Các tổ chức quốc tế và báo chí phương Tây khen ngợi nỗ lực kiềm chế lây lan và phòng dịch Covid-19 của Việt Nam, nói rằng thế giới có thể học tập kinh nghiệm của Hà Nội vì cho đến nay cả nước chưa có ca nào tử vong dù Việt Nam là nước có chung đường biên giới kéo dài với Trung Quốc.
Hôm 12/04, Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, chúc mừng sự thành công của Việt Nam và ngành Y tế của nước này trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, với hơn nửa số bệnh nhân nhiễm đã bình phục hoàn toàn.
Dịp này, đại diện của UNDP cũng tặng 20.000 chiếc khẩu trang ngoại khoa chất lượng cao cho Bộ Y tế Việt Nam nhằm giúp bảo vệ các nhân viên y tế - những người đang ở đầu chiến tuyến chống lại dịch Covid-19, theo trang thông tin của Bộ Y tế.
Vào tuần trước, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia VTV, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng các nước nên học hỏi phương châm 4 tại chỗ của Việt Nam: “Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Ông phân tích 3 lý do vì sao Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng: Việt Nam sớm kích hoạt cơ chế cảnh báo dịch ngay khi Trung Quốc mới ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên của bệnh viêm phổi lạ vào cuối tháng 12/2019, Việt Nam đã sớm lên kịch bản ứng phó với nguy cơ dịch lây lan từ nước ngoài và lây nhiễm chéo trong cộng đồng; cách tiếp cận toàn dân của Chính phủ Việt Nam và người dân có sự đồng thuận và niềm tin vào quyết sách của Chính phủ; Việt Nam đã đầu tư rất nhiều để nâng cấp năng lực của ngành y tế, hệ thống phòng thí nghiệm, khả năng phản ứng trước các tình huống cụ thể của các bệnh viện.
“Chúng tôi rất ấn tượng với cách chống dịch “Made in Việt Nam” này và tôi nghĩ đây là bài học rất hay các nước khác nên học hỏi”, VTV dẫn lời Tiến sĩ Kidong Park nhận định.
Trước đó, Viện khảo sát Dalia cũng nhận định rằng Việt Nam “khống chế có hiệu quả” số ca nhiễm Covid-19, và người dân tin tưởng vào các biện pháp mạnh của Chính phủ “dù hơi quá quyết liệt.”
Vào cuối tháng 3, Viện này cho biết có đến 62% người tham gia khảo tại Việt Nam cho rằng chính phủ Việt Nam đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 “phù hợp, không quá mạnh tay, hay lỏng lẻo.”
Ông Christoph Dölitzsch, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Chuyên sâu của Viện nghiên cứu Dalia Research, cho VOA biết trong một email: “Dữ liệu chứng tỏ rằng Việt Nam có khả năng khống chế sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm, trái ngược hoàn toàn với tình hình ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.”
“Đáng chú ý, tuy Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được điều này với những biện pháp quá quyết liệt nhưng không làm nhiều người bỏ cuộc,” ông cho VOA biết thêm.
XEM THÊM: Khảo sát Dalia: Việt Nam khống chế hiệu quả Covid-19, người dân tin tưởngHôm 13/4, báo Đức Deutsche Presse-Agentur (DPA) có bài viết ca ngợi hoạt động chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, nói rằng dù có chung biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam “nhờ sự kết hợp của hành động quyết đoán, xét nghiệm sâu rộng, kiểm dịch triệt để và đoàn kết xã hội “đã tránh được những thiệt hại lớn hơn và giữ số ca mắc COVID-19 ở mức vài trăm, không có ca nào tử vong.
Tờ báo này viết: “Với số ca mắc bệnh ở mức vài trăm, phản ứng của Việt Nam với khủng hoảng đã được WHO ca ngợi.”
“Thống kê chính thức cho thấy có khoảng hơn 75.000 người đang cách ly và kiểm dịch. Nước này đến nay đã thực hiện hơn 121.000 xét nghiệm, trong đó 260 trường hợp được xác nhận mắc bệnh”, hãng tin DPA viết thêm.
Hãng tin Đức cho rằng “phần lớn thành công của Việt Nam” trong việc ứng phó với dịch Covid-19 nhờ vào “sự đoàn kết xã hội.”
DPA cho biết các trường học tại Việt Nam đã đóng cửa từ tháng 1 và việc cách ly tập trung đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 16/3. Kể từ đó, hàng chục nghìn người từ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly bắt buộc tại các khu cách ly. Từ ngày 25/3, các chuyến bay quốc tế cũng bị dừng lại.
Cho tới nay, DPA cho biết Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu nới lỏng các hạn chế. Phần lớn các chuyến bay nội địa, các chuyến tàu và xe buýt đều dừng hoạt động. Bất kỳ ai rời Hà Nội, nơi có nhiều ca nhiễm, đều phải cách ly khi tới hầu hết các tỉnh khác.
Trước đó, một tờ báo khác của Đức là tờ Deutsche Welle (DW) cũng phân tích 4 điểm cơ bản giúp Việt Nam gặt hái được thành quả này: Việt Nam đã huy động trên mọi mặt trận. Để đối phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã đưa ra các chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt và triển khai truy tìm toàn bộ những người đã tiếp xúc với người có virus. Giới chức Việt Nam đã ghi nhận chi tiết và đăng tải thông tin về bất cứ cá nhân nào có khả năng có virus. Việt Nam cũng theo dõi tiếp xúc của những người ở cấp độ 2, 3 và 4 của các ca nhiễm bệnh. Thêm vào đó, từ rất sớm, bất cứ cá nhân nào tới Việt Nam từ các vùng có nguy cơ cao đều bị cách ly trong 14 ngày.
Trang Liberation hôm 06/04 viết: Phản ứng của chính phủ Việt Nam đối với dịch bệnh đã được quốc tế ghi nhận, từ WHO đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), vì nước này có “mô hình phòng chống dịch bệnh toàn diện với chi phí thấp.”