Cổ vũ cho cái mới trong văn học sớm nhất có lẽ là những cây bút thời Phục Hưng, nhưng cổ vũ một cách tự giác và nhiệt tình nhất hẳn là các nhà lãng mạn chủ nghĩa, những người, vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, đã đưa ra những cách nhìn mới mẻ về thế giới, về con người, về cái đẹp, về bản chất của văn học, và, liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn, về tác giả.
Với các nhà lãng mạn, một hình ảnh mới được phong vương trong sinh hoạt văn học: thiên tài. Đó không phải là những bậc thầy về tu từ học, những kẻ am tường các kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ như cách hiểu của chủ nghĩa tân cổ điển trước kia mà là, trước hết là, một cá thể độc đáo với những năng lực tưởng tượng phi thường, có những cảm xúc mãnh liệt và một nguồn cảm hứng dào dạt. Đó là những kẻ có khả năng tạo ra được những gì hoàn toàn mới lạ, chưa xuất hiện trước đó bao giờ. Trong cách nhìn đó, sự độc sáng là dấu hiệu rõ rệt nhất của tài năng.[1]
Trung tâm của cái mới trong thế kỷ 20 là chủ nghĩa hiện đại (modernism) và chủ nghĩa tiền phong (avant-gardism). Hai khái niệm này thỉnh thoảng được dùng lẫn lộn như hai từ đồng nghĩa, nhưng thật ra, theo Susan R. Harrow, chúng có ít nhất ba sự khác biệt chính.
Một, trong khi chủ nghĩa hiện đại được nhìn như là ý hướng tìm tòi một phong cách sáng tác mới hơn là việc ứng dụng một phong cách đã có; chủ nghĩa tiền phong, ngược lại, lại là một việc ứng dụng một số kỹ thuật và một số lý tưởng thẩm mỹ được nêu sẵn như một thứ tuyên ngôn chung.
Hai, chủ nghĩa hiện đại được nhìn như một trạng thái ý thức, vì vậy, có tính phản tỉnh và phê bình, và cũng chính vì vậy, nó hay có giọng điệu hoài nghi, bi quan, mỉa mai, xung đột với tính hiện đại (modernity) trong khi nó vẫn duy trì ít nhiều quan hệ với truyền thống; chủ nghĩa tiền phong, ngược lại, gắn bó chặt chẽ với tính hiện đại, và do đó, thường xuyên tấn công và đả phá truyền thống, cả truyền thống văn học lẫn truyền thống xã hội.
Cuối cùng, khi bàn đến chủ nghĩa hiện đại, người ta thường nghĩ đến từng cá nhân riêng lẻ, từng văn nghệ sĩ cụ thể, ngược lại, nói đến chủ nghĩa tiền phong, người ta nghĩ ngay đến một trào lưu chung với tính tập thể trong tổ chức và tính giáo điều trong thái độ.[2]
Phần đông giới nghiên cứu đều cho chủ nghĩa tiền phong bao gồm các trào lưu chính như chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa đa-đa và chủ nghĩa siêu thực. Trong khi đó, cái gọi là chủ nghĩa hiện đại có ý nghĩa rộng hơn, bao trùm tất cả những văn nghệ sĩ dứt khoát đoạn tuyệt với những quy ước thống trị trong địa hạt văn hoá, văn nghệ của thế kỷ 19, trong đó, nổi bật nhất là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn: Khác với các nhà văn hiện thực đề cao khía cạnh phản ánh hay mô phỏng hiện thực, các nhà hiện đại chủ nghĩa chỉ quan tâm đến việc tự phản tỉnh trong văn nghệ; cũng khác với các nhà lãng mạn vốn tin tưởng vào khả năng giao cảm và đồng cảm giữa người và người, tin tưởng vào chức năng truyền cảm và gợi cảm của văn học, các nhà hiện đại chủ nghĩa, từ T.S. Eliot đến Ezra Pound, từ D.H. Lawrence đến Franz Kafka, đều rất bi quan: tất cả đều nhìn thế giới như một sự tan rã và mục nát, trong đó sự giao cảm giữa con người với nhau rất mực khó khăn hay có thể nói là bất khả.[3]
Chia sẻ một khát vọng chung hướng về cái mới, các nhà tiền phong và hiện đại chủ nghĩa lao mình vào các cuộc phiêu lưu không ngưng nghỉ, hết thử nghiệm kỹ thuật này lại tìm tòi những kỹ thuật khác. Trào lưu này kế tiếp trào lưu kia, dồn dập và tưng bừng khiến sinh hoạt văn học đổi mới hoài hoài. Chưa bao giờ, trong suốt lịch sử nhân loại, có một thời kỳ nào văn học có tốc độ vận động nhanh chóng và phong cách văn học phát triển đa dạng đến như vậy.
(Tiếc, ở Việt Nam, chưa có ai nghiên cứu và giới thiệu các trào lưu này một cách nghiêm túc, khiến ngay cả giới cầm bút cũng hiểu về những khái niệm cơ bản như siêu thực, đa-đa, vị lai, duy hình (Imagism)... một cách hết sức mơ hồ và sai lạc. Phần lớn giới nghiên cứu và lý luận văn học vẫn còn loay hoay quanh quẩn với các trào lưu như lãng mạn, hiện thực, tự nhiên, hay tượng trưng... vốn thuộc thế kỷ 18 và 19!).
[1] Xem Dugald Williamson (1989), Authorship and Criticism, Local Consumption Publications xuất bản tại Sydney, tr. 3-23. Xem thêm Nguyễn Hưng Quốc (1996), Thơ, v.v... và v.v..., Văn Nghệ, California, tr. 159-179.
[2] Susan R. Harrow, trong bài "Naming the Modernist: the Ambiguities of Apollinaire" in trong tập The Turn of the Century, do Christian Berg, Frank Durieux và Geert Lernout biên tập, Walter de Gruyter xuất bản tại Berlin, 1995, tr. 450-459.
[3] Jeremy Hawthorn (1992), A Glossary of Contemporary Literary Theory (2nd edn), nxb Edward Arnold, London.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.