Kampuchea được một tiếng tăm mà không ai thèm muốn, đó là một trong những nước có nhiều mìn nhất thế giới, do đó, tin tức cho biết hồi năm ngoái số người chết và bị thương do đạp mìn và chất nổ giảm 10% rất được hoan nghênh.
Ông Chhiv Lim là trưởng văn phòng chuyên thu thập thống kê về số thương vong do mìn tại Kampuchea. Ông nói hơn 63 ngàn người đã chết hoặc bị thương vì mìn và chất nổ kể từ khi Khmer Đỏ bị lật đổ vào năm 1979.
Ông Lim nói: “Kể từ năm 1979 cho tới năm 2000 số thương vong còn cao vì trong thời gian đó tại Kampuchea xảy ra nội chiến, từ năm 2000 tới 2005 số thương vong vẫn còn 800 mỗi năm. Nhưng kể từ năm 2006 cho tới nay số thương vong đã giảm nhiều và đó là tin mừng cho Kampuchea.”
Ông Chhiv Lim nói năm ngoái tại Kampuchea chỉ có 243 người chết hoặc bị thương do mìn và chất nổ còn sót lại, giảm so với con số 271 của năm trước.
Tin vui đó là nhờ chương trình gỡ mìn của Kampuchea đã sử dụng những đội ngũ gỡ mìn của chính phủ cũng như các nhóm tư nhân quốc tế, như Halo Trust và Nhóm Cố Vấn về Mìn, gọi tắt là MAG.
Những cố gắng nhằm giáo dục mọi người về sự nguy hiểm do mìn và chất nổ gây ra cũng giúp ích cho việc giảm bớt thương tật.
Ông Jamie Franklin là người đứng đầu nhóm MAG tại nước này. Theo ông, sự phối hợp tốt hơn, cùng với những phương pháp gỡ mìn được cải thiện qua 2 thập niên vừa qua cũng giúp giảm số nạn nhân.
Ông Franklin nhận định: “Và tôi nghĩ rằng việc gỡ mìn đang được xúc tiến và tăng cường trong 10 năm qua, cộng với việc giáo dục về cảnh giác, cộng với nhận thức rõ rệt của công chúng đã góp phần làm giảm mức thương vong hàng năm.”
Vẫn theo ông Franklin, nền hòa bình và ổn định mà Kampuchea được hưởng từ sau khi cuộc nội chiến chấm dứt cũng góp phần giảm bớt hiểm họa.
Một phần ba số thương vong do mìn và chất nổ là trẻ em, phần lớn trẻ em trai. Ông Lim cho biết những cuộc nghiên cứu cho thấy đàn ông con trai thường hay tò mò với chất nổ hơn là phụ nữ.
Ông Lim cho biết: “Nhiều em trai cũng tỏ ra hiểu biết, chúng biết rằng không nên chơi với chất nổ. Nhưng một số vẫn thích chơi dại như vậy.”
Điều đó nói lên tầm quan trọng của giáo dục để giảm bớt thương vong do mìn.
Tuy vậy gỡ mìn cũng vẫn là công việc chính, và công việc này phải tiến hành chậm chạp, nguy hiểm và tốn kém. Ông Franklin cho biết 15 nhóm gỡ mìn của MAG đã mất cả năm mà chỉ gỡ được mìn trong 3 kilomet vuông, với phí tổn lên tới 3 triệu đôla.
Chính phủ Kampuchea nói hãy còn hơn 600 kilomet vuông còn đầy mìn. Kampuchea đã ký thỏa ước quốc tế giải quyết các loại mìn chôn, và dự kiến phải gỡ tất cả mìn chôn dưới đất cho tới cuối năm.
Với mức độ trầm trọng của vấn đề, điều này không thể nào thực hiện được, và nước này được cho thêm 10 năm để gỡ mìn. Tuy vậy, chưa chắc họ đã đáp ứng nổi thời hạn 2019.
Ngoài ra, việc tài trợ cho công cuộc gỡ mìn cũng bị giảm, vì các nước và tổ chức hảo tâm chuyển ưu tiên sang lãnh vực khác. Như vậy, khi tiền ít hơn, dân số gia tăng nhiều hơn, thì số thương vong cũng gia tăng.
Ông Franklin nói: “Khi hoạt động gỡ mìn không được tài trợ hoặc giảm bớt, số thương vong sẽ không bớt, hoặc tiến bộ khả quan về mức thương vong trong 15, 17 năm qua sẽ bị đảo ngược hẳn lại.”
Các chuyên gia về gỡ mìn cho biết, nếu những đơn vị hảo tâm cắt tài trợ, Kampuchea sẽ không thể nào đáp ứng kịp kỳ hạn đến năm 2019 phải bảo vệ an toàn cho nhân dân mình khỏi bị trúng mìn.
Số thương vong tại Kampuchea vì bị trúng mìn và chất nổ do nhiều chục năm xung đột để lại đang giảm xuống đều đặn. Nhưng việc cắt giảm tài trợ để gỡ mìn có thể đảo ngược chiều hướng vừa nói.