Sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu về áp trần giá khí đốt và các gói cứu trợ của các nước lại bùng lên hôm 7/10, khi Ba Lan cáo buộc Đức ‘ích kỷ’ trong việc ứng phó với sự thiếu hụt năng lượng vào mùa đông do cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra.
Đa số các nước EU đã yêu cầu Brussels áp trần giá khí đốt, nhưng họ không đồng ý về chi tiết. Một số nước muốn áp trần rộng rãi lên tất cả giao dịch khí đốt và hợp đồng nhập khẩu, trong khi các nước khác chỉ muốn áp trần trong ngành điện.
Trần giá nằm trong số một loạt các đề xuất và sáng kiến của các nước châu Âu nhằm ứng phó với nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh. Nga từng cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu và giá khí đốt đã tăng vọt. Giá khí đốt đã giảm xuống khỏi mức đỉnh trong năm nay nhưng vẫn cao hơn 200% so với đầu tháng 9/2021.
Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối trần giá, do lo ngại nó sẽ khiến họ gặp khó khăn để mua khí đốt phục vụ nền kinh tế của họ và làm nguội lạnh các khuyến dụ về giảm tiêu thụ khí đốt.
Đến dự hội nghị thượng đỉnh EU tại Lâu đài Prague, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết bất kỳ trần giá nào cũng phải được tính toán làm sao để hỗ trợ các nhà cung cấp năng lượng.
“Các cuộc đàm phán đang diễn ra. Và đàm phán sẽ rất quyết liệt vì.. mục tiêu của chúng ta là hỗ trợ... các nhà cung cấp năng lượng, để nguồn cung khí đốt không giảm,” ông nói.
Thủ tướng Séc Petr Fiala đề cập cụ thể đến áp trần giá khí đốt dùng để sản xuất điện, trong khi Thủ tướng Krisjanis Karins của Latvia cho biết trần giá sẽ ‘đáng kể’ nếu EU vẫn có thể đảm bảo nguồn cung từ các nhà sản xuất.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cảnh báo EU nên cẩn thận để không làm tổn hại vị thế trên thị trường toàn cầu bằng cách khiến người bán quay lưng với trần giá mà họ không thích, bởi vì ‘có thể sau đó chúng ta có trần giá nhưng không có năng lượng’.
Chủ tịch hội nghị thượng đỉnh, ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết sẽ không có quyết định nào vào ngày 7/10 nhưng hy vọng cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo sẽ dẫn đến thỏa thuận khi họ gặp nhau lần sau vào ngày 20-21/10.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã chỉ trích Đức về điều mà ông coi là phóng tay đến 200 tỷ euro trợ cấp để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trước chi phí năng lượng tăng vọt.
“Sự ích kỷ của Đức phải bị dẹp bỏ,” ông nói, lặp lại những lo ngại về hố tài chính vốn ngăn cách giữa các nước giàu vốn đủ sức bỏ nhiều tiền để trợ cấp trong nước và những nước không đủ điều kiện.
Nhưng Thủ tướng Alexander De Croo của Bỉ cho biết các gói hỗ trợ quốc gia lớn là cần thiết khi không có gói cứu trợ nào trên phạm vi toàn khối.
“Chúng tôi không thể để người dân đối phó với thời tiết lạnh giá”, ông nói với các phóng viên. “Nhưng giải pháp thực sự là chúng ta cùng nhau hành động trên thị trường và sau đó những gói hỗ trợ lớn của từng nước như vậy sẽ không còn cần thiết nữa”.
Với kho dự trữ khí đốt của EU đã đầy 90%, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối đã chuẩn bị tốt cho mùa đông.