Một nhân vật đào tị cấp cao Bắc Hàn nói với Ban Tiếng Hàn-VOA rằng những nỗ lực nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Hàn, đang làm lung lay đất nước nghèo khó này, và nếu được tiếp tục, rốt cuộc có thể gây bất ổn cho chế độ của Kim Jong Un.
Trong cuộc phỏng vấn công khai đầu tiên kể từ khi ông đào tị hồi cuối năm 2014, ông Ri Jong Ho nói:
"Các biện pháp trừng phạt kinh tế, nếu được tiếp tục, sẽ làm xói mòn vị thế quyền lực của chế độ Bắc Hàn, tạo cơ hội cho các hoạt động thị trường, làm sinh sôi nạn tham nhũng dưới đủ mọi hình thức và khuấy động trật tự ở trong nước."
Ông nói: "Tình trạng quyền kiểm soát của chính quyền bị xói mòn là một đòn giáng trực tiếp vào chính nền tảng của hệ thống cầm quyền dựa trên lãnh đạo từ trên xuống dưới".
Những nhận định của ông Ri Jong Ho được đưa ra trước cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in trong tuần này, nơi mà dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung bàn về mối đe dọa chung do chế độ Kim Jong Un và các tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn gây ra.
Từng nắm những chức vụ cao cấp trong các cơ quan trung ương của đảng Lao động Hàn Quốc, ông Ri đã giám sát khâu sản xuất và kinh doanh của Bắc Hàn trong 30 năm, và trong vai trò đó đã đóng góp để bổ sung nguồn dự trữ ngoại tệ có tầm quan trọng thiết yếu cho chế độ của lãnh tụ họ Kim.
Chức vụ cuối cùng của ông là ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc, trong cương vị người đứng đầu Tổng công ty Thương mại Daehung của Bắc Hàn, nằm dưới sự điều hành của Văn phòng 39, một chi nhánh bí mật của chính quyền Bắc Hàn. Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Văn phòng 39 tham gia các "hoạt động kinh tế bất hợp pháp và quản lý các quỹ đen, đồng thời phụ trách nhiệm vụ tạo nguồn thu nhập cho ban lãnh đạo."
Theo ông Ri, người đã trực tiếp quan sát các nỗ lực của giới lãnh đạo Bắc Hàn nhằm duy trì sự sống còn của chế độ giữa lúc miền Bắc rơi vào tình trạng đói kém nghiêm trọng kèm theo một cuộc khủng hoảng tài chính vào giữa những năm 1990, khi Bình Nhưỡng phải đối mặt với "áp lực vô cùng to lớn", chính quyền miền Bắc đã tỏ "thái độ thách thức" và tập trung vào việc phát triển vũ khí.
Đó có thể là tình huống hiện nay, khi cộng đồng quốc tế mở rộng các biện pháp chế tài đối với Bắc Hàn, nhắm vào các mạng lưới tài chính hỗ trợ các hoạt động chế tạo vũ khí.
Tuy nhiên lãnh tụ Kim Jong Un dường như đang đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí. Bắc Hàn đã thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân và một loạt vụ phóng phi đạn từ đầu năm 2016, khi Bắc Hàn không dấu giếm ước vọng muốn phát triển một phi đạn đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng vươn tới đất liền Hoa Kỳ, ông Ri nói Bình Nhưỡng coi Hàn Quốc như mục tiêu chính của một kế hoạch tấn công hạt nhân.
Xuất khẩu khoáng sản
Ông Ri nói các nỗ lực quốc tế hiện nay nhằm hạn chế hoạt động thương mại của Bắc Hàn đang làm tổn hại nền kinh tế nước này, vốn phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu khoáng sản.
Your browser doesn’t support HTML5
Các khoáng sản như than đá và quặng sắt, chiếm hơn 45% lượng hàng xuất khẩu của Bắc Hàn, trị giá tổng cộng 3 tỷ đô la mỗi năm, theo ông Ri.
Lo ngại về sự phụ thuộc quá nhiều vào một lĩnh vực, Bình Nhưỡng đã hạn chế xuất khẩu than anthracite hàng năm, ở mức 5 triệu tấn trong năm 2008, theo ông Ri.
Nhưng thỏa thuận đó tan vỡ, đến năm 2013, hàng xuất khẩu Bắc Hàn tăng gấp hai lần, và năm 2016, gấp bốn lần mức cho phép, giúp tạo ra những nguồn vốn thiết yếu.
Ông Ri nói. "Điều này cho thấy rõ ràng Bắc Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu ngoại tệ, bất cứ sự gián đoạn nào trong các hoạt động thương mại buôn bán khoáng sản, cũng sẽ tác động đáng kể không những đối với dân chúng nói chung mà còn đối với giới lãnh đạo. Đó là ‘điều không thể tránh khỏi’, theo ông Ri.
Ông Ri đơn cử quyết định ngưng nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên kéo dài ba tháng sau khi ông Jang Song Taek, người chú dượng của ông Kim, bị hành quyết vào đầu năm 2014, là một ví dụ.
Biện pháp ngưng nhập than đá từ Bắc Hàn, ông giải thích, không chỉ tác động mạnh tới ngành khai thác hầm mỏ, mà còn gây tổn thất cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Bắc Hàn, kể cả giới tiểu thương tại các ngôi chợ địa phương ở Bình Nhưỡng.
Được hỏi về những báo cáo gần đây cho thấy giá xăng tiếp tục tăng vọt, ông Ri nói rằng "có nhiều khả năng các biện pháp chế tài đã làm gián đoạn việc nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc."
Bắc Hàn hàng năm nhập khẩu từ 200.000 đến 300.000 tấn dầu diesel từ Nga. Các công ty ở Singapore, trung tâm thương mại chủ yếu nơi trao đổi hàng hóa ở châu Á, đã đóng vai trò cầu nối giữa hai nước trong hơn hai thập kỷ qua.
Ông Ri cho biết:
"Chúng tôi thỏa thuận với các công ty Singapore trước, và sau đó ký một hợp đồng khác với các công ty dầu mỏ Nga".
Ông Ri Jong Ho, người từng tham gia và hiểu biết sâu rộng về các hoạt động vận chuyển nhiên liệu từ Nga đến Bình Nhưỡng trong những năm từ năm 1997 đến năm 2005, nói nhờ có các nhà trung gian Singapore có uy tín và có thành tích cao làm ăn với các công ty của Nga, Bắc Triều Tiên thậm chí có thể được giao dầu trước khi phải thanh toán tiền bạc.
Ông Ri nói thêm rằng xét các tàu chở dầu của Bắc Hàn vẫn tiếp tục hoạt động, rất có thể những giao dịch giữa Bình Nhưỡng với các công ty Singapore hiện giờ vẫn tiếp tục.
Moscow không phải là nguồn duy nhất cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng, theo lời ông Ri. Bắc Kinh xuất khẩu sang Bắc Hàn khoảng 50.000 đến 100.000 tấn xăng mỗi năm.
Bắc Hàn ước lượng có từ 10 đến 12 tàu chở dầu có khả năng chở 3.000 tấn, vẫn lui tới các bến cảng Nga và Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Trung Quốc còn cung cấp cho Bắc Hàn khoảng 500.000 tấn dầu thô qua ngã các ống dẫn dầu, toàn bộ lượng dầu này đều phục vụ lực lượng quân đội khổng lồ của Kim Jong Un, và tất cả đều miễn phí.
"Nếu chính phủ Mỹ bắt đầu chặn đường dầu nhập khẩu vào Bình Nhưỡng, chế độ Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ chịu thiệt hại nặng nề", ông Ri nói.
Ông khẳng định:
"Nếu hoạt động của các tàu dầu chở dầu từ Nga và Trung Quốc sang Bắc Hàn bị chặn đứng, thì kể như huyết mạch của chế độ Kim Jong Un bị cắt đứt."
Tại Washington, Tổng thống Trump, người vẫn xem vị thế của Bắc Kinh như một đòn bẩy và là chiếc chìa khóa để giải quyết mối đe dọa hạt nhân do Bắc Triều Tiên đặt ra, đang hối thúc Trung Quốc hãy tham gia nhiều hơn.
Trong các cuộc đàm phán về an ninh giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc hồi tuần trước, hai nước tái khẳng định cam kết sẽ "thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc", theo Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Trong khi các nhà phân tích tình hình Bắc Hàn đồng ý với chính quyền của ông Trump rằng vai trò của Bắc Kinh là rất quan trọng, nhiều người tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của Trung Quốc, nói rằng họ sẵn sàng ra tay để kiềm hãm tính hiếu chiến của Bắc Hàn qua các biện pháp trừng phạt.
"Các biện pháp trừng phạt, cấm Bắc Hàn xuất khẩu khoáng sản hoặc nhập khẩu dầu thô, có thể có tác động làm thay đổi lối tiếp cận của chế độ họ Kim.
Trao đổi với Ban Tiếng Hàn-VOA hôm thứ Hai, ông Anthony Ruggiero, một thành viên cao cấp của Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, nguyên cựu Phó Giám Đốc Bộ Tài chính Hoa Kỳ và là một chuyên gia trong việc áp dụng các biện pháp tài chính đúng mục tiêu, thì không có bằng chứng nào - và thực tế là có bằng chứng chứng minh ngược lại – là Bắc Kinh sẽ thực thi những biện pháp hạn chế / cấm nhập khoáng sản và xuất khẩu dầu thô sang Bắc Hàn".
Ông Ri Jong Ho chia sẻ quan điểm này, nói rằng:
"Tôi không nghĩ chính phủ Trung Quốc sẽ đồng hành với Hoa Kỳ và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Hàn, bởi vì mục tiêu chiến lược của Trung Quốc khác với mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ".
Ông nói bất chấp mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh nhận thức rõ rằng trên thực tế họ không có lợi lộc gì, nếu chế độ Bắc Hàn sụp đổ, hoặc bán đảo Triều Tiên thống nhất, bởi vì một bán đảo Triều Tiên thống nhất có phần chắc sẽ ngả về phía Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Ông Ri Jong Ho đào thoát sang Hàn Quốc vào tháng 10 năm 2014, ông tới Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2016. Ông đang sống ở vùng Washington, D.C. cùng với vợ và hai con.
Your browser doesn’t support HTML5