Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á vẫn tiếp tục tỏ ý không muốn nhận các di dân và người tị nạn kẹt trên nhiều chiếc thuyền bị những kẻ buôn người bỏ mặc trên biển, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã thê thảm.
Các nhà hoạt động ước tính vẫn có khoảng 8 nghìn thuyền nhân vẫn còn trôi dạt trên các con thuyền, mà nhiều người trong số đó không có đủ lương thực hoặc nước uống, sau khi chính quyền Thái Lan tấn công một đường đây buôn người lớn, phá vỡ các mạng lưới vận chuyển người của tội phạm.
Malaysia, Indonesia và Thái Lan là ba nước nơi các di dân và người tị nạn muốn tới, nhưng các quốc gia này nói rằng những di dân tuyệt vọng này không phải là trách nhiệm của họ, phớt lờ những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền và Liên Hiệp Quốc.
Hơn 700 di dân Rohingya và Bangladesh đã tới Indonesia hôm nay sau khi họ được các tàu đánh bắt cá cứu khi thuyền chở họ bị chìm ngoài khơi tỉnh Aceh.
Gần 600 di dân cũng được các hải quân Indonesia cứu hôm Chủ Nhật. Các giới chức nói rằng những thuyền nhân này đã được cho ăn uống và đưa tới ở tạm tại phía bắc tỉnh Aceh trong khi chính phủ tham vấn Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.
'Không được chào đón'
Thứ trưởng Nội vụ của Malaysia Wan Junaidi hôm qua nói rằng nước ông phải “gửi một thông điệp đúng đắn rằng họ không được chào đón ở đây”. Các giới chức Malaysia khác nói rằng các cuộc tuần tra trên biển và trên không đang được tăng cường nhằm ngăn chặn “sự xâm nhập trái phép”.
Đầu tuần này, hơn 1 nghìn thuyền nhân bị bỏ rơi đã bơi vào bờ ở Indonesia. Các quan chức nói rằng họ hiện đang bị giữ tại các trại tạm giam trong khi chính quyền tiến hành việc chuẩn bị đưa họ đi nơi khác.
Các con thuyền chở hàng trăm người đã bị hải quân Indonesia và Malaysia chặn, và sau khi cung cấp cho các di dân đồ ăn, thức uống, thì đẩy họ đi.
Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc tuần này đã kêu gọi mở một chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ quốc tế để giúp đỡ các thuyền nhân. Nhiều người sống sót nói rằng những người bị kẹt trên biển bị đói và ốm đau, và thậm chí một số đã tử vong.
Nhiều người tị nạn là người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar. Tại nước này, họ là các nạn nhân của tình trạng đàn áp mà tổ chức Human Rights Watch nói rằng cấu thành tội thanh lọc sắc tộc và tội ác chống lại nhân loại.
Người Rohingya ở Myanmar phần đông bị tước đoạt các quyền cơ bản như quyền công dân và quyền tự do đi lại.
Số người khác trên các con thuyền là người Rohingya và các di dân tìm cách thoát khỏi tình trạng nghèo đói ở Bangladesh.
Các thuyền nhân là nạn nhân của một hoạt động buôn người quy mô lớn mà các di dân được hứa hẹn sẽ có công ăn việc làm ở các nước láng giềng, nhưng sau đó lại bị bắt để đòi tiền chuộc hoặc bị bán làm việc như các nô lệ.
Your browser doesn’t support HTML5