Chứng bướu não tế bào hình sao

Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của bà Đỗ Mạnh Cường ở Hà Nội về chứng bướu não tế bào hình sao.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Bà Đỗ Mạnh Cường ở Hà Nội kể về trường hợp bệnh của cháu bé 3 tuổi và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:

Pilocytic astrocytoma after surgery and chemotherapy.

Bướu não tế bào hình sao (astrocytoma).

Bé gái Yến Khuê gần ba tuổi bị bướu pilocytic astrocytoma. Lúc 9 tháng được mổ ở Singapore và sau đó hóa trị liệu gồm carboplatin và vincristin trong 52 tuần lễ. Bé bị mất thị giác. Tuy nhiên trên MRI thì khối u ổn định.

Trẻ em cũng có thể bị u bướu não. Ở trẻ em, bướu óc là u bướu rắn (solid tumor) (nghĩa là không phải lỏng) thường gặp nhất. Những dấu hiệu thường gặp là: nhức đầu (buổi sang, kèm theo ói mữa, động kinh (seizures), nói khó khăn, đớ lưỡi, đổi tánh tình, mất trí nhớ, buồn ngủ, đi đứng không vững, mất thị giác, thính giác. Ở trẻ nhỏ dưới 12 tháng có thể những dấu hiệu gián tiếp: đầu to quá nhanh so với biểu đồ trung bịnh, thóp trước (anterior fontanelle ) quá rộng và phình ra (do áp suất trong đầu tăng quá cao), co giật nhãn cầu, mất thị giác, chiếu đèn vào mắt không thấy phản chiếu lại màu đỏ (red reflex).

Trong các loại bướu não trẻ em, thường gặp nhất là glioma. Có những tế bào có nhiệm vụ làm sườn nâng đỡ (support) và che chở các bộ phận thiết yếu của não bộ như một lớp keo (glue), gọi là tế bào keo (glial cell). Lúc các tế bào này phát triển không kiểm soát, chúng ta có các u tế bào keo )(glioma). Trong nhóm u glioma, phần lớn phát xuất từ tế bào hình ngôi sao, gọi là astrocyte, và bướu này gọi là astrocytoma, dịch nôm na là “u tế bào hình sao”. Trong các astrocytoma, loại có độc tính thấp nhất là pilocytic astrocytoma, được gọi tên như vậy vì hình thế bào buớu hình dài như sợi xơ, sợi tóc (chứ không phải có những sợi tóc trong bướu). Bướu này có thể nằm nhiều địa điểm khác nhau trong óc, ở tiểu não (cerebellar astrocytoma), ở cuống não, và đặc biệt có thể nằm ở trên dây thần kinh thị giác (optic nerve) phía mặt dưới của não bộ, gần hypothalamus. Thần kinh thị giác là hai sợi dây thần kinh nằm chéo nhau như chữ X (optic chiasma, giao thoa, chéo thị giác), đi từ mắt vào não bộ để đem những tín hiệu vào não bộ, tương tự như dây cáp đem hình từ máy thu hình video vào computer chính. Một số lọai bướu này có thể cắt bỏ bằng phẫu thuật nếu có giới hạn rõ rệt. Trong trường hợp ở đây có lẽ vì vị trí ở vùng thần kinh thị giác và hypothalamus gần đó có nhiệm vụ tối quan trọng cho sự sống còn nên không cắt ra được mà phải cần đến hoá trị kéo dài.

Chúng ta nghe phụ huynh nói rằng thị giác em bình thường trước khi mổ, tuy nhiên không biết có chính xác không. Nếu thật sự bịnh nhân mất thị giác sau khi mổ có thể do dây thần kinh thị giác đã bị tổn thương lúc mổ lên u bướu. Lý do khác có thể xảy ra là do hiện tượng viêm gây ra do phẫu thuật, có thể thị giác bị ảnh hưởng trong một giai đọan nào đó sau khi phẫu thuật, nhưng sau đó có thể phục hồi ít nhiều lúc hiện tượng viêm đã giảm đi. Do đó, khả năng phục hồi có thể có hay không, nhiều hay ít, phải xét tùy trường hợp. Câu hỏi của phụ huynh rằng thị giác của em có khả năng phục hồi hay không không thể giải đáp được ở đây.. Bác sĩ chuyên về nhãn khoa thần kinh (neuro-ophthalmology) là người chuyên về vấn đề này.

Sau khi mổ, bịnh nhân cần được bác sĩ theo dõi:

-MRI não bộ để xem u bướu có mọc trở lại không (recurrence)
-phát triển về tâm trí của em bé.
-các tuyến nôi tiết (vì phần não lân cận gồm hypothalamus và hypophysis (tuyến yên) điều khiển các tuyến nội tiết. Sau này cần theo dõi phát triển về tính dục, nhất là cơ năng hai buồng trứng (ovarian function) lúc dậy thì.
-hệ thần kinh (neurologic assessment), thị giác, thính giác.

Một số glioma là dấu hiệu của một bịnh di truyền như neurofibromatosis (gồm nhiều vết màu cà fê sữa trên da, những u xơ như trái sung) và tuberous sclerosis (làm kinh phong, nổi u ngoài da, trên hai má hoặc nơi khác). Nên để ý và nhờ bs nhi khoa khám tổng quát để xem em bé, hoặc người thân có những dấu hiệu các bịnh này không.

Chúc bịnh nhân và gia đình may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.