Bệnh chân tay đỏ và đau

Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Thịnh ở Michigan về bệnh chân tay đỏ và đau.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Thịnh ở Michigan có kể về trường hợp bệnh của cháu gái 7 tuổi và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải thích:

Bịnh chân tay đỏ và đau (Erythromelalgia):

Trường hợp thính giả hỏi về bé gái 7 tuổi mắc bịnh suyễn và hay thấy nóng ở chân, phải ngâm nước lạnh, chưa tìm ra nguyên nhân.

Cháu ở Mỹ, thường đầy đủ phương tiện về y tế, hơn nữa người thầy thuốc tốt nhất là người thầy thuốc bên cạnh người bịnh, cho nên tôi sẽ không bàn về trường hợp cá nhân của em ở đây. Tôi chỉ nhân cơ hội này, bàn với quý vị thính giả một bịnh có triệu chứng tương tự, có thể liên hệ đến trường hợp đang bàn. Bịnh gọi là bịnh chân tay đỏ và đau (erythromelalgia), là một bịnh hiếm, chừng vài chục ngàn người mới có một người. Mục đích ở đây không phải để phụ huynh định bịnh lấy mà để chúng ta cùng học hỏi về một bịnh mà ngay bác sĩ phải đã từng nghe qua, cảnh giác mới nhận ra được bịnh và không tìm kiếm những thử nghiệm tốn kém, không cần thiết. Bịnh có thể nhẹ lúc đầu, nhưng cũng có thể trở nên rất phiền toái và chữa trị cũng không dễ.

Trong từ Anh ngữ erythromelalgia này có ba phần: erythro là đỏ, melos (mel) là tứ chi, tay chân; algos (algia) là đau. Có thể tạm dịch chứng bịnh này là tay chân đỏ và đau. Một số nơi còn gọi là bịnh erythermalgia, có nghĩa là chứng [tay chân] đỏ-nóng-đau.

Thường các động mạch nhỏ đi đến một bộ phận nào đó của chúng ta được điều khiển để dãn nở ra (vasodilation) hay co thắt lại, teo lại theo nhu cầu cần máu đến nơi đó nhiều hay ít. Mạch máu dãn ra nhiều quá thì đem máu đến nhiều hơn, bộ phận đó cương lên, sưng lên và có thể cảm thấy nặng, đau. Trong bịnh này, sự điều chỉnh các động mạch nhỏ cung cấp máu đi đến bàn tay và bàn chân bị rối loạn và mạch máu bị nở ra từng cơn (paroxysmal dilatation of small arteries of the feet and the hands).

Có hai trường hợp,

1. hoặc bịnh nguyên phát (primary), không rõ nguyên nhân (idiopathic). Trong một số trường hợp, phát bịnh từ lúc sơ sanh hoặc lúc còn nhỏ tuổi,, bịnh do một biến đổi trong gien (chromosome số 2) của cha mẹ để lại cho con, nghĩa là bịnh di truyền. Tuổi bịnh phát trung bình là 10 tuổi.Thường bịnh trẻ em thuộc nhóm này.

2. hoặc bịnh thứ phát (secondary), đi theo một bịnh khác, thường là bịnh của tế bào tủy xương, gây ra qúa nhiều hồng cầu (polycythemia vera) hay quá nhiều tiểu bản (thrombocythemia), hoặc bịnh lupus.Trung bình người bịnh 50-60 tuổi lúc phát bịnh.

Triệu chứng:

Bịnh nhân thấy chân hoặc tay nóng, đau như phỏng (nóng bỏng), đỏ chừng vài phút cho tới vài giờ. Lúc đầu triệu chứng có thể nhẹ thôi (như chỉ nóng nhẹ, đau nhẹ), sau đó nặng hơn, đôi khi làm bịnh nhân không sinh hoạt bình thướng được. Thường trời nóng (29-32 độ), hoặc thòng tay, chân xuống lâu (làm máu ớ ở bàn tay bàn chân) dễ gây ra những triệu chứng trên. Nhúng tay, chân vào nước lạnh, có đá, làm giảm triệu chứng rất nhanh.

Định bịnh: căn cứ phần lớn trên lâm sàng (nghĩa là hỏi bịnh và khám bịnh), không căn cứ nhiều trên thử nghiệm (lab tests). Lúc không đau có thể khám bịnh chẳng thấy gì. Mạch vẫn bình thường, dây thần kinh vẫn bình thường. Bịnh nặng, da có thể lở loét vì ngâm nước đá liên miên.

Thử nghiệm: thử nghiệm máu có thể giúp loại bỏ những trường hợp thứ phát do những bịnh về tế bào máu, bịnh lupus, bịnh multiple sclerosis nói ở trên.

Định bịnh phân biệt: Bịnh nhân đau, nóng buốt ở hai chân, hai tay có thể do nguyên nhân khác: viêm dây thần kinh rể (nerve roots) đi từ cột sống, có thể cần tham khảo với bs thần kinh (neurologist), thực hiện MRI (chụp hình bằng cọng hưởng từ trường), đo vận tốc dẫn truyền các dây thần kinh (nerve conduction velocity), để loại bỏ khả năng này.

Trị liệu: Tránh chỗ nóng, nghỉ ngơi tay chân, đắp lạnh. Trường hợp nguyên phát (primary), một số bịnh nhân nặng có thể dùng gabapentin là thuốc thường để trị co giật. Trong bịnh erythromelagia thứ phát, cần bác sĩ huyết học (hematologist) theo dõi bịnh tế bào máu nếu có. Và trong trường hợp thứ phát này, aspirin có thể giúp bịnh nhân bớt đau.

Chúc thính giả và Christine may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.