Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để mượn các bản đồ gốc của nước này nhằm giúp xác lập đường biên giới giữa Campuchia và Việt Nam.
Các giới chức cho hay thủ tướng Hun Sen đã gửi thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hồi khuya thứ hai, đề nghị mượn các bản đồ của LHQ, mà Campuchia đã nộp vào năm 1964, nhằm xoa dịu “tinh thần dân tộc cực đoan và ý đồ xấu” từ phía công luận “bối rối.”
Nữ phát ngôn viên LHQ Eri Kaneko xác nhận rằng ông Ban đã nhận được bức thư vừa kể và cho biết “đang cứu xét thư.”
Lời yêu cầu được đưa ra tiếp theo một vụ xung đột giữa những người hoạt động đối lập và nhân viên an ninh Việt Nam hồi tháng trước ở gần biên giới trong tỉnh Svay Rieng. Có ít nhất 10 người bị thương trong vụ xung đột khi các giới chức đối lập Campuchia dẫn đầu một phái đoàn đi điều tra việc Việt Nam xâm phạm biên giới theo lời tố giác.
Nhà lập pháp của đảng Cứu nguy Dân tộc Um Sam An, nằm trong số những người bị thương trong vụ xô xát ở biên giới hồi tháng trước, đã ca ngợi lời yêu cầu của ông Hun Sen. Nhưng ông nói lẽ ra phải có lời yêu cầu đó từ lâu rồi. Lời yêu cầu “có nghĩa là bản đồ đang được sử dụng không được chính xác.”
Ông thúc giục chính phủ thành lập một ủy ban lưỡng đảng để cùng với các chuyên gia lập bản đồ của Liên Hiệp Quốc xử lý vấn đề cắm mốc, phân định biên giới với Việt Nam.
Phát ngôn viên của chính phủ Phay Siphan nói rằng yêu cầu của ông Hun Sen nhằm mục đích giúp không làm rối loạn thông tin trong công chúng, nhưng nói thêm rằng việc thành lập một ủy ban lưỡng đảng là điều không thể xảy ra. Ông nói rằng việc phân định, cắm mốc biên giới là trách nhiệm của chính phủ chứ không phải là của các đảng phái chính trị.
Bản đồ mà Campuchia hiện sử dụng trong khi đàm phán về biên giới với Việt Nam gây nhiều tranh cãi, cũng giống như bất kỳ các cuộc thương thảo nào giữa hai nước về biên giới mà đôi chỗ vẫn còn chưa phân định xong dù đã có nhiều năm đàm phán.
Hai bên khai mạc 3 ngày đàm phán về biên giới ở Phnom Penh hôm qua, nhưng tin cho hay, chưa đạt được tiến bộ nào.
Trưởng phái đoàn Campuchia, ông Var Kimhong, nói rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thảo luận.
Your browser doesn’t support HTML5