Căn cước – một kiểu ‘trở về’ vạch xuất phát!

(Hình: screenshot from tuoitre.vn)

Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hoặc liệt kê, hoặc chuyền cho nhau xem quá trình thay tên, đổi họ của loại giấy tờ tùy thân mới được quyết định đổi tên: Thời thuộc Pháp gọi là THẺ CĂN CƯỚC.

Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa nhất trí thông qua “Dự luật sửa đổi Luật Căn cước công dân”. Theo đó, luật liên quan đến loại giấy tờ tùy thân quan trọng nhất và phổ biến nhất tại Việt Nam sẽ mang tên mới là “Luật Căn cước(1) và “Thẻ căn cước” sẽ thay thế cho “Thẻ Căn cước công dân” được cấp phát từ 1/1/2016. Sự kiện này đã gây ra một trận bão dư luận trên mạng xã hội.

Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hoặc liệt kê, hoặc chuyền cho nhau xem quá trình thay tên, đổi họ của loại giấy tờ tùy thân mới được quyết định đổi tên: Thời thuộc Pháp gọi là THẺ CĂN CƯỚC. Đến 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) ra lệnh đổi thành THẺ CÔNG DÂN. Đến 1947, cũng Việt Nam DCCH ra lệnh đổi tên gọi thêm một lần nữa thành GIẤY CHỨNG MINH. Đến 1964, cũng Việt Nam DCCH quyết định đổi cách gọi thêm một lần nữa thành GIẤY CHỨNG MINH/ GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC. Năm 1976 – sau khi đất nước thống nhất, Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định phải gọi đó là GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN (CMND). Năm 1999, cũng Cộng hòa XHCN Việt Nam tạo ra CHỨNG MINH NHÂN DÂN 9 số. Năm 2012, cũng Cộng hòa XHCN Việt Nam tạo ra CMND 12 số. Năm 2012, cũng Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định phải gọi loại giấy tờ tùy thân này là THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN. Sắp tới, Cộng hòa XHCN Việt Nam yêu cầu gọi loại giấy tờ tùy thân ấy là THẺ CĂN CƯỚC (2).

Có người như Nguyễn Phan nhận xét: Thẻ căn cước” đã trở về “thẻ căn cước” sau gần nửa thế kỷ lưu lạc. Có ai để ý từ lâu “trực thăng” đã không còn là “máy bay lên thẳng”, “lính thủy đánh bộ” cũng đã trở về với “thủy quân lục chiến”. Còn tên lửa, tàu sân bay thì chưa trở về với hỏa tiễn và hàng không mẫu hạm (4).

Cũng có người như ông Mạc Văn Trang xem “Thẻ căn cước” là sự kiện vừa bi, vừa hài. Theo ông Trang: Chuyện về tên gọi loại giấy tờ tùy thân này không phải là chuyện nhỏ, nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý nhà nước. Từ ngày “cách mạng” đến nay, mọi thứ vận động theo quy luật “đèn cù”, chạy tít mù nhưng sau khi quay vòng thì quay về lại chỗ ban đầu. Ông Trang lưu ý: Miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH) không có những thay đổi này nên “thẻ căn cước” thời thuộc Pháp vẫn là “thẻ căn cước”. Chỉ với “cách mạng”, “thẻ căn cước” mới chạy lòng vòng và sau gần một thế kỷ mới “trả lại tên cho em”! Ông Trang cho rằng: Dù sao cũng có cái vui - những gì người Pháp hay VNCH đã dùng mà thấy đúng, thấy tốt thì nay cứ lấy mà dùng, đừng “tự ái cách mạng”, đừng “sợ mất lập trường” nữa. Chấp nhận việc này Quốc hội tỏ ra có tiến bộ. Nhân chuyện này, ông Trang đề nghị nên dùng triết lý giáo dục của VNCH - “DÂN TỘC, NHÂN BẢN, KHAI PHÓNG” chứ không thì mấy ông Bộ trưởng giáo dục cứ ấp úng - “Triết lý giáo dục là Nghị quyết của Đảng”. Ông Trang cũng cho rằng: Quốc hội nên mau quay lại thực hiện Hiến pháp 1946 của Việt Nam DCCH cho hợp lý, hợp tình, hay mạnh dạn hơn, tiến tới tham khảo dùng Hiến pháp VNCH, khỏi phải đi lòng vòng! Người Việt dùng cái của người Việt sao lại e ngại mà đi sao chép của Tây, của Tàu? Lạ thật đấy (5)!

Nguyễn Thông thì so sánh chuyện ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội từng khẳng định, tên gọi thẻ tùy thân phải là “căn cước công dân” mới đầy đủ và hợp lý, không thể thay đổi, với chuyện Quốc hội vừa đổi “căn cước công dân” thành “căn cước” và bình: Một việc nhỏ con con, đơn giản, dễ làm mà phải mất bao nhiêu công phu, thời gian, tiền bạc, thậm chí mất đoàn kết, để “thành công tốt đẹp”, chứng tỏ bộ máy thượng tầng rất rảnh, thái vô tích (vô tích sự), kém hiệu quả.

Ông Thông nói thêm: Trong dân chúng có không ít người cười, bảo rằng cuối cùng lại bắt chước chính thể VNCH, thực ra không hẳn vậy. Họ bắt chước chính họ. Chính cái bộ máy của chế độ này cách nay hơn 50 năm (nửa thế kỷ) đã từng gọi thẻ ấy là “căn cước”. Đang yên đang lành, tự dưng phát huy trí tuệ sáng suốt, đổ đốn tư duy, đổi nó thành chứng minh thư, CMND, giấy CMND, CCCD, rất rắc rối, đèn cù, lằng nhằng dây điện... Cần nói thêm, theo luật mới vừa được Quốc hội thông qua, “những căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ“. Vậy tôi hỏi các bác công an và tất cả các bác chức việc nhà nước kính mến: CCCD gắn chip của tôi ở mục “Có giá trị đến – Date of expiry” ghi rõ là “Không thời hạn”, vậy tôi cứ tuân chỉ, làm theo luật mới thì có... vi phạm pháp luật không? Hàng triệu người đã được cấp căn cước có giá trị vĩnh viễn (không thời hạn), vậy mà ra cái luật, thông qua cái luật cũng không nên hồn (6).

***

Rất nhiều người bận tâm như Bị Cạo Râu: Tốn quá nhiều tiền và quá nhiều thời gian để có được cái tên - (thẻ) Căn cước. Chỉ cách đây vài năm, người ta đã không suy nghĩ kỹ khi đổi tên CMND thành CCCD rồi nhanh chóng bỏ đi hai chữ Công dân như quyết định hôm nay của Quốc hội. Mỗi lần thay đổi là tốn kém, là phiền hà. Một việc rất nhỏ, đã bộc lộ tư duy ốm yếu, chậm chạp và không ổn định của bộ máy cầm quyền, gây hại cho ngân sách và phiền phức cho dân. Vấn đề nhạy cảm là, vì việc này họ bị công chúng mang ra làm trò cười, lại chuốc thêm tổn thất uy tín (7). Cũng vì những băn khoăn ấy, Bộ Công an nhiều lần khẳng định: Đổi CCCD thành CC không phát sinh chi phí (8)!

Muốn biết Bộ Công an nói thiệt hay nói ngoa thì hãy tham khảo ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng trên tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 29/11/2023: ...Luật Căn cước công dân cuối cùng đã được Quốc hội chấp nhận đổi tên thành Luật Căn cước sau khi cơ quan soạn thảo giải trình được là thay đổi này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Tuy nhiên, khi luật pháp được ban hành mới, hoặc được sửa đổi thì chi phí tuân thủ có nhiều khả năng sẽ phát sinh. Nếu mức chi phí phát sinh nhỏ hơn lợi ích mà các chính sách lập pháp mới mang lại thì điều kiện kinh doanh và đời sống của người dân được cải thiện. Ngược lại, mọi việc sẽ đi thụt lùi và khó khăn hơn.

Chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội bao gồm chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và chi phí tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước. Chi phí này thông thường rất lớn. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội chiếm trung bình 10% GDP ở các nước phát triển và 15% GDP ở các nước đang phát triển. Nước ta chưa có số liệu chính thức về chi phí tuân thủ pháp luật của mình. Tuy nhiên, nếu mức chi phí này chiếm 15% GDP như các nước đang phát triển khác thì đó là 435 tỉ USD (GDP ước tính cho năm 2023) x 15% bằng 65,25 tỉ USD hay 1,566 triệu tỉ đồng. Một con số khổng lồ! Vấn đề là với chất lượng chưa cao và với sự chồng chéo, trùng lặp của các văn bản pháp luật như hiện nay, chi phí tuân thủ pháp luật của nước ta có thật sự là 15% GDP không hay là cao hơn (9)?

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/chinh-thuc-doi-ten-the-can-cuoc-cong-dan-thanh-the-can-cuoc-20231127090811785.htm

(2) https://www.facebook.com/ho.huy.589/posts/pfbid034WW43RXYR7XSVKsMyeEGhw2c3AkDykyNEK3h2D7eCPaKnbR2EkY7qzaqLXHXBx7gl

(3) https://www.facebook.com/DamHaPhu/posts/pfbid02ZFVA5QLiKbj1dguV5PBYgBMMv4qpxRpNqX1Axc8JR3McSAF2UWeEEPVGhNALgUTHl

(4) https://www.facebook.com/phan.nguyen.355/posts/pfbid0VGWPUkLSQwrm3osRdDzhSpz8nCcyLVkWHEryxfc8Mex3JAud15EfdhkYXihPZVL8l

(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0TR3YoKgCu1MUgXJXiB8gCkMftLUect8zYp4cBL6jSY6xHRcU8PvpWcuASgDfGUB6l&id=100013518285955

(6) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0JGijuAgcjSsZ6EMd6rN2MNZANE4g4BtcvEfxyfsZoXYhemoSJtoX5mqU5i9KDLXYl&id=100024722048900

(7) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0uEkc1wkYPvaSzsBmqEDM548eKrhkxc2iPexEKLzbiNn5egCDyqNSxTVs4xVTEfssl&id=100074280347667

(8) https://dantri.com.vn/xa-hoi/doi-ten-can-cuoc-cong-dan-thanh-can-cuoc-khong-phat-sinh-thu-tuc-20231024230728417.htm

(9) https://tuoitre.vn/chi-phi-tuan-thu-phap-luat-20231129090604942.htm