Chánh án tòa tối cao Việt Nam khẳng định ‘không có án oan’

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình phát biểu trước Quốc hội hôm 6/11.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình khẳng định trước Quốc hội rằng ngành tư pháp của quốc gia Đông Nam Á đã xử lý đúng người đúng tội và không có ai bị kết án oan sai.

Ông Bình khẳng định điều này giữa lúc có hàng trăm người đang kêu gọi các lãnh đạo Việt Nam điều tra lại ba vụ án mà cả gia đình và công chúng đều cho là oan sai đối với các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh.

Trước Quốc hội hôm 6/11, ông Bình phát biểu rằng việc xét xử các vụ án hình sự ở Việt Nam “đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội”, theo Tin tức của TTXVN. Người đứng đầu ngành tòa án cho biết rằng không có “trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm” cho đến lúc này.

Điều này cũng đã được ông Bình khẳng định khi báo cáo Quốc hội và Chủ tịch nước về công tác của các tòa án năm 2023 hôm 15/10, trong đó ông nói rằng “chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội”.

Cả ba gia đình của các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh đều cho rằng họ bị kết án oan sai. Thân nhân của các tử tù này trong hơn 10 năm qua liên tiếp gửi thư kêu oan lên các lãnh đạo nhà nước và đến trước cửa các cơ quan công quyền để bày tỏ sự phản đối của họ. Ba ông Hải, Chưởng và Mạnh đều bị kết án tử hình vì bị cáo buộc giết người nhưng, trước tòa, họ đều nói họ phải “nhận tội” vì bị bức cung và nhục hình.

Đây là ba vụ án mà không những luật sư và công chúng trong nước mà cả các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng các nước phương Tây đều đã cho là có dấu hiệu oan sai và lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam dừng thi hành án để điều tra.

Bất chấp sự phản đối của hàng chục phái đoàn ngoại giao phương Tây ở Việt Nam, chính quyền trong nước đã xử tử ông Mạnh hôm 22/9 sau khi giam giữ ông trong hơn 18 năm. Hai tử tù còn lại, ông Hải và ông Chưởng, đang chờ ngày thi hành án và cũng đều bị giam giữ trong hơn 10 năm qua.

Với nỗ lực nhằm tránh cho các tử tù khác bị thi hành án khi đang còn kêu oan, hàng trăm người dân, cả trong và ngoài nước, đã ký vào một thỉnh nguyện thư để kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các cơ quan có thẩm quyền xem xét và điều tra lại các vụ án này.

Nói với VOA, Luật sư Trần Anh Tùng, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét rằng ông thấy “các chứng cứ buộc tội chưa rõ ràng” và “có nhiều vấn đề khúc mắc” trong các vụ án này nên cần có sự xem xét điều tra lại.

Theo LS Tùng, đây là những vụ án nổi cộm và còn có nhiều vụ án “bất cập” mà công chúng không được biết tới do “nền tư pháp không độc lập” của Việt Nam khiến việc xét xử bị ảnh hưởng bởi sự chủ quan của quan tòa.

Một số nhóm bảo vệ nhân quyền lâu nay cho rằng các tòa án của Việt Nam – chịu sự quản lý của nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, với các chánh án được chủ tịch nước bổ nhiệm và Quốc hội phê chuẩn – vẫn thường ra quyết định theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đảng.