Cát sẽ cạn ở Việt Nam trong 5 năm nữa

Khai thác cát trên sông Đồng Nai (Ảnh ATGT)

Chính quyền Việt Nam vừa cho biết 5 năm nữa sẽ cạn kiệt cát tự nhiên do bị khai thác quá mức, buộc họ phải tìm cách sản xuất cát xay.

Báo Straits Times hôm 25/10 dẫn lời Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải Việt Nam nói chỉ 5 năm nữa thôi Việt Nam sẽ cạn kiệt nguồn cát tự nhiên do cát sông bị khai thác quá mức.

Viện này nói mỗi năm cả nước hiện cần khoảng 100 triệu m3 cát để làm bêtông.

Cũng theo viện này, cát xay công nghiệp bằng cách nghiền các loại đá tự nhiên dùng chế tạo bêtông nhựa và bêtông ximăng cho các công trình xây dựng, có giá thành rẻ hơn 10-15% so với cát tự nhiên.

Báo Tuổi trẻ nói trong 4 đến 6 tháng qua, giá cát tự nhiên đã tăng vọt đến 200% nhưng không có dấu hiệu dừng, sau khi chính quyền địa phương các tỉnh miền Nam ra tay xử lý nạn khai thác cát trái phép.

Ông Nguyễn Thành Nam, giám đốc điều hành dự án xa lộ Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - CII, cho biết hiện nay công trình thi công dự án nâng cấp và mở rộng xa lộ Hà Nội tại quận Thủ Đức đang gặp khó khăn do giá cát tăng gần gấp đôi so với trước vì cát khan hiếm.

"Do đó, đề nghị các nơi nghiên cứu cung cấp thông tin cụ thể để đơn vị đặt hàng. Nếu đạt yêu cầu, chúng tôi sẽ sử dụng cát xay đưa vào sử dụng trong công trình lát vỉa hè hai bên xa lộ Hà Nội," ông Nguyễn Thành Nam nói.

Báo Tuổi trẻ nói Bộ Xây dựng khẳng định Việt Nam đã cấm xuất khẩu cát xây dựng từ năm 2009. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét tại các cửa sông, cảng biển thời gian qua được thực hiện theo một thông báo năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình từng khẳng định có biểu hiện lợi ích nhóm bao che cho “cát tặc” khi tình trạng “cát tặc” ở các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp… vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát, theo báo Thanh Niên.

Trước nguy cơ cạn kiệt cát tự nhiên, vào tháng 9 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã ra lệnh ngừng xuất khẩu cát.