hậu chấn thương” (post-traumatic growth). Nhưng cô ngạc nhiên khám phá rằng những người vượt qua được các chấn thương này cho biết sự đồng cảm, sức mạnh và tinh thần kiên trì của họ, những thay đổi tích cực đo lường được, thật sự gia tăng sau các chấn thương đến với họ. Theo cô thì có lẽ không ai muốn những biến cố đau thương đến với mình cả. Nếu có thể thì họ sẵn sàng đổi những gì có để không phải trãi nghiệm nó. Nhưng thực tế là nó xảy ra, là kinh nghiệm họ trãi qua, và họ tìm cách vượt qua và phát triển từ những đau thương này. Nhưng Sales cũng cho biết rằng lý do họ làm được điều này là vì tất cả những người cô phỏng vấn đều có cá tính và suy nghĩ tích cực. Họ có mạng lưới xã hội mạnh mẽ, có bạn bè và gia đình hỗ trợ. Họ có mục đích sống, tìm niềm đam mê trong các việc mình làm.

Về chính mình thì Sales cho biết cô sẽ không bao giờ còn cảm thấy an toàn như trước đây. Cô nhìn nhận rằng có lẽ cảm nhận an toàn trước đây là không thực tế. Cô cho rằng mình không có gì đặc biệt cả; cuộc sống đầy tình cờ, ngẫu nhiên; và không ai miễn nhiễm từ những điều tồi tệ xảy ra cho mình. Nhưng thực tế này không làm cho Sales bi quan, mà giúp cô trân quý mọi điều trong cuộc sống hàng ngày nhiều hơn. Nói cách khác, Sales sống với hiện tại, với những gì đang có, một sự giác ngộ và chánh niệm, nói theo giáo lý của đạo Phật. Nó làm cho cô kiên trì, sẵn sàng đối phó với các thử thách sẽ đến, mặc dầu không muốn và không thích, nhưng cô tin rằng mình có thể chấp nhận và đối phó với nó. Và những người cô phỏng vấn cũng có tinh thần như thế.

Vào tháng Bảy năm 2018, bố của Sales ông Dale Sales, đã vĩnh viễn ra đi. Cô đã diễn tả bố mình là “một người làm việc chăm chỉ nhất mà cô từng thấy, và là một ông ngoại và người kể chuyện hài hước huyền diệu…” [3]. Chương cuối của cuốn sách, Sales trình bày nỗi sợ phải mất cha hoặc mẹ mình. Và rồi điều đó cũng đến. Cô khóc thương và tiếc nuối người cha của mình. Việc viết sách của Sales làm cho cô hiểu hơn, một cách trí thức, về những cảm xúc của cô có và tại sao như thế. Cô không thể ngăn chặn các cảm xúc này. Tuy hiểu, nó không thể làm vơi đi nỗi đau của cô. Nhìn lại, cô cảm nhận rằng cuộc sống không phải hoàn toàn tốt, hay xấu. Ngay cả trong những khoảnh khoắc đau buồn, cô vẫn cảm nhận được tình người và những điều dễ thương xảy ra chung quanh mình. Những chấn thương trong đời để lại nét buồn trong cô, cái không có trước đây, điều mà bạn cô Sales, Annabel Crabb, nhận xét. Một trong những thay đổi lớn trong Sales là cô cảm thấy thoải mái hơn nếu không hoàn toàn chủ động được cuộc sống của mình.

Trong bài phát biểu trước nhóm học sinh lớp 9 mãn khóa để lên trung học, trong đó có con trai của mình, Tổng Chánh án Tòa Tối cao Hoa Kỳ, John Roberts, thay vì chúc những câu thông thường như nhiều người, ông đã cố tình chọn những gì thoạt nghe có vẻ sốc và ngược ngạo, như chúc các em gặp xui xẻo (bad luck) [5]. Bài diễn văn bất thường này được tán phát và có ảnh hưởng rộng rãi, được dịch sang tiếng Việt và có phụ đề trên Youtube.

Ông Roberts đề cao ba giá trị quan trọng. Một, tính kiên trì là sự thành công. Ông cho rằng sự tự tin không phải là vì bạn thành công trong tất cả những gì bạn làm, nhưng vì nhờ sự giúp đỡ của bạn mình, bạn đã không sợ mình thất bại. Nếu thất bại thì thử lần nữa, và lần nữa, và nếu vẫn thất bại thì đã đến lúc cần phải nghĩ làm một cái gì khác. Điều quan trọng không phải là sự thành công, mà là sự không sợ khi thất bại.

Hai, hãy tử tế với người khác, ngay cả với những người tầm thường, quét rác, dọn vệ sinh. Từng cử chỉ một, từng hành động nhỏ, như viết thư cho người khác ghi nhận sự trân quý của mình, mỗi tuần chỉ 10 phút thôi, sẽ thay đổi cuộc đời của các em.

Ba, thay vì chúc may mắn, ông chúc các em, trong đó có con mình, gặp xui xẻo. Bởi vì khi bị đối xử bất công, các em sẽ nhận diện được giá trị của công lý. Khi bị phản bội, các em sẽ nhận diện được giá trị của trung thành. Khi cô đơn, sẽ nhận diện được giá trị của tình bạn, và sẽ không coi là điều tất yếu. Ông chúc xui xẻo, bởi vì có những lúc trong cuộc sống, cơ hội là quan trọng, cho nên sự thành công của mình không phải hoàn toàn là mình xứng đáng, và sự thất bại của người khác cũng không hoàn toàn xứng đáng như thế. Khi thất bại, ông chúc cho đối thủ của các em sẽ hả hê, vì đó là cách để các em hiểu được thật sự giá trị của tinh thần thượng võ (sportsmanship). Ông mong các em sẽ có lúc bị bỏ bê, mặc kệ để hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe. Và ông hy vọng các em có đủ nỗi đau để học được lòng từ bi. Chính ông nhìn nhận rằng dù có chúc, có mong ước các điều này với các em hay không thì nó cũng diễn ra mà thôi. Các em có học được, có thấy lợi từ các điều trên hay không nằm ở khả năng thấy được thông điệp từ những đau thương này.

John Roberts rõ ràng hiểu được chân lý của cuộc sống. Leigh Sales đã hiểu được qua trãi nghiệm đau thương của mình. Lãnh đạo triết lý và tôn giáo như Đức Phật, Chúa Giêsu, hay các lãnh đạo chính trị nổi tiếng thế giới, từ Abraham Lincoln, Franklin Deleno Roosevelt, Mohatma Gandhi, cho đến Nelson Mendela, vân vân… đều cảm nhận nỗi bi kịch đến với mình hoặc/và dân tộc mình, và đã giải thoát được nỗi đau chung cho thế hệ mình bằng tình thương, tha thứ, tinh thần khiêm tốn và sự kiên trì với niềm tin son sắc. Đây là những giá trị đích thực để đem lại sức mạnh thực sự cho mỗi người và mỗi dân tộc. Những cá nhân và dân tộc nào tin tưởng và thực hiện các giá trị này đều trở nên mạnh mẽ, thành công, và nhất là không sơ thất bại.

Tháng Tư nhắc nhở nhiều tang thương cho người Việt Nam, mặc dầu có một bộ phận không nhỏ ăn mừng trên những đau thương này hơn bốn thập niên qua. Có thể nói hiếm có một dân tộc nào trãi qua quá nhiều tang thương, chiến tranh, chia rẽ và đổ nát toàn diện như dân tộc Việt Nam, trên hai ngàn năm qua. Người Việt sẽ dự tính làm gì để vượt qua sự chia rẽ và hận thù, điều chưa có dấu hiệu nào gia giảm, để dám mơ và thực hiện những ước mơ lớn hầu mở ra một vận mệnh mới cho toàn dân tộc!

(Úc Châu, 09/04/2019)

Tài liệu tham khảo:

1. Amanda Hooton, “Leigh Sales: 'It just started to feel like nothing was safe'”, The Sydney Morning Herald, 29 September 2018.

2. Gọi là Global Town Hall. Secretary Clinton Holds Global Town Hall, “Politics - what I see and what I do not understand”, Politics Down and Dirty Blogspot, 29 January 2013.

3. Bridget Delaney, “Leigh Sales on her year of horrors: ‘I want to look this right in the face’”, The Guardian, 1 October 2018.

4. Stephenie Bedo, “ABC journalist Leigh Sales’ father Dale remembered as one of the army’s greatest warriors”, News.com.au, 16 July 2018.

5. Katie Reilly, “'I Wish You Bad Luck.' Read Supreme Court Justice John Roberts' Unconventional Speech to His Son's Graduating Class”, Time, 5 July 2017.