Các phòng phiếu ở Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa

Lãnh đạo đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Kilicdaroglu và vợ Selvi Kilicdaroglu đi bỏ phiếu tại một trạm bỏ phiếu ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Các phòng phiếu của cuộc bầu cử quốc hội trọng yếu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ nhật đã đóng cửa, sau khi cử tri nước này bỏ phiếu quyết định liệu có bầu cho các nhà lập pháp ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp để trao cho tổng thống nhiều quyền hành hơn hay không.

Kết quả ban đầu theo trông đợi sẽ được công bố trong vài giờ tới, nhưng các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đây là cuộc bầu cử gay cấn nhất trong hơn một thập niên qua tại nước này.

Tổng thống Erdogan không tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội này, nhưng cuộc đầu phiếu được xem như một cuộc trưng cầu dân ý cho việc có trao cho đảng cầm quyền AK thế đa số cách biệt trong quốc hội có 550 ghế, đủ để các nhà lập pháp của đảng AK sửa đổi hiến pháp, đưa Thổ Nhĩ Kỳ sang tổng thống chế, giống như hệ thống của Hoa Kỳ.

Điều đó sẽ thay đổi đáng kể nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, và mở rộng quyền hành của ông Erdogan như là một chính trị gia quyền lực nhất nước này.

Ông Erdogan nói việc thay đổi này cần thiết cho sự phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ, để tạo ra một "nước Thổ Nhĩ Kỳ mới," nhưng các chính đảng đối lập đã vận động ngược lại.

Các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy đảng AK vẫn tiếp tục chiếm đa số, nhưng tỉ lệ chiếm giữ gần 50% số ghế quốc hội mà họ giành được trong cuộc bầu cử hồi năm 2011 sẽ giảm xuống.

Nếu đảng HDP thân với người Kurd giành được vượt mức 10% khi họ bắt đầu tham gia quốc hội sẽ mở ra cơ hội cho việc sửa đổi hiến pháp.

Hơn 53 triệu cử tri có quyền đi bầu. Nếu đảng AK giành được 330 ghế, đảng này có quyền kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp. Và nếu đảng này giành được 367 ghế, họ được quyền biểu quyết sửa đổi hiến pháp mà không cần trưng cầu dân ý.

Cuộc bầu cử diễn ra hai ngày sau các vụ đánh bom tại một cuộc mít-tinh của đảng HDP, khiến 2 người thiệt mạng và ít nhất 200 người bị thương tại thành phố Dyyarbakir ở miền đông nam.