Hoa Kỳ ngưng ủng hộ bầu cử tại Campuchia và hứa sẽ có “những bước cụ thể” trong khi Liên hiệp Châu Âu đe dọa bãi bỏ ưu đãi mậu dịch dành cho Campuchia sau khi đảng đối lập chính ở nước này bị giải thể.
Tuy nhiên Trung Quốc cho biết ủng hộ việc Campuchia đi theo đường lối riêng của mình, không chỉ trích chính phủ do cựu chỉ huy Khmer Đỏ lãnh đạo. Ông Hun Sen là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Bắc Kinh tại Đông Nam Á sau hơn 3 thập niên cầm quyền.
Đảng Cứu quốc Campuchia đã bị giải thể theo phán quyết của Tối cao Pháp viện do yêu cầu của chính phủ, tiếp theo việc bắt giữ các nhà lãnh đạo đảng của này về tội phản quốc. Ông Kem Sokha bị cáo buộc âm mưu chiếm quyền với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Những người chỉ trích ông Hun Sen gọi việc giải thể Đảng Cứu quốc Campuchia là một nỗ lực ‘trấn lột’ bầu cử và là hồi chuông khai tử nền dân chủ Campuchia. Các nước cấp viện phương Tây đã chi cho Campuchia hàng tỉ đô la kể từ năm 1993 để xây dựng một hệ thống đa đảng sau nhiều thập niên chiến tranh.
“Theo tình hình hiện nay, cuộc bầu cử năm tới sẽ không thể nào hợp pháp, tự do và công bằng,” một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói, và hứa sẽ có “những bước cụ thể.”
Bước đầu tiên là chấm dứt hỗ trợ cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia trước cuộc bầu cử năm 2018, tuyên bố nói. Vào tháng 4 năm nay, Tòa đại sứ Hoa Kỳ loan báo cấp 1,8 triệu đô la để giúp các cuộc bầu cử địa phương trong năm 2017 và cuộc tổng tuyển cử năm tới.
Tại Brussels, phát ngôn viên EU cho biết cuộc bầu cử không thể nào hợp pháp mà không có đối lập và nói là tôn trọng nhân quyền là điều kiện tiên quyết để Campuchia được hưởng ưu đãi mậu dịch của EU dưới điều khoản “Được ưu đãi tất cả trừ buôn bán vũ khí.”
Điều khoản này, miễn thuế quan và tương tự như ưu đãi mậu dịch tại Mỹ đã giúp Campuchia xây dựng được một ngành may mặc với chi phí lao động thấp.
Thị trường EU và Mỹ chiếm 60% hàng xuất khẩu của Campuchia.
Trong một động thái biểu tượng, Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết kêu gọi Bộ Tài chánh và Bộ Ngoại giao cứu xét việc đặt các giới chức Campuchia lạm dụng quyền hành vào một danh sách theo dõi để phong tỏa tài sản và cấm du hành.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo là Trung Quốc ủng hộ Campuchia theo đuổi con đường phát triển riêng. Cho tới nay Trung Quốc là nhà cấp viện lớn nhất đối với Campuchia và cũng là nhà đầu tư lớn nhất.
Ông Hun Sen đang trong cuộc khẩu chiến ngày càng gay gắt với tòa đại sứ Mỹ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc đàn áp những người chỉ trích, nhưng vào cuối tuần đã chụp ảnh với Tổng thống Donald Trump tại một hội nghị thượng đỉnh và ca ngợi chính sách bất can thiệp của ông.
Việc đe dọa hành động đến từ Tòa Bạch Ốc nặng ký hơn những tuyên bố trước đây của Bộ Ngoại giao kêu gọi trả tự do cho Kem Sokha.
Cho tới nay các nước phương Tây chứng tỏ ít quan tâm đến chế tài và phe đối lập cũng tránh kêu gọi hạn chế xuất khẩu hàng may mặc vì hàng ngàn công nhân Campuchia dựa vào mặt hàng này.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia hiện nay nói họ ủng hộ một số chế tài.
Chưa có những cuộc biểu tình nào về việc giải thể đảng đối lập và nhiều người tại thủ đô Phnom Penh nói họ sợ không dám lên tiếng phản đối.