Chứng tê cóng tay khi xúc động và chứng chóng mặt

Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của bà Nga ở thành phố Hồ Chí Minh hỏi về chứng tê cóng tay khi xúc động, và email của ông Trần văn Tài hỏi về chứng chóng mặt.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Bà Nga ở thành phố Hồ Chí Minh nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:

Trường hợp đàn bà gần 40 tuổi tay chân tê cóng không cử động được lúc xúc động.

Có lẽ vợ của ông bị chứng gọi là tetany. Trong bịnh tetany, cơ bắp dễ bị kích thích, co lại, co giật hơn bình thường nên cũng gọi là spasmophily. Trong trường hợp người mạnh giỏi không có bịnh gì, tetany thường do chứng máu nhiễm kiềm do hô hấp (respiratory alkalosis).

Giải thích về respiratory alkalosis: bình thường trong máu chúng ta, độ acid-kiềm đo bằng chỉ số pH chừng 7.4. CO 2 ( carbon dioxide) là thán khí được các tế bào thải vào máu, tan trong máu, đến phổi thì được thải ra không khí bên ngoài lúc chúng ta thở ra.Tuy nhiên C02 là một acid nhẹ,lúc nào cũng cần một số lượng nhất định CO 2 trong máu để giữ pH máu ở mức quân bình.

Nếu người bịnh thở nhanh quá vì xúc động, sợ hãi, hay vì cố ý làm nư, lượng CO2 giảm quá thấp, làm máu thiếu acid, trở nên kiềm (pH tăng lên), làm cho Calcium (chất vôi) trong máu bám vào các protein. Nồng độ Calcium dưới dạng ion (ionized calcium concentration)và là thành phần calcium có hoạt tính bị giảm, làm cho các bắp cơ dễ co giật. Người bị tetany co rút bàn chân và bàn tay (carpopedal spasm), chụm các ngón tay lại với nhau như hình nụ hoa sen, giống như bác sĩ sản khoa chụm bàn tay lại để đỡ đẻ, nên gọi triệu chứng này là “bàn tay bác sĩ đỡ đẻ” (Pháp: main d’accoucheur). Ngoài ra, bịnh nhân chóng mặt, ngầy ngật, tê tay chân (paresthesia), tê chung quanh miệng. Chứng bịnh này được gọi là “hội chứng tăng thông khí cấp tính” (acute hyperventilation syndrome).

Bác sĩ thường khuyên cho bịnh nhân thở vào một cái bao giấy (túi giấy) để giảm sự mất mát C02. Tuy nhiên, có thể không lợi lắm vì đồng thời cũng có thể giảm lượng oxy vào phổi. Cho nên, tốt hơn hết, là khuyên giải, trấn an người bịnh, giải thích cho bịnh nhân hiểu là không có gì phải hoảng hốt, và cần thở chậm lại. Ngoài ra, vì tetany, đến một lúc, bịnh nhân sẽ thở chậm lại.

Ngoài ra, trong trường hợp hiếm hơn, tetany có thể do thiếu calcium, thiếu magnesium, suy tuyến phó giáp ( làm giảm calcium trong máu, hypoparathyroidism), hoặc cường tuyến giáp (hyperthyroidism, làm giảm magnesium), vì vậy nếu có dịp nên đi khám bác sĩ, thử máu nếu cần.

Nếu là người ít khi ra ngoài nắng (nắng giúp cơ thể tạo nên vitamin D), ít ăn thức ăn có nhiều calcium (như yaourt/sữa chua, tàu hũ), có thể thiếu vitamin D và calcium, nên uống thêm

• thuốc cung cấp calcium (chừng 1000mg/ngày)
• vitamin D (chừng 600 IU[international unit, đơn vị quốc tế] /ngày
• (các viên thuốc bổ vitamin người lớn thường chứa 400 IU vitamin D)
• nếu uống liều cao hơn cần hỏi bác sĩ để bảo tồn sức khỏe xương cũng như sức khoẻ tổng quát.

Chúc bịnh nhân may mắn.

----------------------

Chúng tôi cũng nhận được email của một thính giả ký tên là Trần văn Tài, đại ý như sau:

"Tôi bị chóng mặt tái diễn trung bình từ 1 đến 2 tháng 1 lần đã 4 năm nay. Mỗi khi chóng mặt, tôi cảm thấy khó chịu và phải nằm nhắm mắt, có lúc bị buồn nôn, không thấy thèm ăn, huyết áp lúc đó khoảng 90 đến 100. Huyết áp bình thường của tôi là 100 -110. Tôi đang uống thuốc hoạt huyết dưỡng não nhưng bệnh vẫn tái diễn theo chu kỳ vừa nói. Xin cho biết thuốc đặc trị."

Sau đây là phần giải thích của bác sĩ Hiền:

1) Chóng mặt (vertigo) là một triệu chứng bao gồm nhiều nguyên nhân khác nhau. Chóng mặt chúng ta nói ở đây được định nghĩa là cảm giác chuyển động trong lúc thực tế mình không di động (motion), hoặc cảm thấy di động quá mức trong lúc mình chỉ làm một cử động nào đó.Người chóng mặt có thể cảm thấy mọi vật chung quanh chạy vòng vòng hoặc cảm tưởng mình lắc lư muốn té về trước hoặc về sau, như cảm giác say sóng lúc đi trên biển. Thường vertigo gây ra do bịnh lý của một bộ phận trong phần tai trong (inner ear) gọi là “mê đạo” (labyrinth).

Trong labyrinth có một túi nhỏ gọi là tiền đình (vestibule) gắn liền với 3 ống nhỏ, tròn, nằm trên 3 mặt bằng khác nhau nhưng gắn liền chụm vào nhau (semi-circular canals), chứa đầy môt chất dịch lỏng. Mỗi lần đầu chúng ta quay qua lại, nước dịch này di chuyển và kích thích các tế bào lông (hair cells, cilia), các tế bào này phát tín hiệu vào não bộ, não bộ phân tích để biết phương hướng mới của cơ thể trong lúc di chuyển.

Phân tích chóng mặt quan trọng nhất cần biết cơn chóng mặt kéo dài bao lâu, và lúc chóng mặt có nghe tiếng động gì trong tai không. Theo như thính giả tả, có vẻ như kéo không lâu lắm (vài ngày), mà cũng không phải vài giây vài phút đồng hồ, có lẽ từ 20 phút đến vài giờ và kèm theo ói, buồn nôn. Nếu đồng thời tai nghe không rỏ, khi được khi mất cá c tiếng trầm (fluctuating low frequency hearing loss), nghe có tiếng ù ù, tần số thấp (tinnitus) thì có thể nghĩ đến hội chứng Méniere.

Chữa bịnh Meniere gồm có:

• Ăn lạt (ít muối)
• uống thuốc lợi tiểu như acetazolamide
• chích corticoid vào màng nhĩ (intratympanic injection of corticosteroid
• hoặc phẩu thuật giảm áp suất dịch tai trong, hoặc cắt bỏ labyrinthe (labyrinthectomy).

Nếu bịnh nhân không thấy rối loạn thính giác (không nghe tiếng ù trong tai) thì có thể nghĩ đến chóng mặt do migraine (đau đầu một bên) và chữa theo migraine.

Migraine: thường cơn đau một bên đầu,nhưng có thể cả hai bên, đau bưng bưng (throbbing pain), nhưng có thể âm ỉ, có thể kèm theo buồn nôn, không ăn ngon, mắt mờ, sợ ánh sáng hoặc tiếng động. Migraine nhẹ chữa bằng những thuốc thông thường như acetaminophen, NSAIDS như Motrin, Aleve. Bn nằm nghỉ ngơi ở trong phòng yên tĩnh, tối. Nặng hơn, bs có thể d ùng những thuốc làm co mạch máu như ergotamine (Cafergot, trong đó có thêm caffeine) hoặc thuốc tryptan ( như Sumatriptan, Imitrex) mới hơn, làm giảm viêm và co lại các động mạch dưới sọ (cranial arteries). Nếu bị đau migraine trên 3 lần mỗi tháng, bs có thể cho thuốc uống hàng ngày để chặn các cơn đau đầu (ví dụ aspirine, propanolol (thuốc hạ áp huyết), cyproheptadine –là một thuốc chống dị ứng, thường dùng cho trẻ em ăn ngon miệng hơn).

2) Cần phân biệt với lâng lâng như say rượu(light headness), cảm giác mất thăng bằng (imbalance, muốn té), hay cảm giác sắp xiủ, hoặc xiủ (fainting) vi những lý do khác như đường máu quá thấp, áp huyết quá thấp, máu lên đầu bị giảm vì các động mạch nuôi óc bị nghẽn do xơ động mạch.

Nói tóm lại, bịnh có vẻ không nặng lắm và cũng ít khi xảy ra. Bịnh nhân có thể thử ăn lạt và nếu đúng như mô tả bịnh Meniere, hỏi bs có thể dùng thuốc lợi tiểu nếu xảy ra nhiều lần để ngăn chặn.

Bịnh nhân cần thu thập quan sát và ghi chú chi tiết về cơn chóng mặt của mình để nhờ bs của mình khám và phân tích, nhất là loại bỏ những nguyên nhân quan trọng như nghẽn mạch máu, bịnh não bộ, thiếu máu (anemia)…, vì bịnh nhân đã lớn tuổi.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.