Chứng vàng da và chứng lạc nội mạc tử cung

Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Trương Xuân Hoàng ở Khánh Hòa về chứng vàng da, và bà Nguyễn thị Ngọc Hà ở Florida về chứng lạc nội mạc tử cung.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Trương Xuân Hoàng ở Daknong và bà Nguyễn thị Ngọc Hà có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:

1) Trả lời: Ông Trương Xuân Hoàng

Triệu chứng bắt đầu của ông là vàng da vàng mắt. Mật được tế bào gan tiết ra, được dẫn truyền qua ống gan (hepatic ducts) Hai ống gan nhập thành một và nhập chung với một cái ống đi từ túi mật (cystic duct), làm thành ống mật chung (common bile duct), ống này đi ngang qua tùy tạng (pancreas), nhập với ống tùy tạng (pancreatic duct), va đổ vào ruột duodenum là đầu ruột non. Nếu trên con đường đi ra ruột của mật, bất cứ một trở ngại nào sẽ có thể làm mật ứ vào gan làm viêm gan, ứ vào máu, gây ra chứng vàng da (jaundice), mật dồn vào nước tiểu làm nước tiểu vàng đậm, đồng thời mật không vào được ruột làm cho phân không có màu vàng mà trắng bệt như đất sét. Bác sĩ tìm xem tắc nghẽn xảy ra ở đoạn nào để chữa trị, tuy nhiên việc này không phải là dễ. Những định bịnh được nêu ra là viêm gan (hepatitis) do tắc mật, u gan, u di căn gan và vì CA 19.9 của ông cao, cũng có thể u bướu tùy tạng( pancreatic tumor), đều có thể là những mặt khác nhau của một bịnh tình phức tạp lien hệ đến đường đi của các ống dẫn mật.

Hiện nay ông đang uống thuốc nam, và tôi không có ý kiến về biện pháp này. Tuy nhiên nếu ông muốn tìm một trị liệu bằng y khoa khoa học (scientific medicine), tôi đề nghị ông nhờ một bác sĩ y khoa tổng quát hoặc bs nội thương nghiên cứu tình hình bịnh lý của ông. Tùy theo khả năng tài chánh hay theo ý nguyện của ông, nhờ bs này đưa ra một đề án chung về những bác sĩ chuyên khoa cần tham vấn, những thử nghiệm cần làm nếu muốn chữa trị đến nơi đến chốn. Dù cho định bịnh khó trị dứt đi nữa, bác sĩ này cũng sẽ cố vấn cho ông về những biện pháp bảo vệ sức khỏe ở mức có thể thực hiện được, giữ mức dinh dưỡng cần thiết, hoặc dùng những thuốc giảm đau lúc cần thiết. Nói chung là cần có một bác sĩ điều hợp các cố gắng rời rạt của các bs chuyên khoa khác nhau và cố vấn cho ông về những gì mà ong muốn thực hiện trong khả năng của ông.

Chúc ông may mắn

2) Bà Nguyễn thị Ngọc Hà
.

Chúng ta đã bàn cách chữa trị lạc nội mạc tử cung trong bài nói chuyện kỳ trước. Tôi có nhắc đến thuốc medroxyprogesterone (tên thương mãi là DepoProvera ở Mỹ; trong bài nói chuyện trước tôi nói lộn là Depo-Medrol, xin nhắc lại ở đây thuốc chích ngừa thai 3 tháng môt lần là Depo-Provera chứ không phải Depo-Medrol). Depo-Provera chứa 150mg depot medroxyprogesterone acetate và ở Mỹ cần phải có toa bác sĩ mới mua được. Ngoài ra, thuốc viên ngừa thai uống hang ngày (oral contraceptive) cũng được dùng để trị các triệu chứng lạc nội mạc tử cung. Theo luật Mỹ, bác sĩ phải khám bịnh nhân mới biên toa cho bịnh nhân được. Đề nghị bà đi khám bác sĩ ở phòng mạch tư hoặc đến các clinic miễn phí của địa phương, để bác sĩ khám đàng hoàn và chữa đúng cách đúng bịnh.

(1) Thứ nhất về bướu xơ tử cung tôi đã trình bày chi tiết trong kỳ trước, tôi sẽ không lập lại ở đây, xin vào website để tham khảo.Theo tôi hiểu, nếu bướu xơ gây triệu chứng mà bịnh nhân không muốn dùng phẩu thuật thì chỉ có cách làm nghẽn mạch (embolization), nghĩa là bs chuyên về quang tuyến can thiệp (interventional radiologist) cho kim về hướng động mạch tử cung, bơm vào đó những hạt chất plastic vào dòng máu, đến những mạch máu nhỏ hơn nuôi cái u bướu đó, các hạt này bị kẹt lại và làm nghẽn dòng máu nuôi dưỡng các u bướu, sau đó với thời gian u buớu sẽ teo đi.

(2) Điểm thứ hai, bác sĩ của cô khuyên nên có chồng gấp nhưng cô chưa thể hoặc chưa muốn thực hiện, nhưng mặt khác cô muốn giữ khả năng sinh con nên không muốn phẩu thuật trên tử cung.Về điểm này, có những điều đáng chú ý sau:

Có thể bác sĩ cô khuyên như vậy vì với thời gian qua, thì khả năng có con càng giảm vì những lý do sau:

1) số lượng trứng từ buồng trứng càng ngày càng giảm

2) tuổi càng lớn thì các bịnh như u xơ tử cung (fibroid) càng tăng, tuy nói chung ảnh hưởng khiêm tốn thôi

3) bịnh lạc nội mạc tử cung (màng lót tử cung)(endometriosis) mà bịnh nhân nhắc đến ở đây.

Bình thường trong lòng tử cung có một lớp tế bào lót (endometrium), đầu chu kỳ kinh nguyệt, thì tế bào trong caí màng này mọc dày ra, đến cuối chu kỳ, nếu người đàn bà không thụ tinh (không có bầu), thì các tế bào này vì không còn kích tố nữ nuôi dưỡng chúng, bị tróc ra, và theo máu kinh nguyệt ra ngoài. Trường hợp bịnh “lạc nội mạc tử cung”, các tế bào màng lót “đi lạc” ra ngoài tử cung, vào xoang bụng (vùng xương chậu), bám vào bên ngoài tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng, chúng cũng tăng trưởng với chu kỳ kinh nguyệt, nhưng lúc cuối chu kỳ, chúng không ra ngoài được, mà lại nằm trong bụng, làm đau bụng rất nhiều lúc người đàn bà có kinh,và cần bs định bịnh để phân biệt với nhưng nguyên do khác gây đau bụng như bướu xơ tử cung, nhiễm trùng, đau ruột già (ruột kết), vv (Nếu người đàn bà có bầu, các triệu chứng lạc niêm mạc giảm đi lúc mang thai.)…

Với thời gian, lạc màng lót tử cũng gây ra thẹo, tạo nên những u nang (cyst), càng ngày càng ảnh hưởng nhiều đến cơ năng của buồng trứng và ống dẫn trứng, làm khó thụ thai hơn vì trứng rụng ra khỏi buồng trứng khó đi vào tử cung để gặp tinh trùng.

4) Một số khá đông phụ nữ bị các chứng nhiễm trùng vùng xương chậu mà không biết, với thời gian, các bịnh này có thể làm tắc nghẽn các ống dẫn trứng, càng ngày càng khó có thai.

Nói chung, tuổi dễ có bầu nhất cho đàn bà là từ 20-24, đến lứa tuổi 35-40, khả năng này giảm 25-50%, sau 40-50 giảm thêm 50-95 %. Đây là cái mà người ta gọi là “đồng hồ sinh học”(biological clock), cho dù chúng ta có những phương pháp trị hiếm muộn mới mẻ, cái đồng hồ sinh học cũng vẫn là yếu tố quan trọng nhất, nghĩa là người đàn bà càng lớn tuổi thì càng giảm hy vọng có bầu.

(3) Về câu hỏi thuốc chích ngừa thai loại 3 tháng và loại 3 năm bên nào tốt hơn.Tôi đoán bs của cô đề nghị các biện pháp này là để chữa bịnh lạc nội mạc tử cung. Thuốc Medroxyprogesteron (DepoMedrol), là thuốc ngừa thai, chích thịt, ba tháng một lần, thuốc ngăn chặn chảy máu hàng tháng (kinh nguyệt) không xảy ra, và các tế bào lòng tử cung mọc sai chỗ trong xoang bụng (intra-abdominal endometrial implants) không tăng trưởng nữa,làm giảm các triệu chứng đau, đầy bụng. Thuốc ngừa thai 3 năm được chôn dưới da, phần trong cánh tay, dưới nách (ống chích đặc biệt đẩy vào lớp mở dưới da).

Có 2 loại được dùng:

a) Implanon là implant duy nhất được dùng ở Mỹ: bằng cây diêm quẹt, chứa chất progestin, làm ngưng rụng trứng, làm nội mạc tử cung không phát triển, làm chất nhờn cỗ tử cung dày đặt lại, không cho tinh trùng vào. Sau ba năm phải lấy ra. Biến chứng thường nhất là kinh nguyệt không đều, máu đông không bình thường tạo nên các cục máu (clots) di chuyển gây nghẽn mạch (embolization), thai ngoài tử cung, cyst buồng trứng, nhức đầu, lên cân, trầm cảm…Hiệu nghiệm ngừa thai 99%, tương tự như thuốc chích mỗi 3 tháng.

b) Norplant (levonorgestrel), có lâu hơn (thập niên 1980), bị kiện tụng nhiều, nay chỉ còn dùng trong một số nước nghèo như Bangladesh.

(4) Ngoài ra, bịnh nhân còn dùng Zoladex (goserelin, gonadotropin releasing hormone agonist, đắt tiền, chích dưới da hàng tháng), là một thuốc tác dụng trên hypothalamus (phần dưới não bộ), làm giảm các hormone nữ kích thích sự tăng trưởng của bướu xơ tử cung. Tuy nhiên, ngưng thuốc thì bướu to trở lại, không trị dứt được. Trong trường hợp thính giả, zoladex vừa trị u tử cung, vừ trị bịnh lạc nội mạc tử cung, nên có thể bs dùng cho cả hai mục tiêu và, dù đắt tiền, cần theo quyết định của bác sĩ chuyên khoa.

(5) Về nằm ngủ sáng dậy tay sưng, bịnh nhân nên xem lại thế nằm của mình, nếu nằm nghiêng lúc ngủ, có thể đè lên đường trở về các tĩnh mạch và các kênh lâm ba (lymphatic channel). Nếu không bớt cần khám bác sĩ để tìm nguyên nhân.

Chúc bà may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.