Michael Brown
Những buổi lễ truy điệu trên bãi biển, những buổi lễ mặc niệm và nhiều nghi thức tôn giáo được tổ chức trên khắp Á châu ngày hôm nay nhân dịp kỷ niệm năm thứ 10 ngày xảy ra trận sóng thần Ấn Độ dương giết chết hơn 220.000 người.
Tại Thái Lan ngày hôm nay, nhiều người đã rủ nhau đến đặt hoa và những vật kỷ niệm tại một bức tường, nhân dịp lễ khánh thành công viên tưởng niệm nạn nhân sóng thần ở Ban Nam Khem.
Hơn 5.000 người đã thiệt mạng ở Thái Lan khi trận sóng thần kinh hoàng tàn phá mười mấy nước ở vành đai Ấn Độ dương.
Trong số các nạn nhân có người bạn gái của ông Andy Chaggar. Ông thuật lại với đài VOA như sau về ngày định mệnh đó:
"Có một tiếng động lớn như tiếng máy bay mà tôi không thể nào mô tả được. Tiếng động mỗi lúc một lớn, và tôi không biết chuyện gì xảy ra. Ngay khi tôi nhảy ra khỏi giường thì cơn sóng ập vào căn lều của hai đứa chúng tôi. Đó là lần chót tôi trông thấy cô ấy."
Tại Indonesia, các giới chức chính phủ đã đến dự một buổi lễ truy điệu tại một khu mộ tập thể của khoảng 168.000 người.
Trận sóng thần, do một cơn địa chấn có cường độ 9.1 gây ra, đã xóa sạch các cộng đồng ven biển và ập vào những bãi biển đầy du khách vào buổi sáng ngày 26 tháng 12 năm 2004. Một du khách tên Jillian Searle kể lại cảnh tượng ở Phuket ngày hôm đó, khi bà phải ra sức cứu hai đứa con trai – một đứa 5 tuổi, một đứa một tuổi:
"Tôi biết là tôi phải bỏ bớt một đứa. Tôi cứ nghĩ trong đầu là tôi phải bỏ bớt đứa con lớn. Một người phụ nữ níu được nó trong một lúc, nhưng rồi bà ấy phải thả nó ra, vì chính bà ấy cũng bị chìm. Tôi gào lên để tìm xem nó ở đâu và chúng tôi cứ nghĩ là nó đã chết. Thật là khủng khiếp. Tôi thật là có phước vì hai đứa con tôi vẫn còn sống với tôi."
Indonesia là nước bị sóng thần tàn phá dữ dội nhất, với số người chết vượt mức 160.000 người. Hàng ngàn người khác cũng bị thiệt mạng ở Thái Lan và Sri Lanka.