Bộ Ngoại giao Campuchia vừa gửi công hàm ngoại giao tới Đại sứ quán Việt Nam để yêu cầu dỡ bỏ các lán trại biên phòng đã dựng trong khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước, Khmer Times cho biết hôm 21/5.
Các lán trại mà Campuchia đề cập đến là các chốt kiểm soát mà biên phòng Việt Nam dựng lên gần đây để “thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, theo truyền thông Việt Nam.
Việt Nam bắt đầu áp dụng lệnh tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới theo cửa khẩu và đường mòn, lối mở với Campuchia kể từ đầu tháng 4. Hàng loạt các chốt kiểm soát đã được dựng lên dọc theo biên giới hai nước để kiểm soát người qua lại giữa hai nước.
Cuối tháng trước, Campuchia đã yêu cầu Việt Nam dỡ bỏ các chốt kiểm soát trong “khu vực trắng”, tức khu vực tranh chấp chưa được phân định biên giới chính thức giữa hai nước, sát biên giới tỉnh An Giang của Việt Nam với tỉnh Kandal của Campuchia, sau khi giới hữu trách Campuchia phát hiện nhiều lán trại của Việt Nam nằm trong khu vực tranh chấp.
Sau cuộc hội đàm ở cấp tỉnh, biên phòng Việt Nam cho biết sẽ gỡ các lán trại. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có 3 lán được dỡ bỏ, còn lại 28 lán vẫn tồn tại trong khu vực này, theo Khmer Times.
“Chính phủ (Campuchia) đã gửi công hàm ngoại giao cho chính phủ Việt Nam vào ngày 13/5”, Khmer Times dẫn lời ông Var Kimhong, Chủ tịch Uỷ ban Biên giới Campuchia cho biết.
Quan chức Campuchia cho hay nội dung công hàm yêu cầu Việt Nam dỡ bỏ tất cả các lán trại.
Trung tướng Leang Phearom, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biên phòng Campuchia nói chủ trương của Campuchia là “cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình với các nước láng giềng, không sử dụng vũ lực để tránh tạo ra căng thẳng”, bao gồm “giữ bình tĩnh trong mọi tình huống và tiến hành đàm phán”.
Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới dài 1.270 km. Sau nhiều vụ đụng độ ở biên giới, hai bên đã thúc đẩy tiến hành phân định ranh giới trong những năm gần đây.
Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đã ký các văn bản phê chuẩn 84% công việc phân định biên giới hoàn thành giữa hai quốc gia.
Hiện Bộ Ngoại giao của cả hai nước đều chưa lên tiếng bình luận gì về công hàm ngoại giao Campuchia gửi cho Việt Nam.