Bản phúc trình của Hội Ân xá Quốc tế kể lại câu chuyện của 5 người phụ nữ ở khắp Kampuchea đã phải hứng chịu các vụ cưỡng bách dời cư.
Tổ chức nhân quyền này nói chính phủ Kampuchea làm lơ trước các nghĩa vụ quốc tế qua hành động xúc tiến các vụ cưỡng bách dời cư, và nói rằng Phnom Penh có nguy cơ đảo ngược các thắng lợi mà họ đã đạt được một cách cực nhọc trong công tác giảm nghèo từ 20 năm nay.
Bà Donna Guest, phó giám đốc Hội Ân Xá Quốc tế trong khu châu Á Thái Bình Dương, nói:
“Hội Ân Xá Quốc tế đã từng kêu gọi chấm dứt các vụ cưỡng bách dời cư từ nhiều năm nay rồi. Chúng tôi đã ghi nhận chi tiết rất rõ ràng, và dĩ nhiên là xã hội dân sự sống động ở Kampuchea cũng đã ghi nhận và báo cáo về việc này, mà theo luật quốc tế là bất hợp pháp.”
Bà Guest nói Hội Ân xá Quốc tế muốn tập trung chú ý vào phụ nữ và kể các câu chuyện của những người phụ nữ này trong tư cách là những người bênh vực nhân quyền, trong tư cách các bà mẹ và các bà vợ. Bà nói tiếp:
“Và làm như thế này để trình bày gương mặt nhân đạo hơn - rằng những người này không phải chỉ là những con số thống kê, những người này có đời sống thực. Những người này đã phải chịu đựng các hậu quả rất tai hại – một số đã mất nhà cửa, mất tất cả của cải, gia đình bị phân ly. Đó là lý do vì sao chúng tôi có mặt ở đây - là để trình bày khuôn mặt của con người.”
Khi công bố bản phúc trình, bà Guest đứng cạnh 3 phụ nữ Kampuchea đã bị đuổi nhà.
Một trong các phụ nữ này, tên la Hong Mai, đã bị đuổi ra khỏi nhà ở tây bắc Kampuchea cách đây 2 năm để nhường chỗ cho một xưởng làm đường dành cho một thượng nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền.
Bà nói giới hữu trách có vũ trang đã phá nhà bà và tất cả của cải của bà khi họ đốt sạch làng và đuổi cư dân ra khỏi nhà.
Bà Hong Mai lúc đó đang có thai 5 tháng, nhưng vài ngày sau bà vẫn đi đến thủ đô để cầu sự giúp đỡ của Thủ tướng Hun Sen, thì bà bị cáo buộc là vi phạm Luật về Rừng và bị bỏ tù.
8 tháng sau, bà được thả sau khi ký một giấy ưng thuận rút đơn đòi lại đất.
Bà Hong Mai đã không gặp chồng kể từ khi lúc đó, và bà cùng 5 đứa con nhỏ đã cùng kiệt.
Bà muốn giới tiêu thụ ở Liên hiệp châu Âu tẩy chay đường mía của Kampuchea bởi vì, theo bà, “nó được làm bằng đất đai, đời sống và máu” của những người đã bị đuổi ra khỏi mảnh đất của mình.
Bà Guest nói Hội Ân xá Quốc tế không theo một lập trường nào về những vấn đề như chế tài, nhưng tổ chức này rất kiên quyết cho rằng không nên thực hiện việc phát triển bất kể nhân quyền.
Và trong tư cách một tổ chức có cơ sở ở châu Âu, nhân viên của Hội sẽ tiếp tục gặp các nhà lập chính sách ở Brussels và các nước Âu châu khác. Bà nói:
“Chúng tôi sẽ yêu cầu các nước thành viên của chúng tôi ở châu Âu - là những nước rất tích cực về vấn đề này - kêu gọi các đại biểu quốc hội, đồng thời nâng cao nhận thức. Tôi nghĩ một phần trong bất kỳ sách lược tranh đấu nào cũng phải là nâng cao nhận thức để mọi người biết rõ những gì đang xảy ra. Rất nhiều người không biết gì về tình hình ở Kampuchea và bản phúc trình hôm nay là một cố gắng để nêu bật vấn đề, gợi sự chú ý của quốc tế, kể cả các nước EU.”
Trọng tâm chú ý của Hội Ân xá Quốc tế nhắm vào phụ nữ và quyền sở hữu đất đai đã được nêu bật một cách tuyệt vọng khi một nhà hoạt động nổi tiếng về quyền sở hữu đất tại địa điểm Boeung Kak bị buộc dời cư tại trung tâm Phnom Penh tự vẫn trong tuần này.
Bà Chea Dara, mẹ của hai em nhỏ, đã nhẩy qua cầu tự tử hôm thứ ba, nghe nói sau khi gia đình bà bị từ chối không được sở hữu đất tại một địa điểm cạnh hồ sau một cuộc tranh đấu kéo dài 5 năm.
Tại buổi lễ công bố bản phúc trình của Hội Ân xá Quốc tế, những người cùng tranh đấu với bà Chea Dara đã mặc áo đen để tưởng niệm bà.
Hội Ân xá Quốc tế hôm nay kêu gọi chính phủ Kampuchea ngưng một đợt cưỡng bách dân chúng dời cư có ảnh hưởng đến hàng ngàn người, một vấn đề không có dấu hiệu được giải quyết. Tổ chức này nói phụ nữ ngày càng tự ý ra đứng đầu cuộc tranh đấu đòi quyền sở hữu đất đai.