Các đại diện của chính phủ và các viện nghiên cứu từ Myanmar và các nước láng giềng, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, đã tổ chức các cuộc đàm phán tại New Delhi hôm 25/4, trong nỗ lực bí mật nhằm xuống thang cuộc khủng hoảng đẫm máu ở đất nước Đông Nam Á do quân đội kiểm soát này, hai nguồn tin nói với Reuters.
Myanmar đã rơi vào xung đột và hỗn loạn kinh tế từ năm 2021 sau khi quân đội đầy quyền lực lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bình, kích hoạt cuộc kháng chiến vũ trang mà chính quyền quân sự đã đàn áp dữ dội.
Các cuộc đàm phán trong tuần này là đợt đàm phán thứ hai trong khuôn khổ đối thoại ‘Lộ trình 1.5’ vốn khởi động tại Thái Lan hồi tháng trước và diễn ra khi ngày càng có nhiều bất mãn trong khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về việc chính quyền quân đội nước này không thực hiện kế hoạch hòa bình mà họ đã đồng ý hồi tháng 4/2021.
Các nguồn tin này, yêu cầu giấu tên và từ chối nên danh tính các đại biểu đàm phán vì quá trình đàm phán diễn ra trong vòng bí mật, cho biết Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Lào đã có mặt tại cuộc họp hôm 25/4, cùng với Indonesia, nước chủ tịch hiện nay của ASEAN.
Một trong những nguồn tin ẩn danh này cho hay các đại biểu muốn để cho Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) của Myanmar, tổ chức gắn với phong trào kháng chiến và bị chính quyền quân sự gọi là ‘khủng bố’, tham gia.
“Họ muốn nói chuyện chính thức với NUG vào thời điểm nào đó, bởi vì NUG và quân đội Myanmar chưa hề nói chuyện chính thức”, nguồn tin này nói. “Đây là hy vọng của các đại biểu đàm phán”.
Cuộc đàm phán được một viện nghiên cứu Ấn Độ tổ chức và có bàn đến việc tất cả các bên phải giảm bạo lực, tạo không gian cho đối thoại và viện trợ nhân đạo, nguồn tin thứ hai nói và cho biết thêm rằng cuộc đàm phán kế tiếp sẽ diễn ra tại Lào.
“Quan điểm của các nước láng giềng cần phải được tính đến”, nguồn tin này nói. “Đối với các nước láng giềng, ưu tiên hàng đầu là giảm bạo lực”.
Tập đoàn quân sự Myanmar bị các nước phương Tây xa lánh nhưng đã tăng cường can dự với Nga và gần đây đã tiếp đón các quan khách Thái Lan, bao gồm cả tư lệnh quân đội và ngoại trưởng nước này.
Nhà ngoại giao về hưu Ban Ki-moon, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vốn đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Myanmar khi còn đương chức, đã gặp thủ lĩnh tập đoàn quân sự và cựu tổng thống theo đường lối cải cách của Myanmar hôm 24/4 và kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức.
Bản kế hoạch hòa bình của ASEAN, được gọi là chương trình đồng thuận năm điểm, là tiến trình ngoại giao chính thức duy nhất đang được thực hiện cho Myanmar. Nó bao gồm chấm dứt thù địch và bắt đầu đối thoại giữa tất cả các bên.
ASEAN đã cấm chính quyền quân sự tham dự các cuộc họp của khối cho đến khi họ thực hiện kế hoạch kế hoạch hòa bình này, khiến các tướng lĩnh Myanmar tức giận.