Nhà chức trách Campuchia trục xuất 231 công dân Việt Nam kể từ đầu tháng 3 đến nay, báo Khmer Times của nước này đưa tin hôm 22/4. Diễn biến này gắn với việc Ban Điều tra và Thực thi Pháp luật thuộc Tổng cục Xuất nhập cảnh Campuchia tiến hành điều tra và trấn áp những kẻ lừa đảo trên mạng.
Theo đó, hôm 5/4, cảnh sát triệt phá nhóm lừa đảo trên mạng trú tại một khách sạn ở làng Pou Theong, xã Bet Trang thuộc huyện Prey Nop, tỉnh Preah Sihanouk. Trong hoạt động này, cảnh sát bắt giữ 88 công dân Việt, bản tin của Khmer Times viết.
Vào ngày 27/3, cảnh sát bắt 35 công dân Việt khi trấn áp nhóm lừa đảo trên mạng ở Khu nghỉ dưỡng ven biển Thmar Yak, xã Tumnob Rolok, huyện Stung Hav, cũng thuộc tỉnh Preah Sihanouk.
Ngoài 123 người Việt kể trên, vẫn Khmer Times cho hay rằng hôm 12/3, 108 người Việt dính líu vào lừa đảo trên mạng tại một sòng bạc đã bị trục xuất qua cửa khẩu quốc tế Prek Chak gần Hà Tiên của Việt Nam.
Tờ báo Campuchia dẫn lời ông Touch Sokhak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ, nói rằng “Để triệt phát nạn lừa đảo trên mạng ở đất nước chúng ta, chúng tôi có biện pháp là điều tra và sau đó trấn áp. Chúng tôi không phân biệt bọn họ là ai. Nếu các cá nhân phạm tội hình sự ở Campuchia, bọn họ bị bắt giữ và bị trục xuất về đất nước của họ”.
Ông Sokhak nói rằng có một số vụ được người dân bình thường và các nạn nhân trình báo nhưng trong những vụ mới này, chiến dịch điều tra được các chuyên gia lão luyện thực hiện.
Người phát ngôn này lưu ý rằng nạn lừa đảo trên mạng là trái pháp luật và đã lan rộng tới nhiều nước chứ không chỉ riêng Campuchia. Theo ông, cảnh sát muốn gửi thông điệp tới bọn tội phạm thực hiện lừa đảo trên mạng ở Campuchia rằng bọn chúng sẽ đối mặt với toàn bộ sức mạnh của pháp luật khi chúng bị bắt.
Về phía Việt Nam, các trang tin tức bao gồm VnExpress và Dân Trí cho hay hồi ngày 12 và 14/3 rằng Việt Nam tiếp nhận hơn 100 công dân bị Campuchia bắt và trục xuất với cáo buộc “đánh bạc” và 15 công dân “bị lừa, bị cưỡng bức lao động ở Campuchia”.
Báo chí Việt Nam chưa đưa tin về số người Việt bị Campuchia bắt và trục xuất trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến nay, theo quan sát của VOA.
Các báo trong nước dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đưa ra khuyến cáo hôm 14/3 rằng công dân cần cảnh giác với lời mời làm việc nhẹ lương cao ở Campuchia.
"Công dân cần tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm làm việc, thân nhân người giới thiệu, chế độ, quyền lợi được hưởng để có quyết định đúng đắn trước khi ra làm việc ở nước ngoài", người phát ngôn nói.