Chịu ảnh hưởng của các nhà hậu cấu trúc luận và giải cơ cấu, các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa (postmodernists) tập trung sự chú ý vào cái biểu đạt hơn cái được biểu đạt, vào hình thức hơn nội dung, vào cái bên ngoài hơn là bề sâu. Theo Jean Baudrillard, thế giới hậu hiện đại là thế giới bị tràn ngập bởi những hình ảnh từ tivi, từ quảng cáo và từ phim ảnh, đến độ, dần dần chúng ta đánh mất cảm quan về cái thực, chúng ta không còn phân biệt giữa cái thực và cái tưởng tượng, hơn nữa, có khi chúng ta còn thấy cái tưởng tượng lại có vẻ thực hơn cả những cái có thực. Đó là thế giới của những vật thế vì (simulacrum) - giống như "giấy thế vì khai sinh" - một thứ bản sao không có bản gốc.[1] Theo Fredric Jameson, thế giới hậu hiện đại là thế giới của sự nhại lại (pastiche), một thế giới trong đó không hy vọng gì có thể tìm ra một sự cách tân nào về phong cách được nữa; những gì người ta có thể làm được là bắt chước những gì đã có, là "nói qua những chiếc mặt nạ và với giọng điệu của những phong cách trong viện bảo tàng tưởng tượng." (to speak through the masks and with the voices of the styles in the imaginary museum).[2]
John Barth, một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của trào lưu hậu hiện đại, lạc quan hơn, cho "một nhà văn hậu hiện đại lý tưởng không từ khước mà cũng không bắt chước các bậc bố mẹ hiện đại chủ nghĩa ở thế kỷ 20 hay các bậc ông bà tiền-hiện đại chủ nghĩa ở thế kỷ 19. Hắn có một nửa đầu của thế kỷ ở dưới nịt, nhưng không phải ở trên lưng." (He has the first half of the century under his belt, but not on his back).[3] Nghĩa là, nói cách khác, người cầm bút hậu hiện đại mặc dù không thoát được truyền thống nhưng truyền thống ấy, với hắn, không còn là một gánh nặng nữa. Hắn được tự do trong thế giới văn chương: hắn có thể phá bỏ ranh giới giữa các thể loại, pha trộn giữa thơ và văn, giữa tiểu thuyết và báo chí hay nghị luận, giữa hư cấu (fiction) và phi hư cấu (non-fiction). Hắn có thể vừa kể chuyện vừa bình luận về câu chuyện của mình. Hắn cũng không ngần ngại sử dụng lại các thi pháp hay thủ pháp trong các trào lưu văn học hiện đại chủ nghĩa, và thậm chí còn có thể sử dụng cả những chất liệu có sẵn từ đời xưa hay những chất liệu phi văn học, lấy từ phim ảnh, báo chí, tivi, hay các loại tiểu thuyết khoa học giả tưởng, v.v...
Đây không phải là việc hạ bệ cái mới mà là một sự tái thẩm định ý nghĩa của cái mới trong một thời đại mà khát vọng hướng về cái tuyệt đối cũng như ý niệm về sự tiến hoá đã bị loại bỏ. Cái mất đi trước hết không phải là bản thân cái mới mà là nền tảng triết học trên đó cái mới được phân biệt với cái cũ. Theo Jean-François Lyotard, nền tảng triết học ấy là một đại tự sự (grand narrative) hay siêu tự sự (metanarrative), tức những tham vọng giải thích toàn bộ cuộc sống và lịch sử vốn cực kỳ phức tạp, muôn màu muôn vẻ với vô số những diễn tiến (narratives) đầy bất ngờ khác nhau vào một luận điểm rạch ròi và cứng nhắc theo kiểu chủ nghĩa Mác đã thâu tóm cả lịch sử nhân loại vào một khái niệm đơn giản: lịch sử đấu tranh giai cấp. Tinh thần hậu hiện đại chủ nghĩa, theo Lyotard, là tinh thần hoài nghi hoàn toàn đối với những "siêu tự sự" như thế.[4]
Cách đây mấy thế kỷ, bắt đầu bằng một sự hoài nghi, René Descartes đã đi đến chủ nghĩa duy lý. Hiện nay, sự hoài nghi của các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa dẫn đến cái nhìn tương đối và thái độ chế nhạo (irony). Một mặt, họ biết rất rõ sự bất toàn và bất cập của mình, mặt khác, họ vừa chấp nhận lại vừa cười cợt trên chính sự bất toàn và bất cập ấy. Trong cuốn Reflections on the Name of the Rose, Umberto Eco đưa ra một ví dụ:
“Tôi nghĩ thái độ hậu hiện đại cũng tương tự như thái độ của một người đàn ông yêu một phụ nữ học thức cao; anh ta biết rằng anh không thể nói với cô kiểu "anh yêu em mê mệt", bởi vì anh thừa hiểu là cô ta biết (và cô ấy cũng biết là anh biết) những chữ ấy đã được Barbara Cartland viết ra rồi. Tuy nhiên, vẫn còn có cách khác. Anh có thể nói thế này: "Như Barbara Cartland đã từng nói, anh yêu em mê mệt." Như thế, vừa tránh được sự ngây thơ vờ vĩnh vừa có thể nói được rõ ràng những gì vốn không còn có thể được nói một cách ngây thơ, đồng thời, anh lại vừa nói lên được những gì anh muốn nói với người phụ nữ: anh yêu cô, nhưng anh yêu cô trong một thời đại đã mất sự ngây thơ.”[5]
Mất sự ngây thơ cũng có nghĩa là mất đi sự nhẹ dạ đối với những lý thuyết "siêu tự sự". Những người cầm bút hậu hiện đại tuy biết rõ, như gã đàn ông trong ví dụ vừa dẫn của Eco biết rõ, những gì mình sắp viết ra không phải là một phát kiến riêng của mình, nhưng đồng thời, nhờ thiếu lòng sùng tín và mê tín đối với những gì đã có hoặc hiện có, họ cũng biết là không có gì có thể bắt buộc họ phải viết như thế này chứ không được viết như thế kia, như cái điều mà thế hệ cha anh của họ vẫn thường xuyên cảm nhận và chấp nhận.
Jean-François Lyotard, một trong những lý thuyết gia hàng đầu của chủ nghĩa hậu hiện đại, nhận xét một cách khái quát hơn:
“Một nhà văn hay một nghệ sĩ hậu hiện đại được đặt trong vị thế của một triết gia: cái văn bản hắn viết hay tác phẩm hắn hoàn thành trên nguyên tắc không bị thống trị bởi một qui luật tiền lập nào và chúng cũng không thể bị đánh giá theo bất cứ một phán đoán tất định nào qua việc áp dụng những phạm trù quen thuộc đối với văn bản và tác phẩm. Chính những qui luật và những phạm trù ấy là những gì mà một tác phẩm văn học nghệ thuật tự nó đang tìm kiếm. Người nghệ sĩ và văn sĩ, bởi vậy, sáng tác trong tình trạng không có luật lệ nào cả để tạo ra những luật lệ cho những gì đang được hoàn tất.”[6]
Quan điểm sáng tác hậu hiện đại chủ nghĩa, trong cách nhìn của Jean-François Lyotard, đặc biệt đáng cho giới cầm bút Việt Nam suy ngẫm.
Hơn ai hết, chúng ta cần sáng tác trong tinh thần "tạo ra những luật lệ cho những gì đang hoàn tất" thay vì bị khống chế bởi những luật lệ đã có sẵn từ trước.
Nhưng muốn vậy, cần phải thoát ra khỏi áp lực của truyền thống.
Ở Tây phương, món nợ đối với truyền thống đã được chủ nghĩa hiện đại thanh toán sạch hoặc gần sạch. Hiện nay, không còn mấy ai bị vướng víu bởi những di tích mỹ học của chủ nghĩa hiện thực hay lãng mạn, đừng nói gì là chủ nghĩa tân cổ điển, vì vậy, họ có thể an tâm tuyên bố như John Barth trong câu văn dẫn ở trên, là truyền thống chỉ nằm dưới nịt chứ không phải ở trên lưng của họ, và cũng chính vì vậy, khi họ sử dụng lại những đề tài hoặc những thủ pháp rất cũ, họ vẫn không sợ bị sa vào cái cũ.
Ở Việt Nam thì khác. Do nhiều nguyên nhân lịch sử, đất nước chúng ta vẫn còn đứng trước ngưỡng cửa của thời kỳ hiện đại. Nỗ lực hiện đại hoá của giới cầm bút thời 1932-45, chưa gặt hái được thành tựu gì đáng kể, đã bị chiến tranh và sau đó, hoạ độc tài, làm cho đình trệ. Văn học Việt Nam thời kỳ gọi là đổi mới, từ giữa thập niên 80 về sau, thực chất, trên rất nhiều phương diện, là sự lặp lại quá trình hiện đại hoá thời 32-45: sự phục hồi của thể phóng sự, sự tái xuất hiện của cái tôi cảm xúc dẫn đến sự bùng nổ của dòng thơ trữ tình, sự giằng co giữa truyền thống và hiện đại, và đề tài người nông dân tha hoá trong một xã hội vừa chớm đô thị hoá từng xuất hiện trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, giờ lại xuất hiện khá nhiều, trong tác phẩm của phần lớn những người được xem là có tinh thần đổi mới.
Rõ ràng là về phương diện văn hoá, ở nhiều khía cạnh, chúng ta chưa tiến xa hơn thế hệ 1932-45. Trong lãnh vực tư tưởng văn học, không những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực và lãng mạn còn nhiều mà ngay cả những ảnh hưởng rơi rớt của Nho giáo thuộc một thời đã khá xa xưa cũng vẫn còn vô cùng sâu đậm.
Điều đó khiến cho, sâu thẳm trong đáy hồn của tuyệt đại đa số người Việt Nam, cả người viết lẫn người đọc, đều thấp thoáng hai hình ảnh trái ngược hẳn nhau: hình ảnh của một ông đồ già lụ khụ đòi văn học phải "ngôn chí", đủ thứ "chí", cũng như phải "tải đạo", đủ thứ đạo, và hình ảnh của một đứa con nít thích khóc nhè với những thứ tình cảm nhão nhẹt.
Hai hình ảnh cũ kỹ ấy liên minh với nhau ngăn chận quá trình tìm tòi cái mới của giới cầm bút Việt Nam. Điều đó làm cho công việc sáng tạo, với chúng ta, trở thành vô cùng vất vả. Chúng ta không thể đạt đến bất cứ điều gì nếu trước hết, chúng ta không chống lại một cái gì, không phá đổ một cái gì. Viết lách tất yếu trở thành một cuộc cãi cọ với lịch sử, một sự gây hấn với truyền thống. Không thể khác.
Cái cách mà giới phê bình hay nghiên cứu văn học Việt Nam hay làm là nhắc lại kinh nghiệm đổi mới của thời 1932-45 với hy vọng điều chỉnh, định hướng hay phê phán những nỗ lực đổi mới văn học hiện nay, chẳng hạn, cho sự đổi mới phải nhắm tới mục tiêu tạo đồng cảm hay trên cơ sở tôn trọng vần điệu và phải có tính quần chúng, v.v... chỉ là một việc làm nhảm nhí: nó cũng điên rồ như một kẻ lái xe mà chỉ chăm chắm nhìn vào kính chiếu hậu. Một lối lập luận như thế không tiên liệu đến khả năng là tất cả những yếu tố vừa kể, từ vần điệu đến cảm xúc hay tính quần chúng đều chỉ là sản phẩm của một thời đại nhất định, với một quan điểm thẩm mỹ nhất định. Khi quan điểm thẩm mỹ thay đổi, những yếu tố ấy cũng thay đổi theo. Biến những yếu tố ấy thành những đặc điểm bất biến là biến một thời điểm lịch sử thành vĩnh cửu. Nó cũng giống việc một thằng khờ vạch dấu trên thuyền để ghi nhớ địa điểm rơi vật quý xuống dòng sông.
Hơn nữa, nên nhớ là truyền thống không phải là cái gì nằm bên ngoài ta. Truyền thống ở ngay trong tâm thức của ta, là cái tạo nên tâm thức của ta. Với một mức độ nào đó, có thể nói mỗi người chúng ta là một sản phẩm của truyền thống. Ở phạm vi nhỏ hẹp hơn, với tư cách là người đọc, mỗi người trong chúng ta luôn luôn là những đứa con rơi của vô số những tác giả chúng ta đọc từ thuở còn niên thiếu. Những tác giả ấy, qua tác phẩm của họ, đã dần dần hun đúc khiếu thẩm mỹ của chúng ta; định hình cách nghĩ và cách cảm của chúng ta.
Bởi vậy, tự bản chất, mỗi người trong chúng ta bao giờ cũng lạc hậu hơn một chút so với nền văn học đích thực vào thời đại chúng ta đang sống.
[1] Jean Baudrillard (1983), Simulations, Semiotext, New York.
[2] Fredric Jameson, "Postmodernism and Consumer Society" in trong Postmodern Culture do Hal Foster biên tập, Pluto xuất bản tại London năm 1985, tr. 115.
[3] John Barth, "The Literature of Replenishment", The Atlantic số tháng Giêng 1980, tr. 71.
[4] Jean-François Lyotard (1984), The Postmodern Condition: A Report on Knowledge, Manchester University Press, Manchester.
[5] Umberto Eco (1984), Reflections on the Name of the Rose, William Weaver dịch từ tiếng Ý, Secker & Warburg xuất bản tại London, tr. 67.
[6] Jean-François Lyotard, "Answering the Question: What is Postmodernism?", in trong tập Postmodernism, A Reader do Thomas Docherty biên tập và giới thiệu, Harvester Wheatsheaf xuất bản tại New York, năm 1993, tr. 46.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.