Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Ông Hứa Thêm ở Sóc Trăng có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp thắc mắc:
Luôn luôn cảm thấy lạnh.
Thính giả phái nam luôn luôn thấy lạnh từ 5 năm nay, khám nhiều bác sĩ mà không tìm ra nguyên nhân. Ngoài ra, bịnh nhân buồn ngủ ban ngày và khó ngủ ban đêm.
1) Thường thường nếu bịnh nhân luôn luôn thấy lạnh, bác sĩ phải nghĩ đến hai chứng bịnh thường gặp:
1. Bịnh suy tuyến giáp: tuyến giáp (dịch từ thyroid có nghĩa là hình cái giáp vì tuyến nằm phía trước miếng sụn hình giống cái khiên [shield] nằm ở giữa cỗ), tuyến hình chữ H, là một tuyến nội tiết, có nghĩa là tuyến tiết hormon (thyroid hormone) vào máu của chúng ta. Trường hợp giảm năng tuyến giáp, (hypothyroidism), tuyến không sản xuất đủ hormon, làm cho biến dưỡng cơ thể chậm lại, kém đi, cơ thể không phát ra đủ nhiệt lượng điều hoà nhiệt độ cơ thể theo nhu cầu. Lúc tuyến giáp giảm năng, một tuyến nhỏ nằm dưới bộ óc gọi là tuyến yên (hypophysis, pituitary gland), nhỏ bằng hạt đậu, có nhiệm vụ điều hoà tuyến giáp và tiết ra vào máu một hormon gọi là TSH (thyroid stimulating hormone) để kích thích tuyến giáp làm việc nhiều thêm. Nếu bác sĩ nghi bịnh nhân bị giảm năng tuyến giáp, đo mức thyroid hormone (T3 và T4 giảm ) hoặc TSH (tăng lên) trong máu bịnh nhân. Nếu bs đã thử và cho biết là không việc gì, thì chắc không phải do tuyên giáp.
2. Hiện tượng Raynaud (Raynaud’s phenomenom): Bình thường lúc ở môi trường lạnh, cơ thể chúng ta tự động làm co các mạch máu nhỏ ở ngoại biên (tay chân, đầu ngón tay, ngón chân, mũi, vành tai) để bảo vệ nhiệt lượng cho phần trung tâm cơ thể (óc, phổi, bụng). Hiện tượng này làm tay chân lạnh và tái. Trong trường hợp chứng Raynaud, phản xạ tự nhiên này trở nên quá lố, quá nhạy cảm với những thay đổi nhỏ của nhiệt độ bên ngoài. Ngón tay ngón chân dễ trở nên tái hoặc tím ngắt, lúc bớt lạnh thì trở nên đỏ và sưng. Trường hợp nhẹ, bịnh nhân có thể chỉ thấy lạnh tay chân, khám không thấy gì đặc biệt và bịnh nhân cần mang găng tay, vớ, mặc áo ấm.Tuy nhiên đa số hiện tượng này xảy ra ở người trẻ, phái nữ. Hiện tượng Raynaud cũng có thể thứ phát đi kèm theo bịnh phong thấp.
3. Tình trạng mệt mỏi, lo âu quá đáng (anxiety) có thể làm chúng ta cảm thấy lạnh tay chân, mình mẩy, như chúng thường dùng từ “rét” để chỉ thái độ sợ sệt. Một trong những nguyên nhân mệt mõi là do thiếu ngủ như trường hợp của thính giả.
4. Ngoài ra bịnh nhân nên xem mình có nhẹ cân quá hay không. Người quá ốm (gầy) dễ bị lạnh vì ít mỡ để che chở và khối cơ bắp là nơi phụ trách phát nhiệt chống lạnh cũng ít hơn.
5. Người ăn quá ít, nhất là những chất cung cấp calori như tinh bột, mỡ, cũng như thiếu một số vitamin như vitamin D cũng có thể làm chúng ta dễ cảm thấy lạnh.
6. Một số người thiếu máu (do ít ăn thịt, thiếu chất sắt, cũng có thể thấy lạnh. Bác sĩ chỉ cần thử nghiệm máu giản dị (đo lượng huyết sắc tố [hemoglobin]) là có thể loại bỏ khả năng này.
2) Nói thêm về bịnh làm ông luôn luôn buồn ngủ ban ngày và khó ngủ ban đêm, Bịnh này có thể liên hệ với chứng lạnh của ông. Ví dụ một bịnh rối lọan về giấc ngủ gọi là narcolepsy làm bịnh nhân rất buồn ngủ ban ngày (excessive daytime sleepiness, EDS) và không ngủ được lúc ban đêm, thỉnh thoảng đột ngột mềm nhũn, lăn đùng ra ngủ một giấc (cataplexy). Trong bịnh này bịnh nhân cũng than phiền về chứng lạnh kinh niên. Người ta nghi rằng do thalamus trong não bộ rối loạn, mà thalamus vừa phụ trách tình trạng thức-ngủ vừa phụ trách về điều hòa thân nhiệt.
Một kịch bản khác có thể xảy ra là một số người bị chứng thở bất bình thường lúc ngủ (sleep disordered breathing), nhất là “obstructive sleep apnea” (OSA) (thở gián đoạn lúc ngủ vì tắc nghẻn đường hô hấp) làm bịnh nhân thiếu oxy lúc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Bịnh nhân ngáy lớn, thỉnh thoảng ngưng thở, ngưng ngáy vài giây, rồi vì ngộp, tỉnh ngủ, thở lại tiếp. Ban ngày bịnh nhân không tĩnh táo, vì đêm ngủ không thẳng giấc và thời lượng ngủ thật sự ngắn đi, dễ bị tai nạn lúc làm việc, lái xe. Bịnh nhân thường quá mập, bụng bự, cỗ to và lớn tuổi.
Những trường hợp này cần khám bác sĩ thần kinh (neurologist) hoặc nếu có phương tiện, ở các trung tâm chuyên về giấc ngủ (sleep clinic)với bác sĩ chuyên về y khoa giấc ngủ (sleep medicine). Người ta cho bịnh nhân ngủ qua đêm trong phòng thí nghiệm, và theo dõi biểu đồ điện tim (ECG), điện não (EEG), hoạt động điện các cơ (EMG), oxy trong máu (pulse oxymetry)… được kết hợp trong một biểu đồ kết hợp gọi là polysomnogram.
Tóm lại, thính giả nên để ý những điểm nêu trên và
1. Áp dụng nguyên tắc v ệ sinh: ăn uống đều đặn, đầy đủ, tránh thuốc lá, uống rượu,
2. Vận động cơ thể, thư giãn,
3. Giảm bớt lo âu, vệ sinh giấc ngủ, tránh các nguồn kích động giờ ngủ, tĩnh tâm.
4. Tìm một bác sĩ gia đình có khả năng nghiên cứu lại tình hình của mình.
Nếu các thử nghiệm về máu, tuyến giáp trạng đều bình thường, nên để ý giải quyết rối loạn về giấc ngủ và nếu không có định bịnh gì mới, nên tham khảo bác sĩ về tâm lý (psychologist) hoặc tâm thần (psychiatrist) để tìm hiểu thêm về chứng mất ngủ do lo âu (anxiety) và được giúp đỡ.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.